Dịch bùng phát mạnh, bất thường đang khiến ngành chuyên môn và các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dập dịch.
Diễn biến bất thường
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, chỉ tính từ ngày 20/12 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 800 con gia súc mắc bệnh LMLM tại 11 xã thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Dịch lây lan nhanh trên đàn lợn, làm chết, buộc phải tiêu hủy hơn 700 con, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người chăn nuôi.
Đến thời điểm này toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiêu hủy hơn 700 con lợn |
Nguyên nhân khiến dịch bùng phát nhanh được xác định một phần là do người dân khi phát hiện gia súc bị bệnh tự mua thuốc về điều trị, không báo cáo ngành chức năng và gia súc “dính” bệnh hầu hết chưa được tiêm phòng vacxin đầy đủ. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch tại một số địa phương còn lơ là, thiếu sự quan tâm.
Ông Hoàng Huy Hòa ở thôn 6 xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) cho biết, đàn lợn của gia đình ông có 36 con, trong đó 9 con lợn nái, 21 con lợn thịt và 6 con lợn con. Khi phát hiện lợn bị bệnh vào buổi sáng thì buổi chiều lăn ra chết. Hiện gia đình ông đã tiến hành tiêu hủy 13 con nhưng vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục lây lan sang những con khác.
“Đợt dịch LMLM lần này xảy ra rất nhanh, mạnh và bất thường so với trước đây. Hiện điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan, do đó công tác phòng, chống dịch, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, kiểm soát buôn bán gia súc lại càng khó khăn hơn”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y lo lắng.
Theo ông Hùng, trước mắt đã xác định được số gia súc bị bệnh là do virus LMLM type O gây nên. Tuy nhiên, triệu chứng lâm sàng thực tế trên đàn lợn bị bệnh đợt này nặng hơn rất nhiều so với các đợt dịch khác. Có thể do sự biến đổi của virus LMLM làm cho độc lực rất mạnh. Ngoài ra, không loại trừ ghép với các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như tai xanh, tai khô và dịch tả lợn Châu Phi.
Ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vận chuyển gia súc không đảm bảo quy định về kiểm dịch |
Bệnh LMLM đối với trâu bò có thể lưu chuồng để chữa trị nhưng với đàn lợn thì rất phức tạp bởi vì tổng đàn lớn, áp lực xuất chuồng của người dân. Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, lưu lượng buôn bán, giết mổ, vận chuyển sản phẩm cũng sẽ tăng mạnh; thời tiết diễn biến bất lợi độ ẩm thấp làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc. Bởi vậy, nguy cơ dịch bệnh LMLM bùng phát trên diện rộng là rất cao nếu không được khống chế kịp thời.
Chống dịch kiểu “trên nóng, dưới lạnh”
Sau khi phát hiện gia súc “dính” bệnh LMLM, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương vào cuộc chống dịch, tuy nhiên tại một số huyện, xã vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhất là chính quyền địa phương cấp xã.
“Dịch bệnh đã lây lan ra hàng chục xã nhưng nhiều điểm giao cắt với đường trục xã vẫn không có chốt cảnh báo dịch; công tác vệ sinh chuồng trại nhiều hộ làm đối phó; rất nhiều gia súc trong vùng dịch vẫn chưa được tiêm phòng bao vây… Sự lơ là, thiếu quyết liệt này huyện Cẩm Xuyên cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Bây giờ, huyện khẩn trương rà soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có giải pháp phù hợp; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mới phát sinh; tiến hành tiêm phòng khẩn cấp bao vây và quản lý chặt các đối tượng buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc trên địa bàn”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh trong một cuộc thị sát vùng dịch xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên mới đây.
UBND tỉnh Hà Tĩnh phê bình Sở NN-PTNT đã thiếu giám sát, chỉ đạo phòng chống dịch LMLM |
Bên cạnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị huyện, xã vào cuộc dập dịch, tỉnh Hà Tĩnh đã xuất cấp 40.000 liều vacxin tiêm phòng bao vây khẩn cấp và hơn 3.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng.
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, chống dịch tại chỗ triển khai quyết liệt đã đành nhưng để ngăn chặn dịch lây lan diện rộng, các tỉnh, thành phố khác cũng phải “mạnh tay” chặn đường đi của gia súc bị bệnh LMLM. Nếu để lợn bệnh lọt chốt kiểm dịch như 2 vụ việc ngành chức năng Hà Tĩnh mới bắt giữ gần đây thì sẽ rất khó kiểm soát dịch triệt để.
Phê bình Sở NN-PTNT Mặc dù dịch LMLM đã xảy ra gần nửa tháng nhưng phải đến ngày 28/12/2018 Sở NN-PTNT mới có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp kinh phí phòng chống dịch khẩn cấp. Ngay sau khi nhận được văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh phê bình Sở NN-PTNT đã thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch, để dịch LMLM trên gia súc xảy tra trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Sở NN-PTNT kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo UBND tỉnh. |