Ngày 16/11, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Tổ chức Nông nghiệp & Lương thực Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo về chủ đề Nông nghiệp sinh thái.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nền nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua, trong đó có việc góp phần đưa đất nước từ thiếu đói thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, trước những thách thức hiện tại, nền sản xuất Việt Nam gặp nhiều thách thức từ việc phụ thuộc vào phương thức thâm canh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái đất, nước và đa dạng sinh học. Nguy cơ về thiên tai và dịch bệnh ngày càng tăng.
"Để đảm bảo tăng trưởng ổn định, lâu dài, Việt Nam phải chuyển đổi sang mô hình phát triển mới tích hợp quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. Chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy phát triển hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững", ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những cam kết của Việt Nam đã xuất hiện tại nhiều hội nghị quốc tế, cũng như được ghi tại Nghị quyết của Đại hội Đảng XII hồi tháng 4/2021. Những định hướng ấy được gắn trong chiến lược mới của ngành nông nghiệp, hướng tới "Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh".
Đồng chủ trì hội thảo, ông Remi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và thông tin thêm, rằng từ năm 2014 FAO đã đề xướng và huy động nguồn lực tham gia chuyển đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái.
Một trong số đó là hệ thống đánh giá thực hành nông nghiệp sinh thái (TAPE). Đây là bộ công cụ được sử dụng để phân tích, xây dựng và đánh giá việc thực hiện chính sách chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của các hệ thống nông nghiệp.
"Nhiều cấp độ quản lý nông nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng công cụ này. Giờ là lúc ngành nông nghiệp cần chuyển từ chính sách sang hành động”, ông Womdim bày tỏ.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, khái niệm nông nghiệp sinh thái đã xuất hiện từ lâu, nhưng trước đây ít chú trọng vào các yếu tố kinh tế, xã hội. Theo quan điểm hiện đại, nông nghiệp sinh thái gồm 10 thành tố là: tính đa dạng, chia sẻ kiến thức, tính cộng hưởng, tính hiệu quả, sự tái tạo, sức chống chịu, giá trị xã hội nhân văn, truyền thống ẩm thực và văn hóa, quản trị có trách nhiệm, kinh tế tuần hoàn và vững chắc.
Dưới sự tác động qua lại của 10 thành tố, nông nghiệp sinh thái cần cách vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ nhiều đơn vị, và có thể áp dung cho quy mô toàn cầu. Ông Đào Thế Anh tin tưởng, những sản phẩm được tạo ra từ hệ nông nghiệp sinh thái cần được dán nhãn.
"Đó là yêu cầu cấp thiết, trước mắt là trong lĩnh vực nghiên cứu, sau là định hướng phát triển lâu dài, giúp nâng cao vị thế của nông nghiệp nước nhà", ông nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam phát triển 6 nhóm nông nghiệp sinh thái, gồm nông lâm kết hợp, quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPHM), thâm canh lúa cải tiến, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản, canh tác hữu cơ, và bảo tồn cảnh quan.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trình bày về những lợi ích của IPHM, đồng thời gợi mở về việc tích hợp đa giá trị khi quản lý sâu bệnh.
"Thay vì tập trung vào diệt trừ sâu hại, giờ chúng ta phải quan tâm tới cả sức khỏe đất, sức khỏe con người, sức khỏe cây trồng và thảm thực vật xung quanh", ông nhấn mạnh.
2021 là năm bản lề với nền nông nghiệp Việt Nam, khi chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, nông nghiệp sinh thái là một giải pháp toàn diện để giải quyết những thách thức phi truyền thống như dịch Covid-19 thời gian qua.