| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả Châu Phi chưa đến, giá lợn đã 'rơi'

Thứ Hai 18/03/2019 , 10:50 (GMT+7)

Mặc dù chưa có ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nào được phát hiện tại Hà Tĩnh, tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng, lo ngại ăn phải thịt không đảm bảo ATVSTP nên một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh này đã quay lưng với thịt lợn, thậm chí không ít bếp ăn tập thể “cai” hẳn thịt lợn.

10-53-00_1_2
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra tình hình tiêu thụ thịt lợn tại một khu chợ TP Hà Tĩnh

Cầu giảm khiến cho nguồn cung ế ẩm, giá lợn hơi, lợn giống tại các trang trại chăn nuôi cũng rớt nhanh, từ 48.000 đồng/kg xuống 37.000 - 38.000 đồng/kg chỉ trong 20 ngày.
 

Thiệt đơn thiệt kép

Gần 8 tháng cấm trại, không còn cách nào khác, để nắm được thực trạng khó khăn của Cty CP chăn nuôi Mitraco - Cty chiếm thị phần chăn nuôi lớn nhất ở Hà Tĩnh, PV đành liên lạc qua điện thoại. 

Đầu dây bên kia, ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Phụ trách Cty thở dài: “Tôi đứng ở nhà tắm trang trại nhìn thấy nhà mình mà không dám về”. Ông Thảo cho hay, ngoài ông, gần 120 công nhân của 2 Trung tâm nái quy mô 1.200 con và 3 trại nái vệ tinh ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), Kỳ Bắc (Kỳ Anh) mỗi tháng chỉ được về nhà 2 ngày. Khi vào trại phải vào sớm 1 ngày để cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng, hôm sau mới được “nhập” trại.

Tháng 8/2018, dịch LMLM bắt đầu càn quét ngành chăn nuôi Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ, để phòng dịch, Cty Mitraco quy định nội bất xuất ngoại bất nhập. Khoảng giữa tháng 2/2019 dịch LMLM bắt đầu lắng xuống thì xuất hiện DTLCP, lệnh cấm trại tiếp tục kéo dài. Ông Thảo cho biết, thời gian qua công tác phòng dịch cực kỳ tốn kém, bình quân mỗi tháng riêng tiền hóa chất đã ngốn đến 350 - 500 triệu đồng, đó là chưa kể tiền ăn uống, đi lại của công nhân; đặc biệt là chi phí tăng bo gần 3km để xuất lợn thịt đi bán; tăng bo cám vào trại… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, để phòng dịch LMLM và DTLCP, Cty đặt thêm 4 chốt phun tiêu độc khử trùng, một chốt hợp đồng phun tại nhà máy cám, 1 chốt tại xã Thạch Thanh (QL1A), 1 tại đường vào xã Thạch Vĩnh (nơi đặt trang trại) và 1 chốt tại cổng trại. Tăng tần suất, nồng độ phun trong trại, từ 3 ngày phun 1 lần lên 1 ngày phun 1 lần.

Mặc dù phòng dịch chặt chẽ như vậy, lợn của Cty đang an toàn như vậy nhưng do ảnh hưởng của DTLCP nên sản lượng lợn xuất bán bình quân đã giảm từ 120 con lợn thịt/ngày xuống còn 80 con/ngày. Riêng lợn con thì không bán được con nào, Cty phải đẩy hết xuống các hộ vệ tinh để nuôi lợn thịt. “Sản lượng giảm đã đành, giá lợn cũng bị thương lái ép. Chỉ trong khoảng 20 ngày giá lợn thịt đã từ 48.000 đồng/kg xuống còn 36.000 - 37.000 đồng/kg. Doanh nghiệp thua lỗ ba bề bốn bên”, ông Thảo lo lắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng vì lệnh cấm trại quá lâu nên 10 công nhân của Cty CP chăn nuôi Mitraco chán nản, đã bỏ việc.
 

Tuyệt đối không được giấu dịch

Theo thống kê sơ bộ, so với trước, số lợn giết mổ và bán trên thị trường Hà Tĩnh giảm khoảng 40 - 50% do tâm lý của người dân sau khi có thông tin về DTLCP. Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu, đối với công tác phòng DTLCP, trong điều kiện dịch đang lây lan nhanh như hiện nay, việc kiểm soát nghiêm ngặt các chốt kiểm dịch ở huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ - giáp ranh tỉnh Nghệ An là quan trọng nhất.

10-53-00_3
Thương lái ép giá, một bộ phận người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến người chăn nuôi lâm cảnh điêu đứng

Ngoài ra, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiểm soát đầu vào gia súc giết mổ và thực hiện đúng quy trình về giết mổ; ghi chép và theo dõi thông tin động vật trước và sau giết mổ. Điều này không chỉ góp phần hiệu quả trong công tác phòng chống dịch mà còn cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.

Những địa phương có mật độ chăn nuôi lớn như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ… thường xuyên nâng cao cảnh giác; nếu xuất hiện lợn chết bất thường cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời, tuyệt đối không được giấu dịch.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm