ĐBSCL thiếu kho lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản. Vải thiều sang Trung Quốc thuận lợi và thông thoáng. Gạo ST25 của Việt Nam đã có mặt tại Nhật Bản. Nguồn cung urê trong nước dư thừa.
ĐBSCL RẤT THIẾU KHO LẠNH PHỤC VỤ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN
Sáng 1/7, tại TP Cần Thơ, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT tổ chức họp tham vấn ý kiến của các sở NN-PTNT các tỉnh thành vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản và trái cây cho Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên minh Châu Âu đến năm 2030”. Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, hiện trạng kho lạnh tại khu vực phía Nam còn rất thiếu, riêng vùng ĐBSCL chỉ mới có 6 kho lạnh, quy mô nhỏ lẻ, khi chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó các dịch vụ kho vận thông minh, liên kết chuỗi cung ứng, hệ thống phân tích dữ liệu cung ứng tự động E-logistics chưa phát triển. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang kiến nghị Liên minh Châu Âu tài trợ xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ rau quả phục vụ xuất khẩu nông sảnn.
XUẤT KHẨU VẢI THIỀU SANG TRUNG QUỐC THUẬN LỢI VÀ THÔNG THOÁNG
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh: ngay từ đầu tháng 5, cơ quan này đã đưa vải thiều là mặt hàng được ưu tiên làm thủ tục thông quan sớm, với làn ưu tiên trong ngày tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, tại Cửa khẩu Tân Thanh, lực lượng hải quan đã tiếp nhận và làm thủ tục cho gần 1.300 bộ tờ khai đăng ký xuất khẩu mặt hàng quả vải tươi với số lượng 50.000 tấn, trị giá đạt trên 11 triệu USD.Chỉ tính riêng trong tháng 6, mỗi ngày có khoảng 700 - 800 phương tiện vận chuyển hàng nông sản được làm thủ tục xuất khẩu, trong đó số phương tiện vận chuyển mặt hàng vải quả tươi chiếm hơn một nửa, tăng khoảng 30% so với tháng trước.Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng cho biết, thời gian gần đây lượng xe xuất khẩu mỗi ngày qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã tăng khá nhanh. Bình quân mỗi ngày khoảng 330 xe xuất khẩu, trong đó đa số là xe hoa quả.
GẠO ST25 CỦA VIỆT NAM ĐÃ CÓ MẶT TẠI NHẬT BẢN
100 tấn gạo ST25 của Việt Nam vừa chính thức có mặt tại hệ thống siêu thị Nhật Bản để phục vụ người tiêu dùng quốc gia này cũng như người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây.Đây là lần đầu tiên gạo ST25 được xuất khẩu tới xứ sở hoa anh đào, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam cho biết: việc xuất khẩu được gạo ST25 sang Nhật Bản là thành công rất lớn của các doanh nghiệp. Bởi để có thể đưa gạo lên kệ hàng của các siêu thị Nhật Bản, nhà cung cấp phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật và nhiều yêu cầu khắt khe khác. Thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung để xuất khẩu thêm gạo Japonica bên cạnh gạo ST25.
NGUỒN CUNG URÊ TRONG NƯỚC DƯ THỪA
Hiệp hội phân bón thế giới dự báo nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ tăng gần 2% do sau đại dịch, sản xuất nông nghiệp đã tăng trở lại. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lương thực do xung đột Nga – Ukraine khiến nhiều quốc gia sẽ phải gia tăng diện tích canh tác để tự túc lương thực thay vì nhập khẩu như trước đây.Theo ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu phân bón cả nước khoảng 11 triệu tấn/năm bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Hiện năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn.Trong đó, với phân đạm ure, Việt Nam có 4 nhà máy là đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau, đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình với tổng công suất khoảng 2,65 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng từ 1,8-2 triệu tấn/năm.Riêng với phân đạm ure, ngay cả trong điều kiện nông dân nhiều tỉnh thành không bỏ vụ ba như hiện nay thì Việt Nam vẫn dư thừa hơn 500 nghìn tấn/năm.