DTLCP xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 23/2/2019, gây thiệt hại lớn tại 27/27 huyện, thành phố, thị xã. Sau nhiều nỗ lực phòng chống, tính đến giữa tháng 8/2019, DTLCP tại Thanh Hóa đã lắng xuống, 6 huyện gồm Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bỉm Sơn, Quan Sơn cùng hàng trăm xã đã công bố hết dịch.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 9/9/2019 toàn tỉnh đã có 51 xã, phường, thị trấn và huyện Bá Thước dịch tái phát.
Mưa lũ, vận chuyển lợn… khó kiểm soát khiến DTLCP tăng đột biến. Ảnh: Tiến Thành. |
Theo đánh giá của cơ quan thú y địa phương, tháng 5 và 6/2019 là thời điểm cao điểm của DTLCP tại Thanh Hóa. Đến tháng 7/2019, đầu tháng 8 dịch bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Riêng trong tháng 8/2019 tổng số xã, số thôn, hộ chăn nuôi phát sinh dịch và số lợn mắc bệnh tiêu hủy cũng giảm so với tháng 7/2019.
Cùng với một số địa phương khác có cùng cơ chế phát tán dịch bệnh như trên, ngành Thú y Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân chính khiến DTLCP diễn biến phức tạp là do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều nơi xảy ra lũ, lụt... Mầm bệnh khi gặp mưa, bão, lũ đã phát tán trên diện rộng khiến dịch bệnh bùng phát. |
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong 10 ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 có chiều hướng tăng mạnh, số lượng hộ chăn nuôi và số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hàng ngày tăng lên đột biến (từ 200 -300 con/ngày lên 500-600 con/ngày) trong cuối tháng 8.
Trong 9 ngày đầu tháng 9/2019 diễn biến dịch càng phức tạp, số lượng lợn mắc bệnh tiêu hủy hàng ngày tương đương với tháng cao điểm nhất của dịch bệnh (6/2019) với số lợn tiêu hủy trung bình 980 con/ngày (tháng 6 trung bình tiêu hủy 933 con/ngày).
Qua khảo sát thực tế của ngành thú y Thanh Hóa, từ đầu tháng 8/2019 tại thôn Đồng Bèo, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, mưa lớn xẩy ra tình trạng ngập lụt. Sau khi nước rút được 15 - 20 ngày dịch bệnh đã lây lan khắp trên 43/43 hộ chăn nuôi lợn. Đến ngày 4/9/2019 cụm dân cư này không còn hộ chăn nuôi nào còn lợn.
DTLCP tăng “chóng mặt” trong nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Ảnh: Tiến Thành. |
Trong tháng 8 đến đầu tháng 9/2019 dịch bùng phát mạnh chủ yếu tại 3 huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương nơi có tổng đàn lợn lớn. Tuy nhiên, ở những địa phương này chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, nuôi tận dụng, đan xen khu dân cư.
Một số hộ nuôi lợn nái sinh sản bán lợn sữa, chuồng nuôi bố trí tại ngay sau nhà, gần khu vệ sinh chung, giếng nước, nơi chế biến thức ăn, sinh hoạt hàng ngày, không đảm bảo vệ sinh, chuồng trại nhà này sát nhà kia rất khó kiểm soát dịch bệnh.
Một thực tế là thời gian qua tại Thanh Hóa, công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn khó kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát tán. Chỉ tính trong tháng 8, 9/2019, số xe lợn vận chuyển qua các trạm chốt kiểm soát qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng vọt từ 150 lượt xe/ngày lên 250 lượt xe/ngày.
Các địa phương đã “cạn” ngân sách dự phòng phòng chống DTLCP. Ảnh: Tiến Thành. |
Từ thực trạng trên, cơ quan thú y tỉnh Thanh Hóa nhận định, tình hình dịch DTLCP trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2019 còn tiếp tục bùng phát mạnh, với tốc độ nhanh và trên diện rộng, nếu không thực hiện quyết liệt các giải pháp khống chế dịch bệnh kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, ngày từ giữa tháng 8/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ thú y tăng cường xuống cơ sở để bám địa bàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch đặc biệt là tập trung tại các huyện trọng điểm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa kiến nghị kể từ ngày 15/12/2019 trở đi không thực hiện hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trong vùng dịch, các hộ không có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học tái đàn mà để xảy ra dịch bệnh có lợn phải tiêu hủy.
Do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng để huy động lực lượng chống dịch, mua vật tư chống dịch nên công tác phòng chống dịch đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. |