| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất về tàu vỏ thép

Thứ Tư 02/07/2014 , 09:18 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng, tàu vỏ thép cần được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ tốt nhất cho quá trình vận hành, thăm dò, liên lạc thông tin với đất liền cũng như với các tàu xung quanh.

Xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng được ví là trọng điểm đánh cá phía Bắc nước ta. Khi biết được có gói hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, nhiều ngư dân ở đây thể hiện quan điểm hết sức thẳng thắn. Có ngư dân mặn mà nhưng cũng có ngư dân không mấy quan tâm vì e ngại chẳng đến lượt mình.

"Chắc không đến lượt mình"

Hơn 30 năm vượt sóng giữa muôn trùng biển khơi trên con thuyền bằng vỏ gỗ của mình, ông Đinh Văn Thức, thôn Lạch Sẽ, xã Lập Lễ nói một câu chát chúa: “Chắc không đến lượt mình”.

Rồi ông thở dài: “Hải Phòng từng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu ra khơi nhưng thực hiện chẳng đến đầu đến đũa. Ngày trước có chính sách đánh bắt cá xa bờ, những ngư dân thực thụ đóng góp rất lớn về nguồn lợi đánh bắt thì không tiếp cận được nguồn vốn. Gần đây nhất là chính sách của TP hỗ trợ 100% lãi suất cho ngư dân vay đóng mới hoặc cải hoán tàu nhưng cũng có mấy ai vay được đâu”.

Trước lo ngại của ngư dân, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cho rằng: “Băn khoăn của ông Thức không phải không có lý vì đồng vốn có thể sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng”.

Theo ông Xuân thì ở Hải Phòng đã từng thất bại khi giao tiền cho ngư dân đóng tàu đánh bắt cá xa bờ. Nhận được tiền, ngư dân về xây nhà, mua xe máy, sau đó mới đi đóng tàu. Từ chỗ, lẽ ra con tàu phải to, hiện đại thì thành bé nhỏ, thô sơ.

“Mặt khác, có những cơ sở đóng tàu không có năng lực, không có kinh nghiệm khai thác đánh bắt cá nhưng vẫn được giao vốn để đóng tàu. Từ đó dẫn đến thất bại. Chính vì thế, bài học ngày trước bây giờ cần phải ghi nhớ để có phương thức đóng hợp lý”, ông Xuân nhớ lại.

Đề cập đến gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng đóng tàu vỏ thép tới đây của Nhà nước, ông Đinh Văn Thức bày tỏ: “Liệu Nhà nước có cho chúng tôi chủ động đóng con tàu vỏ thép đó không hay ngư dân chỉ việc đứng tên chịu nợ ngân hàng và nhận lại con tàu từ một cơ sở đóng mà mình không hề hay biết? Nếu vậy tôi khẳng định với đặc thù nghề đánh bắt của Lập Lễ sẽ khó thành công”.

Ông Thức cho rằng: “Tàu vỏ thép mớn nổi và cao, khi hành nghề lưới chài nặng mấy tấn nên tàu rất dễ bị lật. Để khắc phục điều này, tàu vỏ thép phải dài, lườn tàu phải to mới đứng vững được.

Điều đáng nói, tàu vỏ thép chi phí rất lớn, ngay cả việc bảo dưỡng định kỳ cũng sẽ rất nhiều. Việc bảo dưỡng tàu vỏ thép, cần được thực hiện thường xuyên, ít nhất một năm phải đưa lên triền đà cạo hà, vá những vết hoen gỉ, sơn lườn một lần. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt quy trình này thì chẳng bao lâu vỏ tàu sẽ trở thành đống sắt vụn”.

Tàu phải phù hợp nghề đánh bắt

Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Đức Quang – thôn Đường Hương, xã Lập Lễ cho rằng, để có con tàu vỏ thép đi biển không phải là điều đơn giản. Muốn bám được biển khơi vừa đánh bắt cá, vừa góp phần bảo vệ biển đảo Quốc gia thì con tàu vỏ thép đó phải to như những con tàu kiểm ngư may ra mới bám trụ được giữa biển khơi đầy sóng gió được.

“Chứ như hai con tàu vỏ thép mà chúng tôi xem được trên ti vi hôm vừa rồi để coi đó là mẫu cho ngư dân ra khơi thì tôi cho rằng, đó chỉ là tàu chạy, chứ không phải tàu đứng” – anh Quang nói.

