Năm 1957, lần đầu tiên bệnh Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu và đến nay dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Armenia Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; bệnh cũng như đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.
Chăn nuôi lợn Việt Nam cần hết sức cảnh giác trước Dịch tả lợn Châu Phi |
Năm 2007, bệnh Dịch tả heo châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới. Từ cuối năm 2017 đến nay, có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, Ukraina và Zambia báo cáo có Dịch tả lợn châu Phi.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), bệnh Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Vi rút có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16 genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Vi rút Dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang vi rút suốt đời.
Vi rút Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4°C trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ. Trong môi trường không có huyết thanh, vi rút có thể bị phá hủy ở pH< 3.9 hoặc ở pH > 11.5. Môi trường có huyết thanh vi rút có thể tồn tại được ở pH = 13.4 trong 7 ngày; không có huyết thanh vi rút có thể sống được 21 giờ.
Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2.3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Vi rút Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Theo Cục Thú y, Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh. TS. Nguyễn Viết Không, nguyên Phó viện trưởng Viện Thú y cho biết: Về triệu chứng, điều kiện và cơ chế lây truyền…, dịch tả lợn Châu Phi cơ bản tương tự dịch tả lợn cổ điển. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản là loài virus này không tạo ra miễn dịch bảo hộ, vì vậy không thể SX được vacxin. Gần đây, đã có một số nghiên cứu vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng mới chỉ ở mức có triển vọng hứa hẹn, vẫn chưa có vacxin thực sự hiệu quả. “Đã là một loài virus sinh ra, chúng luôn tìm được chỗ khu trú, đến một lúc nào đó thuận lợi sẽ phát tán ra môi trường, bất thuận thì chúng co cụm lại. Do chưa có vacxin phòng bệnh nên giải pháp duy nhất để dập dịch vẫn là phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng…” – TS Không cho biết. |