| Hotline: 0983.970.780

Cách làm của Đồ Sơn

Thứ Ba 01/07/2014 , 10:21 (GMT+7)

Một chính sách ưu việt của Hải Phòng nhằm mở hướng tháo gỡ khó khăn cho ngư dân đóng tàu to vươn ra biển lớn nhưng xem ra chưa được như mong muốn./ Gỡ khó cho ngư dân

Đã có một vài giải pháp vượt rào nhưng lượng vốn giải ngân chưa nhiều. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào triển khai gói hỗ trợ của Nhà nước về đóng tàu vỏ thép đạt hiệu quả?

Đồ Sơn "bẻ lái"

Khác với huyện Thủy Nguyên, giải quyết vốn vay cho ngư dân, thị xã Đồ Sơn đã có bước đi vượt rào. Điều này không có gì vi phạm pháp luật mà chỉ là “bẻ lái” như cách nói của ông Hoàng Đình Dũng – Trưởng phòng Kinh tế thị xã nhằm gỡ khó cho ngư dân.

15-22-33_mot-trong-so-nhung-con-tu-duoc-vy-goi-ho-tro-li-sut-o-pngoc-hi-tx-do-son-sp-hon-thien-de-r-khoi
Một trong số những con tàu được hưởng gói hỗ trợ lãi suất ở P.Ngọc Hải - TX Đồ Sơn sắp hoàn thiện

Chính sách của TP Hải Phòng là hỗ trợ 100% lãi suất trong 36 tháng cho ngư dân vay 400 triệu đồng đóng tàu mới và 250 triệu cải hoán tàu. Có người cho rằng, chính sách đó là ưu việt mặc dù lượng tiền cho vay không được nhiều so với chi phí đóng con tàu. Tuy thế, nhiều địa phương lại vẫn không triển khai được chính sách và đỗ lỗi... do ngân hàng.

Tuy nhiên, tại thị xã Đồ Sơn, cả chính quyền và Chi nhánh ngân hàng NN-PTNT (Agribank) đã linh hoạt, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Vấn đề này, ông Hoàng Đình Dũng cho rằng, khó khăn, vướng mắc đều do con người mà ra cả.

Khi ngân hàng yêu cầu ngư dân và chủ cơ sở đóng tàu phải có hóa đơn đỏ đối với con tàu cũng như máy móc, ngư lưới cụ thì cả Thị ủy và UBND thị xã họp với ngân hàng thống nhất không nhất thiết phải khắt khe với ngư dân. Giải pháp mà Đồ Sơn đưa ra là, thay hóa đơn đỏ bằng phiếu xuất xưởng có xác nhận giá trị con tàu của cơ sở đóng tàu.

Đối với máy do ngư dân mua lại từ những chủ tàu khác mà thiết bị còn tốt thì các cơ quan thẩm định giá Nhà nước cần tiến hành nhanh các thủ tục để ngân hàng có căn cứ giải ngân.

Về điều kiện tài sản thế chấp, theo ông Dũng đây là quy định cứng của ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn vốn vay. Do đó cần ủng hộ ngân hàng.

“Cuối cùng chúng tôi vẫn thống nhất đưa ra được giải pháp là kết hợp thế chấp và tín chấp để giải quyết việc đảm bảo bằng tài sản đối với các món vay. Động thái này phải cực kỳ linh hoạt và thực sự nhận được sự quan tâm của ngân hàng mới thông được chứ mình chính quyền thì cũng khó”, ông Dũng nói.

Một vấn đề khác, theo ông Dũng cũng là thành công của Đồ Sơn. Đó là theo quy định, thiết kế mẫu tàu phải được đăng kiểm cấp giấy chấp thuận đóng tàu. Cái này địa phương đã chủ động làm việc với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tìm hướng đi thuận lợi nhất cho ngư dân.

Bởi lúc bấy giờ quy định như thế nhưng khi triển khai Nhà nước lại chưa có mẫu tàu. Cách làm này, không chỉ áp dụng giải ngân vốn vay gói ưu đãi lãi suất mà các gói vay khác khi ngư dân có nhu cầu đều được tiến hành tích cực, phù hợp.

Khẳng định những gì ông Dũng nói là đúng, bà Võ Thị Tường Vi – Giám đốc chi nhánh Agribank Đồ Sơn cho biết: “Trước khi triển khai Nghị quyết 14 của HĐND TP Hải Phòng, chúng tôi đã áp dụng các giải pháp này cho một nghị quyết khác cũng về chính sách ưu đãi đối với ngư dân vay vốn đóng tàu ra khơi.

Cụ thể, trước đó đã có 8 hộ ngư dân vay vốn để đóng tàu mới và sau 3 năm tất cả số ngư dân này đều thanh toán hết nợ cho ngân hàng. Hiện tại, triển khai gói vay mới này thì Đồ Sơn có 2 ngư dân vay với số tiền 800 triệu đồng. Điều kiện bắt buộc đối với ngân hàng khi giải ngân vốn chỉ cần có tài sản thế chấp. Mọi điều kiện khác có thể linh hoạt được”.