Theo lý giải của anh Quang, với nghề chụp mực ở Lập Lễ thì mỗi cái ganh ở mạn tàu cũng đã nặng đến hàng tấn rồi. “Tôi cho rằng, từ thực tế đánh bắt ở ngoài khơi xa như hiện nay việc đóng tàu vỏ thép là hoàn toàn đúng và cần thiết vì ngư dân sẽ rất tự tin, yên tâm bám biển. Nhưng nếu đóng với hạn mức kinh phí 10 – 15 tỷ đồng/tàu thì tôi kiến nghị không nên đóng tàu vỏ thép mà chỉ đóng tàu vỏ gỗ. 

Bởi đóng tàu vỏ thép phải to, chí ít cái lườn cũng  9 – 10 m và chiều dài con tàu 35 – 40 m. Như thế mới vững, mới cắt sóng tốt được. Cứ xem tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư đi và đứng rất vững là nhờ cái lườn nó to. Nếu vậy kinh phí đóng mới con tàu phải lên đến 27 – 35 tỷ đồng”, anh Quang kiến nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng, tàu vỏ thép cần được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ tốt nhất cho quá trình vận hành, thăm dò, liên lạc thông tin với đất liền cũng như với các tàu xung quanh. Do đó, cần phải tính toán kỹ đến các yếu tố kỹ thuật cũng như việc đào tạo con người vận hành trên con tàu đó.

Với khoản tiền lớn như vậy ngư dân không thể có đủ để đầu tư mà phải chờ hỗ trợ của Nhà nước. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, không thể hỗ trợ được nhiều nên theo đề xuất của ông Vũ Văn Nghía – Chủ tịch UBND xã Lập Lễ là nên ưu tiên vốn đầu tư trọng điểm cho các vùng có thế mạnh đánh bắt cá ở ngoài xa, nhất là các nghề chụp mực, câu cá thu, cá ngừ.

Việc lựa chọn trọng điểm vùng và nghề đặc thù để đầu tư sẽ có hiệu quả hơn là đầu tư dàn trải kiểu địa phương nào cũng phải có tàu vỏ thép.

Một vấn đề khác cũng được ông Nghía đề cập đó là gắn trách nhiệm của ngư dân với khối tài sản con tàu. Ông Nghía cho rằng, nếu phương thức đóng tàu như ngày xưa theo kiểu dự án, đóng xong tàu rồi bàn giao cho ngư dân thì sẽ không hiệu quả. “Cái này chúng ta đã từng thất bại rồi vì khi tàu ra khơi, mẫu mã, hình hài, kết cấu không phù hợp với từng loại nghề khai thác cá trên biển” – ông Nghía cho biết.

Đề xuất về phương thức đóng tàu vỏ thép hiện nay, ông Nghía cho rằng, phải căn cứ ngành nghề để đưa ra bộ khung về kích thước con tàu và ngư lưới cụ đồng bộ. Đặc biệt là phải để ngư dân được chủ động trong việc liên hệ cơ sở đóng tàu nhằm xác lập sự phù hợp với đặc tính ngành nghề khi ra khơi với con tàu đó. Với Nhà nước chỉ kiểm soát kích cỡ, công suất máy, độ dày của ván, tôn, thép, ngư lưới cụ.

“Việc giải ngân phải theo tiến độ và Nhà nước cùng ngân hàng trực tiếp kiểm soát. Tiền không giao cho ngư dân mà chỉ chuyển khoản cho cơ sở đóng tàu nơi ngư dân đăng ký. Hoàn thiện hạng mục nào thì giải ngân ngay hạng mục đó để ngư dân sớm có tàu ra khơi.

Mọi công đoạn có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đi kèm với đó là xử lý ngay tức thời mọi sai phạm khi phát hiện, nhất là phải kiểm soát được giá của các thiết bị lắp ráp trên con tàu” – ông Nghía nói.

Điều đặc biệt được cả cấp ủy, chính quyền và tuyệt đại đa số ngư dân hết sức quan tâm chính là chất lượng nguyên liệu dùng đóng con tàu vỏ thép. Họ cho rằng, đã bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư đóng tàu vỏ thép là phải được quan tâm giám sát kỹ lưỡng từng khâu một, nếu không sẽ thất bại, để lại gánh nợ nặng nề cho Nhà nước và ngư dân.

Chính vì thế, lãnh đạo các địa phương tại Hải Phòng và ngư dân đều mong muốn nguyên liệu thép, tôn, ván dùng đóng tàu vỏ thép phải được nhập khẩu từ các nước sản xuất ra nhưng mặt hàng nguyên liệu này có chất lượng tốt nhất, tiên tiến, hiện đại nhất. (Hết)

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm