Dành 20.000 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng Tết
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình kinh tế chung tiếp tục diễn biến khó lường, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải… tăng/giảm thất thường với biên độ lớn.
Trong nước, chịu tác động của biến động tỷ giá, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, lưu thông hàng hoá tăng; thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm tiếp tục chịu sức ép.
"Qua kiểm tra, đánh giá các nhóm hàng trọng điểm như rau củ quả, thịt heo và trứng gia cầm, cho thấy, các doanh nghiệp cơ bản chuẩn bị chu đáo nguồn hàng, nguyên vật liệu, phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa… và đang đẩy mạnh cung ứng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân dịp Tết Nguyên đán tới đây
Trong mọi tình huống, Thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối, sẵn sàng phương án bán hàng lưu động… không để xảy ra khan hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi", Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định.
Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân trên địa bàn Thành phố dịp Tết Nguyên đán, TP.HCM đã chỉ đạo với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.
Trong đó, doanh nghiệp Bình ổn thị trường TP.HCM chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường); Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57% - 75% nhu cầu thị trường.
Nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Lượng hàng bình ổn thị trường chuẩn bị cung ứng phục vụ Tết gồm hơn 5.235 tấn/tháng lương thực; 54,4 triệu quả gia cầm/tháng; 2.081 tấn đường/tháng; 1.485 tấn thực phẩm chế biến/tháng; hơn 9.255 tấn/tháng rau củ quả; 5.603 tấn thịt gia súc/tháng; 297,3 tấn thủy hải sản/tháng; hơn 8.481 tấn thịt gia cầm/tháng; 1.600 tấn gia vị/tháng.
Với lượng hàng, nguồn vốn như trên, doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch Thành phố giao; nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% – 54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm (chiếm 54,3%), trứng gia cầm (46,7%), thực phẩm chế biến (22,1%), thịt gia súc (20,2%), dầu ăn (21,4%)...
Mỗi ngày 3 chợ đầu mối cung ứng 7.600 tấn nông sản
Song song đó, lượng nông sản cung ứng thị trường TP.HCM qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.
Hiện có 225/232 chợ truyền thống hoạt động, còn 07/232 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Các chợ tạm ngưng hoạt động chủ yếu do cơ sở vật chất xuống cấp, đang chờ nâng cấp, sửa chữa; một số chợ dự kiến chuyển đổi công năng hoặc đang dự kiến giải tỏa, di dời.
Để chuẩn bị Tết, Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Nhiều chương trình khuyến mãi
Về chương trình khuyến mãi, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời, thực hiện giảm giá trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Song song đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng các doanh nghiệp cung ứng phối hợp các hệ thống phân phối triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Trong đó, Saigon Co.op triển khai chương trình chiết khấu 15% cho hơn 3 triệu giỏ quà Tết; đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà ta, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây…
Hệ thống Satra chuẩn bị nguồn hàng Tết, chung tay bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng giá trị lượng hàng hóa lương thực thực phẩm khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩn thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến như dầu ăn, đường,… các mặt hàng thực phẩm ngọt như bánh kẹo, trà, cà phê, bia, nước giải khát…. Đồng thời, thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy – Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 49% cùng nhiều chương trình hấp dẫn.
Hệ thống Go/Top Market triển khai nhiều chương trình như “khóa giá thịt lợn tươi”, “Trao quà Tết – Gửi yêu thương”, “Tết vui khỏe – giá thật rẻ”, “Tết là hạnh phúc”…
Còn Bách Hóa Xanh triển khai Chương trình "Tết Bách hóa Xanh KHÔNG LO GIÁ" với các mặt hàng như giò chả, bánh Tết giảm đến 50%; thịt heo, trứng các loại giảm đến 20% và nhiều nhóm hàng khác với tổng mức giá trị khuyến mại lên đến 60 tỷ đồng.
MM Mega Market triển khai chương trình “Bình ổn giá thịt lợn - Tết nguyên đán 2023”, “Vui Xuân Quý Mão”, “Đón Tết về nhà”…; AEON triển khai giảm giá từ 1% đến 50% nhiều mặt hàng Tết với tổng giá trị 72 tỷ đồng.
Các hệ thống khác như Emart, Satra, Wincommerce, Gigamall, FPT, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Thiên Hòa… triển khai nhiều chương trình khuyến mãi Tết, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết.