Thời gian trước đây, người dân xã miền núi Hóa Sơn chủ yếu sống dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng. Qua hàng chục năm, diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, diện tích đất trống, đồi núi trọc ngày càng tăng. Không có rừng giữ đất, mưa lũ, thiên tai thường xuyên xảy ra. Đời sống của bà con còn mãi trong gian khó.
Để phát huy thế mạnh đất rừng, huyện Minh Hóa phát động phong trào trồng rừng kinh tế. Trồng rừng đã phát triển rộng khắp các thôn, bản của xã Hóa Sơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, toàn xã có gần 900 ha đất trống, đồi núi trọc. Sau khi phong trào trồng rừng kinh tế được phát động vài năm thì toàn bộ diện tích đất đã được giao cho người dân.
“Hầu hết diện tích đất rừng, đồi núi trọc này đã được phủ xanh bởi các loại cây rừng. Trong đó, có nhiều diện tích rừng được trồng bằng các giống cây bản địa có giá trị cao như lim, huỵnh, trầm, huê”, ông Tuyên cho hay.
Chúng tôi về thôn Thuận Hóa (xã Hóa Sơn), thăm gia đình ông Đinh Ngọc Loan. Từ một hộ nghèo, qua trồng rừng đã vươn lên thành khá giả. Qua nhiều năm lăn lộn với trồng rừng, hiện gia đình ông Loan có diện tích rừng trồng gần 6ha.
Dưới tán cây ông Loan còn trồng xen nhiều loại cây ăn quả, cây dược liệu quý để đưa vào diện cây thu loại ngắn ngày. Bây giờ, chỉ tính riêng thu nhập từ cây ăn quả như cam, ổi, cây dược liệu, các sản phẩm phụ từ khu rừng cũng được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, của để dành của gia đình ông Loan chính là hơn nhiều loại cây rừng quý hiếm, trong đó có hàng nghìn cây trầm dó. Ông Loan cho hay: “Hiện tại thì gia đình chúng tôi như đang đầu tư lấy ngắn nuôi dài. Sau này, rừng cây gỗ quý và cây trầm cho thu hoạch cũng kiếm được vài chục tỷ đồng cũng không có gì là khó cả”.
Ở cùng thôn, gia đình ông Đinh Minh Phượng cũng đã thoát nghèo nhờ trồng rừng và đã tự tin vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở trong xã. Dù diện tích rừng sản xuất chỉ có hơn 3 ha, nhưng gia đình ông Phượng đã đầu tư thành một trang trại tổng hợp nhỏ để vững vàng đi lên. Trên diện tích đất rừng, ông còn trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ, đầu tư chuồng trại nuôi 6 con lợn nái (giống bản địa và lai rừng) và 40 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm, từ việc bán lợn giống, lợn thịt và trồng rừng, gia đình ông Phượng có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Hiện, xã Hóa Sơn có 428 hộ với 1.850 nhân khẩu, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế chủ lực của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ có 2ha lúa nước, còn lại là đất màu trồng lạc và ngô. Nhờ phát triển kinh tế rừng trồng mà hầu hết người dân ở Hóa Sơn đã vượt qua được đói nghèo.
Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho rằng trong thời gian tới, thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân cây con giống có chất lượng cao nhằm phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Ngoài ra, xã Hóa Sơn sẽ tìm kiếm cơ hội và tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn, thăm quan các mô hình hay nhằm nâng cao kiến thức, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
“Chúng tôi đẩy nhanh hoàn thành việc giao đất giao rừng cho người dân. Khuyến khích, hỗ trợ bà con trồng rừng bằng các giống cây bản địa, cây gỗ lớn và chăn nuôi theo chiều sâu bằng các loại đặc sản, như lợn rừng, gà đồi… để nâng cao giá trị thu nhập, vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng”, ông Tuyến chia sẻ.