| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 23/03/2022 , 12:31 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

12:31 - 23/03/2022

Đi tìm làng Việt

Cuộc săn lùng tiện nghi và lối sống đô thị nửa mùa đã đẩy làng vào một vùng trí nhớ xa xăm mù khơi nào đó nơi những người già.

Tôi ghé Đà Nẵng, bạn cũ hiếu khách đón tôi trong thành phố, cà phê cùng nhau. Bạn hỏi, “Giờ muốn đi đâu chơi, ở đây nhiều điểm du lịch nổi tiếng”. Tôi nói, chỉ muốn về một vùng quê nào đó, nơi có những ngôi làng nguyên sơ. Các bạn cười, “Không còn”.

Một người bạn đang làm phóng viên, thương tình, đưa tôi đi Nam Ô, ngôi làng chài 700 năm tuổi, là “cửa ngõ phía Nam” của Đại Việt xưa. Tôi đi trong tâm trạng háo hức và chờ đợi. Bán đảo dần hiện ra trước mắt, nhưng sát biển là những tòa nhà đang xây dở, đứng lởm chởm trên cát. Phía sau lưng những tòa ấy là dãy tường rào xây cao. Tôi hỏi bạn, “Làng Nam Ô đâu”. “Đây, là chỗ này”.

Chúng tôi đi dọc theo hàng rào, vỏ những con thuyền nằm úp mặt, vài chiếc bạt xộc xệch trên cát có ít cá biển đang khô dở, nặng mùi. “Đây là đình làng Nam Ô”, tôi nhìn theo hướng tay chỉ, mấy chiếc đình vừa mới sơn lại, màu vàng - đỏ chói mắt. Người bạn kêu lên, “không phải đình cũ cổ kính, họ sơn lại trông kỳ quá!”.

- Người ta làm dự án, dân làng phải di dời để lại toàn bộ diện tích giáp biển cho nhà đầu tư, hàng rào này dài khoảng 3 cây số, bọc kín diện tích “mặt tiền” của Nam Ô.

- Không còn ai của Nam Ô ở lại nữa ư?

- Có, phía sau bức tường này. Trước đây họ không cho dân đi qua khu đất thuộc dự án để xuống biển, nhưng vì dân không có sinh kế nên phản ứng, báo chí rầm rộ, giờ thì họ mở vài lối nhỏ thế này cho dân đi…

Chúng tôi lại đi, bước chân nặng dần, mỗi lúc một lún sâu xuống cát. Giữa những chiếc bồn cầu nằm chỏng chơ cùng gạch đá rải rác là bát hương và bình hoa vỡ nằm lẫn với cỏ dại. “Mộ Tiền Hiền ở kia”. Tôi nhìn theo tay bạn nhưng không thấy. “Cây cối um tùm, phải lại gần”. Mộ nằm trên phần đất của nhà đầu tư, giữa một bãi hoang mênh mông vì nhà cửa xung quanh đã bị đập bỏ. Ngôi mộ của người lập làng thủa “mang gươm đi mở cõi”, giờ lạnh ngắt, không biết rồi mai đây số phận sẽ ra sao.

Tôi rời Đà Nẵng, băng qua đèo Hải Vân lồng lộng, ngược ra Huế cùng bạn tôi, một giảng viên đại học. Ngày xưa, khi Paul Doumer đi qua đây đã phải thốt lên, “Dưới kia vịnh Đà Nẵng hiện ra. Không một cảnh quan thần tiên nào của Địa Trung Hải vừa có được cái đẹp và cái to tát này. Cứ thử lấy một nơi xinh nhất của bờ biển Côte d’Azur như vịnh Villefranche rồi nhân lên mười lần hay hai mươi lần, các vị sẽ hình dung được Đà Nẵng” (Hồi ký Xứ Đông Dương - Paul Doumer).

Chúng tôi lên đèo, rồi xuống đèo, chủ yếu là thông, thưa thớt, và cây dây leo; có nhiều đoạn thấy núi trọc lóc, không một bóng cây. Nếu bây giờ ông Paul Doumer mà trở lại Hải Vân chắc ông sẽ ngơ ngác lắm.

Huế. Các bạn chiều chuộng cố nhân, muốn đưa tôi đi du thuyền trên sông Hương và thăm thú lăng tẩm đền đài. Tôi chỉ muốn tìm một ngôi làng Việt. Phóng viên, nhà văn, thầy giáo… ngồi vò đầu, rồi một bạn nói, giọng trầm trầm: “Không còn ngôi làng nào như thế cả, ông phải lên miền núi, vào tận bản sâu, may ra”.

- Đi cầu ngói Thanh Toàn!

- Còn chi dưới đó nựa mà đi!

Tất cả im lặng.

Hai ngày cà phê, trà, rượu trong thành phố cùng bạn bè, tôi trở về quê. Gặp lại làng tôi. Gọi “làng” thế thôi chứ không còn làng nữa, cả cái tên cũng đã mất, chỉ có thôn và xã. Không có “cây đa bến nước sân đình”, không nghè, không miếu, không chùa; những chiếc giếng làng cũng chỉ còn trong ký ức người già. Làng không còn bóng tre, bóng dừa. Những hàng rào chè mạn, cúc tần, râm bụt cũng biến mất tự bao giờ, chỉ thấy những bức tường gạch trát vữa xám.

Một người bà con xa về thăm quê, muốn tìm một bóng cây bên đường để đỗ xe cũng không sao thấy đặng. Bên dưới là bê tông, trên là mặt trời chang chang. Ngước mắt lên chỉ thấy mái tôn đỏ gắt, hơi nóng hầm hập vây bủa. Trong làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ quanh quẩn, bọn thanh niên đã “đi làm ăn xa” hoặc làm công nhân trong các nhà máy xí nghiệp.

Làng đã mất.

Cuộc săn lùng tiện nghi và lối sống đô thị nửa mùa đã đẩy làng vào một vùng trí nhớ xa xăm mù khơi nào đó nơi những người già. Lứa chúng tôi thì còn có những mảnh rời rạc, cũng xa xăm như thế. Nhưng bọn con cháu thì không có gì để làm vốn liếng để mà hình dung nữa. Chúng không biết làng, dù vẫn sống ở nông thôn - một nông thôn nghèo, nhà cấp 4 lỏng chỏng lẫn với tiếng karaoke xập xình.

Bất giác thèm những ngôi làng Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở đó, những mái nhà xinh xắn nằm lẩn quất dưới tàn cây xanh và hoa trái, con đường lát đá có dòng suối trong vắt uốn lượn chảy trong thanh bình mải miết. Xứ ấy, nông dân giàu, đời sống tiện nghi, nhưng làng vẫn ở đó. Những ngôi làng cổ tích.

Bỗng sợ. Một ngày nào đó không xa, nếu muốn nhìn thấy một ngôi làng, người Việt (vốn sinh ra từ làng) phải mua vé bay, bay sang tận bên Tây bên Nhật để nhìn, như nhìn ngược vào lịch sử của chính mình, để được thấy những ảo ảnh cha ông.

Đường về làng mỗi lúc một xa xăm, như người lội bộ trong giấc mơ của chính mình, càng đi càng hoang mang.

Bình luận mới nhất