Cách đây hơn năm, sau khi HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI thông qua cơ chế chính sách, hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, UBND huyện Cát Hải sau đó đã có kế hoạch cụ thể để triển khai.
Lộ trình được đặt ra rất chi tiết, với việc chi trả tiền hỗ trợ giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 5/9/2021 đến ngày 31/12/2021, giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 2/1/2022 đến ngày 31/12/2022. Công tác tổ chức tháo dỡ, tiêu hủy giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 6/9/2021 đến ngày 31/12/2021, giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 2/01/2022 đến ngày 31/12/2022.
Thời điểm đó, UBND huyện Cát Hải đánh giá việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập, xung đột giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với công tác bảo tồn.
Mặt khác sẽ tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường và điều kiện cần thiết để UNESCO có thể công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 2022.
Ngay sau khi các nghị quyết, kế hoạch được ban hành, địa phương đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cũng như kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà máy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực chế biển thủy sản trong, ngoài TP. Hải Phòng thực hiện thu mua, các sản phẩm thủy sản từ các giàn bè bị tháo dỡ nhằm giảm bớt các khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước.
Đồng thời, đề nghị Sở Công thương Hải Phòng chỉ đạo các ngành có liên quan, các siêu thị, Ban quản lý các chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở kinh doanh, chế biển thủy sản hỗ trợ thu mua sản phẩm. Dù vậy, hiệu quả của các hoạt động trên diễn ra không cao, đến hết tháng 4/2022, huyện Cát Hải mới chỉ tuyên truyền, vận động và tháo dỡ 152/440 cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Khi được hỏi, nhiều hộ dân đang nuôi thủy sản lồng bè ở Cát Bà thuộc diện phải di dời đều khẳng định, ngoài nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19, du lịch dừng hoạt động, hệ thống nhà hàng đóng băng, không tiêu thụ được thủy sản, việc hỗ trợ người dân của địa phương chưa thực tế, không hiệu quả.
Mặt khác, phương án nuôi trồng, thiết kế lồng bè hay vị trí nuôi lồng bè dự kiến sẽ di chuyển đến không đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên người dân chán nản, không mặn mà.
Đơn cử như việc kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua, hầu như các đoàn ra tham quan thực tế, hứa hẹn rồi sau đó một đi không trở lại, hoặc việc tuyên truyền tháo dỡ lồng bè còn chưa khéo, khiến một số trường hợp bất mãn.
Qua tìm hiểu cho thấy, ngoài nguyên nhân từ phía người dân đưa ra, một phần dẫn đến việc tiêu thụ thủy sản ở Cát Bà diễn ra chậm còn do người dân bán thủy sản với giá cao, một phần dây dưa không muốn di dời.
Theo đề án đã được HĐND thành phố Hải Phòng thông qua, các hộ dân khi di dời đều sẽ được hỗ trợ về mặt kiến trúc và hỗ trợ về sản phẩm nuôi trồng nhưng các hộ dân vẫn giữ giá bán "giải phóng" thủy sản xấp xỉ như thời cao điểm hoạt động du lịch. Điều này vô hình trung đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có thiện chí muốn tham gia "giải cứu" thủy sản tại Cát Bà, còn với những đơn vị thuộc diện gượng ép thì đây là cái cớ để từ chối.
Do đó, dù du lịch đã phục hồi, việc tiêu thụ thủy sản đã quay trở lại như thời điểm trước dịch, nhiều hộ dân đã tiêu thụ gần hết lượng cá tồn dư nhưng lại xuất hiện các đợt nuôi mới, khiến công cuộc di dời càng thêm khó khăn hơn.
Thống kê ban đầu, tổng khối lượng sản phẩm cá hiện tại trên vịnh cần hỗ trợ thu mua là trên 2.200 tấn, tổng khối lượng nhuyễn thể là 4.200 tấn. Đến nay, lượng thủy sản nuôi lồng bè ở Cát Bà cần giải phóng còn khoảng 3.000 tấn. Việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản là bài toán lớn nhất đặt ra với không chỉ huyện Cát Hải mà với các hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh trong quá trình tháo dỡ các ô lồng, bè, thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND thành phố Hải Phòng.