Liên minh châu Âu được biết đến là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) lớn, có giá trị cao. Trong năm 2020, thị trường này đã nhập khẩu gần 300 tỷ USD các mặt hàng NLTS chính. Đây cũng là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN. Ngành nông nghiệp xác định, EU là phép thử đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu của nông sản Việt Nam, nâng cao uy tín trên toàn cầu theo định hướng, chiến lược nông nghiệp đã đề ra là minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 vừa qua, đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu NLTS của Việt Nam, có thể mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu nhờ cắt giảm thuế quan đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến. Nhiều cơ hội, thế nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang EU lại chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS hàng năm của EU.
Tại hội nghị lấy ý kiến tham vấn Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030” do Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 1/7, một số lãnh đạo Sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL và doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông, thủy sản đều có chung băn khoăn về hệ thống kho lạnh, công nghệ bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị xuất khẩu trong vùng. Hiện trạng các kho lạnh tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường. Trong đó, vùng ĐBSCL chỉ có 6 kho lạnh, quy mô nhỏ lẻ, các dịch vụ kho lạnh thông minh chưa phát triển. Điều này trở thành “rào cản” khiến mặt hàng NLTS vùng ĐBSCL khó tiếp cận thị trường EU. Đặc biệt, với mặt hàng rau quả và thủy sản dù vùng được đánh giá có tiềm năng rất lớn.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho hay, rau quả và thủy sản sẽ là những mặt hàng ưu tiên tập trung phát triển trong đề án, bởi khả năng cung cấp đều đặn các đơn hàng lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Và công nghệ bảo quản, kho lạnh là vấn đề mấu chốt để các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, lợi thế lớn nhất của thị trường EU là đầu vào, tất cả rau quả của Việt Nam nhập vào thị trường này không cần qua đàm phán. Thế nhưng hàng rào kỹ thuật lại vô cùng khắt khe, tần suất kiểm soát nghiêm ngặt. Ông đưa ra dẫn chứng, với những doanh nghiệp mới xuất khẩu vào EU, từ 10 – 20 lô hàng đầu tiên sẽ bị kiểm tra 100%.
Quan điểm của ông Tùng, công nghệ bảo quản là vấn đề sống còn của doanh nghiệp khi xuất khẩu sang EU. Bởi đặc thù khoảng cách địa lý xa, vận chuyển hàng hóa sẽ mất nhiều thời gian. Hàng hóa Việt Nam muốn đảm bảo chất lượng khi “cập bến” thị trường này đòi hỏi công nghệ bảo quản cao, thông minh.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cũng xác định, công nghệ bảo quản là điểm nghẽn lớn nhất của xuất khẩu NLTS. Đặc biệt là với mặt hàng trái cây. “Các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới hầu như vùng chưa tiếp cận nhiều”, ông Nhơn nhấn mạnh.
Một đại diện tỉnh Trà Vinh cho hay, Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030” cũng cần tập trung xây dựng cho vùng đồng bằng chuỗi các kho lạnh thông minh để sớm hoàn thiện hệ thống logistics trong vùng.
Tháng 3 vừa qua, mô hình trình diễn kho lạnh thông minh do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ đã khánh thành tại tỉnh Trà Vinh. Đây là dự án lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD, tổng diện tích khoảng 1.000 mét vuông.
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), với Dự án phát triển chuỗi logistics lạnh thông minh ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu dài hạn sau năm 2030 sẽ chuyển dịch được 50% sản lượng xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL từ thị trường Trung Quốc chuyển sang thị trường Châu Âu, Trung Đông...
Vừa qua đoàn nghiên cứu của đơn vị đã khảo sát 14 địa điểm tiềm năng trên địa bàn 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL để xây dựng kho lạnh thông minh. Trước mặt, đơn vị sẽ đề xuất với Liên minh Châu Âu xem xét tài trợ xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Các kho lạnh thông minh được xác định vị trí đặt tại các vùng sản xuất trái cây tập trung ở khu vực ĐBSCL, đảm bảo nông sản được bảo quản ngay sau thu hoạch, rút ngắn khoảng cách vận chuyển. Song song đó, các tuyến đường giao thông gần bến cảng cũng được ưu tiên đặt kho lạnh thông minh để thuận tiện cho việc vận chuyển container lạnh bằng đường bộ, đường thủy nội địa và cảng biển. Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, phát triển thêm từ 100 – 200 kho lạnh thông minh khác tại các tỉnh ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ rau quả phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang Châu Âu, Trung Đông theo khối lượng dự báo đến năm 2030.