Rõ ràng, cùng một chính sách nhưng ở Đồ Sơn thực hiện khá thông thoáng, không mấy khó khăn như ở Thủy Nguyên.

Coi trách nhiệm các bên ngang nhau

Liên quan đến thông tin ở Thủy Nguyên, cán bộ tín dụng gây khó khăn với ngư dân, ông Nguyễn Bá Ngọc – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hải Phòng khẳng định: Câu chuyện cán bộ tín dụng gây khó dễ với khách hàng không phải bây giờ mới nghe. Khi xác minh được chính xác, chúng tôi sẽ xử lý thích đáng, đưa ra khỏi ngành những người như thế.

15-22-33_ong-nguyen-b-ngoc-pgd-gribnk-hp-khng-dinh-viec-ngu-dn-cn-du-no-vn-duoc-vy-tiep-cho-mot-du-n-khc
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Giám đốc Agribank Hải Phòng cho biết, việc ngư dân còn dư nợ trong ngân hàng vẫn được vay tiếp cho một dự án khác, không bắt buộc phải trả hết nợ cũ

Ông Vũ Văn Cự - Trưởng liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu (xã Lập Lễ):

"Nếu Thủy Nguyên vượt rào được như Đồ Sơn thì sẽ có rất nhiều ngư dân vay được gói tín dụng hỗ trợ lãi suất này.
Tôi đã cất công ra Đồ Sơn xin các văn bản chỉ đạo, phô tô các hợp đồng, dự án vay vốn mà ở đó đã triển khai về trình cho lãnh đạo xã Lập Lễ, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện để học tập kinh nghiệm nhưng cuối cùng các điều kiện cho vay ở Thủy Nguyên vẫn không có gì thay đổi.
Ngư dân bức xúc. Không hiểu sao cùng một chính sách mà có nơi triển khai được, có nơi không?".

"Chúng tôi đều yêu cầu thủ trưởng các đơn vị và bản thân mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, có đạo đức chứ không được sách nhiễu khách hàng", vẫn theo ông Ngọc.

Về vấn đề ngư dân muốn vay gói hỗ trợ lãi suất, bắt buộc phải trả hết nợ cũ (nếu có), ông Ngọc rất bức xúc khi biết được thông tin này. Ông nói: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra sát sao lại việc này. Việc ngư dân còn dư nợ trong ngân hàng vẫn được vay tiếp cho một dự án khác, không bắt buộc phải trả hết nợ cũ”.

Tuy vậy, ông Ngọc cũng nói thêm rằng, nếu có vướng mắc ở đây là trong trường hợp cán bộ tín dụng kiểm tra, thẩm định và đánh giá năng lực thế chấp, hiệu quả của dự án mới sẽ không đảm bảo, không khả thi thì có thể không được vay tiếp. Và ông Ngọc khẳng định: “Tại thời điểm này, ở Hải Phòng chưa thấy trường hợp nào phản ánh là còn dư nợ mà không được vay tiếp”.

Từ thực tế trên đây, chúng tôi muốn đặt ra một vấn đề là tới đây ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân gói hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép như thế nào để một mặt ngư dân tiếp cận được đồng vốn, mặt khác sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.

Đưa vấn đề này ra, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cho rằng, cần khảo sát kỹ ngư trường đánh bắt, đặc thù của từng nghề và tiếp nhận ý kiến của ngư dân để đưa ra những mẫu tàu phù hợp. “Cái này mà duy ý chí, áp đặt là sẽ thất bại. Phải tính toán kỹ lưỡng, không nóng vội, nếu không sẽ sớm thành đống sắt vụn đắp chiếu” – ông Xuân lưu ý.

Đồng tình đề xuất của ông Xuân, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ Vũ Văn Nghía nơi được coi là trọng điểm đánh cá miền Bắc đưa ra ý kiến mà theo chúng tôi rất xác đáng. Ông Nghía bảo: “Đóng tàu vỏ thép thì coi trách nhiệm Nhà nước và ngư dân là ngang nhau. Quá trình làm phải thẩm định, giám sát chặt chẽ, xử lý ngay tức thời các sai phạm nếu có”.

Về câu chuyện trách nhiệm, ông Nghía cho rằng, giả sử đóng mới con tàu hết 12 tỷ đồng thì ngư dân phải có 2 tỷ. Ngoài ra, ngư dân phải có tài sản đảm bảo thế chấp được 1 – 2 tỷ đồng. Còn lại 8 – 9 tỷ đồng thì tính vào thế chấp con tàu đóng mới đó. Khi thu hồi vốn thì thu từ khoản mà ngư dân thế chấp bằng tài sản, sau đó mới thu từ khoản thế chấp bằng con tàu.

“Cách làm đó, không chỉ Nhà nước có trách nhiệm mà ngư dân càng gắn trách nhiệm của mình với con tàu như chính khúc ruột của mình vậy” – ông Nghía bày tỏ.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.