Theo dự kiến của Chính phủ, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024. Sau đó, dự thảo sẽ được xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua luật tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, ngành bia rượu sẽ chịu ảnh hưởng khi phải tăng thuế theo lộ trình, bao gồm cả sản phẩm nước giải khát có đường, khi luật được thông qua.
Theo đại diện VCCI, doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch Covid-19, cũng như ảnh hưởng từ xung đột chính trị, biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Những chính sách này khiến doanh nghiệp "khó chồng khó", theo ông Đậu Anh Tuấn. Do đó, ông đề xuất nên giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ, cũng như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ngành bia rượu.
Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành đồ uống hiện còn chịu một số chính sách liên quan như Nghị định 100 về xử phạt giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)…
Ý kiến của ông Tuấn tại Hội nghị Gặp mặt các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) được bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đồng tình.
Dựa trên những báo cáo đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống, bà Thảo nhấn mạnh: "Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang rất khó khăn. Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp".
Trước khi mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Thảo kiến nghị cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện. Bên cạnh đó, đại diện CIEM đề xuất lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Vị này coi đây là một bước đệm để doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, đồng thời có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.
Ngành đồ uống đang đóng góp khoảng 60 nghìn tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước hàng năm, đồng thời tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch VBA thừa nhận, mấy năm gần đây, ngành đồ uống ghi nhận sự giảm sụt mạnh từ doanh thu, lợi nhuận. Kéo theo đó là hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, chuỗi cung ứng đầu vào đều chịu tác động, với mức giảm từ 15-20%. Một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.
Lãnh đạo VBA mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nhanh chóng đi vào cuộc sống.
VBA cũng kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ít nhất từ năm 2025 trở đi, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
“Ngành đồ uống và các doanh nghiệp luôn cam kết đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội, đóng góp ngân sách, bảo vệ môi trường, ổn định an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người lao động”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc SABECO thống kê, năm 2021, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 10 - 15% so với năm 2019; năm 2022 giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%; Lợi nhuận trước thuế giảm 23; Giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.