| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất ngăn ngừa Cadimi xâm nhập vào nông sản bằng Biochar

Thứ Năm 09/01/2025 , 14:38 (GMT+7)

TS Nguyễn Đăng Nghĩa đề xuất, cần sớm đưa Biochar vào quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đặc biệt là sầu riêng để ngăn ngừa nhiễm Cadimi, bảo đảm an toàn thực phẩm.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, Cadimi - Cd (tiếng Anh: Cadmium) là một kim loại nặng có khả năng tích tụ trong môi trường, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Khi hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng cho phép (0,2 mg/kg), nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như: Tổn thương thận, hệ thần kinh, hệ sinh sản và suy giảm hệ miễn dịch… Đặc biệt, Cadimi xâm nhập vào nông sản sẽ tạo thành mối nguy hại đáng lo ngại cho người tiêu dùng.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp cho biết, Cadimi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngành nông sản của Việt Nam. Ảnh: HT.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp cho biết, Cadimi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngành nông sản của Việt Nam. Ảnh: HT.

TS Nghĩa phân tích, đối với thực vật, Cadimi làm suy giảm sự phát triển, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và gây ra sự tích tụ trong quả cũng như các bộ phận khác của cây.

Đối với động vật, Cadimi có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, dẫn đến tổn thương thận, hệ thần kinh, hệ sinh sản và làm suy yếu hệ miễn dịch. Khi Cadimi tích tụ một lượng lớn ở các bộ phận như rễ, lá và quả, nó có thể xâm nhập vào chuỗi thực phẩm khi người và động vật tiêu thụ các sản phẩm này.

TS Nghĩa nhấn mạnh: “Cadimi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngành nông sản của Việt Nam”.

Cần sớm đưa Biochar vào quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đặc biệt là sầu riêng. Ảnh: Duy Học.

Cần sớm đưa Biochar vào quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đặc biệt là sầu riêng. Ảnh: Duy Học.

Trong thời gian gần đây, một số lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức Cadimi vượt quá giới hạn cho phép, đặc biệt là trong sầu riêng và ớt chỉ thiên. Điều này yêu cầu phải có các biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời.

TS Nghĩa chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến Cadimi xâm nhập vào nông sản là sự tích tụ của nó trong đất. Khi đất thiếu hụt các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng như: Kẽm, sắt và magiê…, hệ rễ cây sẽ hấp thụ Cadimi nhiều hơn. Đây là tình trạng phổ biến ở những vùng trồng cây có sử dụng phân bón hóa học, đặc biệt là phân chứa lân (P), nhất là những dạng lân chế biến từ quặng photphorit vượt mức.

TS Nghĩa cho biết, hiện nay do giá sầu riêng cao nên người nông dân thường sử dụng NPK nhiều với hy vọng đạt năng suất trái cao hơn (khoảng 200 trái/cây). Theo đó, họ thường sử dụng phân lân và phân có chứa lân nhiều hơn để kích thích ra hoa sầu riêng (5 kg lân/gốc), điều này dẫn đến việc hàm lượng Cadimi dần dần tích tụ trong đất.

Nguyên nhân thứ hai là việc sử dụng phân hóa học nhiều làm pH đất bị chua dần (khoảng pH từ 4 - 5). Khi pH trong đất giảm, Cadimi sẽ chuyển từ dạng phức sang dạng ion (dạng hòa tan), khiến bộ rễ cây dễ dàng hấp thụ Cadimi hơn.

Đối với đất trồng sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc sử dụng nhiều phân có chứa lân cao, vào mùa khô, nước mặn xâm thực vào sâu trong đất, khi nông dân sử dụng nước này để tưới cho sầu riêng thì nguyên tố Na có trong nước mặn này sẽ xâm nhập vào đất, đẩy Cadimi ra dung dịch đất (Cadimi ở dạng ion), khiến sầu riêng nhiễm Cadimi, đặc biệt là khi đất thiếu hữu cơ và các nguyên tố trung, vi lượng.

Một nguyên nhân nữa là Cadimi có thể xâm nhập từ nguồn phân hữu cơ nhập khẩu. Nếu nhà sản xuất phân hữu cơ (viên nén, phân nở, phân bột) từ rác thải, phân gà… có thể sẽ chứa Cadimi. Trong khi đó nông dân Việt Nam lại rất thích sử dụng phân viên nén nở chưa rõ nguồn gốc (sử dụng nhiều cho sầu riêng). Các loại phân này có thể chỉ loại trừ vi sinh vật và một số yếu tố khác, nhưng không loại bỏ được Cadimi. TS Nghĩa khuyến cáo "nông dân không nên sử dụng phân hữu cơ chưa rõ nguồn gốc và hạn chế lạm dụng phân lân và NPK có hàm lượng P205 >20%".

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, ngay bây giờ cần phải bón Biochar vào đất trồng sầu riêng ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Duy Học.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, ngay bây giờ cần phải bón Biochar vào đất trồng sầu riêng ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Duy Học.

Để ngăn chặn sự xâm nhập của Cadimi vào nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng, TS Nghĩa đề xuất, ngay bây giờ cần phải bón than sinh học (Biochar) vào đất trồng sầu riêng ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

TS Nghĩa giải thích: “Biochar sẽ hấp thụ Cadimi tự do trong đất, đồng thời làm tăng pH, độ phì và sức khỏe đất trồng sầu riêng. Việc sử dụng Biochar sẽ giúp giảm lượng Cadimi trong đất và bảo vệ sức khỏe cây trồng, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”.

TS Nghĩa khẳng định, cần sớm đưa Biochar vào quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đặc biệt là sầu riêng. Đây là một bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam. 

Biochar có thể sản xuất từ rất nhiều nguồn nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam như: Vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ và phế phẩm từ dừa, vỏ hạt điều, bã mía, bã và vỏ khoai mì (sắn)...

(Ghi)

Xem thêm
Giải pháp mới kiểm soát hiệu quả bệnh thối hoa, thối trái do lớp nấm Oomycete

Bệnh thối hoa, thối trái do lớp nấm Oomycete gây ra là nỗi lo lớn đối với nông dân trồng cây ăn trái, gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?