Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, một bộ phận của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vừa tổ chức một nhóm nghiên cứu về căn bệnh này, đồng thời đưa ra những hướng dẫn cập nhật để người dân chủ động có cách phòng, tránh, giảm trừ.
TS Cheryl Bushnell, bác sĩ thần kinh tại Trường Y khoa Đại học Wake Forest, người tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết việc đứng dậy và đi bộ ít nhất 10 phút mỗi ngày có thể "giảm đáng kể" nguy cơ đột quỵ. Nguyên nhân là bởi, tập thể dục thường xuyên giúp giảm huyết áp - yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ.
Trong các hướng dẫn trước đây, các chuyên gia thường khuyên là đi bộ ít nhất 30 phút một ngày, hoặc quy tắc 8.000 bước/ngày. Tuy nhiên, hướng dẫn mới cho rằng, không cần thiết phải vận động với thời gian dài như vậy vì lý do không phù hợp với một số đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như người cao tuổi, người có vấn đề về hệ vận động...
"Quan trọng là cường độ luyện tập", Bushnell nhấn mạnh. Thay vì đi bộ cách quãng để đạt mục tiêu về thời gian luyện tập, nghiên cứu mới chú trọng vào tính liên tục. Cụ thể, là đi bộ liên tục 10 phút là đủ để giảm các nguy cơ.
Tất nhiên, 10 phút là mức tối thiểu để đạt được lợi ích. Nếu có thể nâng cao cường độ, chẳng hạn theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, là 50 phút tập aerobic vừa phải hoặc 75 phút hoạt động mạnh trong tuần, hiệu quả sẽ rõ rệt hơn.
Cũng theo hướng dẫn này, mọi người có thể đi bộ mọi lúc, mọi nơi như đi dạo trong khu phố đang sinh sống, sử dụng máy chạy bộ, máy tập bước, hoặc đến các phòng tập.
Những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ còn hỗ trợ giữ cân nặng phù hợp, cải thiện mức cholesterol trong cơ thể. Các chuyên gia đều nhất trí, rằng người thừa cân hoặc béo phì thường có nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn khá nhiều.
Ngoài ra, đi bộ hằng ngày còn làm góp phần phòng tránh nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Hoạt động này cũng có thể tăng mức cholesterol tốt (HDL), giảm cholesterol xấu (LDL), cải thiện sức khỏe tổng thể của hệ tim mạch.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tư tại Hoa Kỳ vào năm 2023. Hơn nửa triệu người Mỹ bị đột quỵ mỗi năm. Nhưng có tới 80% các ca đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng chế độ dinh dưỡng, tập thể dục, hoặc chủ động phòng, ngừa các yếu tố rủi ro.
Bên cạnh việc tăng hoạt động mỗi ngày, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, rằng chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm cholesterol cao, lượng đường trong máu cao và béo phì.
Nhóm này khuyến nghị tăng cường, bổ sung nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và dầu ô liu, có thể giúp giảm mức cholesterol. Nhóm cũng đề xuất hạn chế thịt đỏ và các nguồn chất béo bão hòa khác. Thay vào đó, lấy protein từ đậu, các loại hạt, gia cầm, cá và hải sản.
Đồng thời, hạn chế thực phẩm chế biến và thực phẩm, đồ uống có nhiều đường bổ sung. Điều này cũng có thể làm giảm lượng calo nạp vào cơ thể, giúp kiểm soát cân nặng.
Phương án nữa để kiểm soát tình trạng đột quỵ là sử dụng thuốc. Theo đó, các loại thuốc, bao gồm cả những loại thuốc được bán dưới các nhãn hiệu Ozempic, Wegovy, Mounjaro và Zepbound, có thể được kê cho những người bị béo phì hoặc tiểu đường, để giảm nguy cơ.
TS Fadi Nahab, chuyên gia về đột quỵ tại Bệnh viện Đại học Emory đánh giá, những loại thuốc này có thể giúp ích cho số đông mọi người, kể cả những người đang ăn uống đầy đủ và tập thể dục.
Cuối cùng, các nhà khoa học khuyến nghị việc sàng lọc bệnh nhân về các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm giới tính, tình trạng kinh tế, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chủng tộc... Chẳng hạn, nguy cơ bị đột quỵ lần đầu ở người trưởng thành da màu tại Hoa Kỳ cao gần gấp đôi so với người lớn da trắng, phụ nữ khi mang thai hoặc mãn kinh sớm cũng có nguy cơ lớn hơn.
TS Cheryl Bushnell cho biết: “Nếu ai đó không có bảo hiểm hoặc không thể đến phòng khám bác sĩ vì lý do đi lại hoặc không thể nghỉ làm để chăm sóc sức khỏe...họ trở nên rủi ro hơn khi ngăn ngừa đột quỵ”.
Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần não bị chặn hoặc nếu một mạch máu trong não bị vỡ. Điều đó làm não không được cung cấp oxy, gây tổn thương não dẫn đến khó khăn trong suy nghĩ, nói và đi lại, hoặc thậm chí tử vong.
3 trong số các triệu chứng đột quỵ phổ biến nhất bao gồm yếu mặt, yếu tay và khó nói. Khi sơ cứu người bệnh, yếu tố thời gian đặc biệt quan trọng, vì tổn thương não có thể xảy ra nhanh chóng. Nếu có thể hạn chế thương tổn sớm, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu, việc điều trị sau đó sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.