Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu 2 vấn đề cần xin ý kiến tại hội thảo ngày 9/2. Trong đó, nhấn mạnh tới khái niệm "người tiêu dùng" trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Ý kiến thứ nhất về vấn đề này, đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả các tổ chức. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hiện nay không chỉ là hoạt động của cá nhân, mà còn gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.
Quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của quy định người tiêu dùng chỉ gồm cá nhân. Nguyên nhân bởi không phải tổ chức nào cũng có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật của một số nước đã và đang điều chỉnh theo hướng: Người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.
Ý kiến thứ hai phản đối vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện trong 10 năm thực hiện luật rất ít.
Bên cạnh đó, các tổ chức được cho là có điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp. Nhiều nước cũng tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân.
Trước những quan điểm này, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với ý kiến thứ nhất, Ủy ban đề nghị giữ như luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại". Cụ thể: Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
Về phương án còn lại, khái niệm "người tiêu dùng" giữ nguyên như dự thảo đã trình Quốc hội. Cụ thể: Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng dự thảo luật cần xem xét loại bỏ các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng yếu thế như: người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...
Trong cuộc bùng nổ thông tin như hiện nay, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần có những quy định rõ ràng để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật rà soát về tính đồng bộ của luật với các luật hiện hành, tránh chồng chéo, bảo đảm luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.
"Cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến đầy đủ tại các vùng, miền đối với những nội dung trong dự án luật. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Năm tới", ông Hải nói.