| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên có chiều hướng chững lại

Thứ Bảy 14/09/2019 , 11:35 (GMT+7)

Ông Vũ Văn Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cho biết, tới nay, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng chững lại, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy giảm dần…

Hưng Yên là một trong hai tỉnh ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện DTLCP tại lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và yêu cầu các địa phương giáp ranh phải tăng cường công tác phòng, chống, kiểm tra thực tế, thực hiện ngay việc phun khử trùng, tiêu độc tuyến giáp ranh.

Xe ra vào các trang trại đều được phun khử trùng.

Đặc biệt, tại khu vực xảy ra dịch phải kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn chưa được kiểm dịch. Cùng đó, tỉnh đã tiến hành đồng loạt nhiều giải pháp để phòng, chống và hạn chế tối đa thiệt hại từ dịch gây ra. Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện vô cùng hiệu quả, người chăn nuôi nhanh chóng nhận thấy được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và đã tiến hành triển khai nhiều biện pháp theo như hướng dẫn: tiêu độc khử trùng trong và ngoài chuồng thường xuyên và liên tục hơn; hạn chế tối đa người ra vào chuồng, trại; vệ sinh cơ thể, khử trùng quần áo trước khi vào cho ăn và chăm sóc lợn,…

Công tác tiêu độc, khử trùng được người chăn nuôi rất chú trọng.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Hưng Yên: Từ ngày 01/2/2019 phát hiện dịch đến ngày 13/9/2019, các địa phương tổ chức tiêu hủy 196.417 con lợn (11.144.768 kg) tại 11.091 hộ, 774 thôn. Đã có 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố công bố dịch gồm: TP. Hưng Yên (13/17 xã, phường); Yên Mỹ (17/17 xã, TT); Ân Thi (21/21 xã); Kim Động (16/17 xã, TT); Mỹ Hào (13/13 xã); Văn Giang (10/11 xã); Tiên Lữ (15/15 xã); Phù Cừ (14/14 xã); Văn Lâm (11/11 xã); Khoái Châu (21/25 xã).

Ông Vũ Văn Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nhờ đó mà tới nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng chững lại, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy hàng ngày, ngày càng giảm dần.

Tính đến hết ngày 13/9/2019, toàn tỉnh đã có 125 xã, phường của 10 huyện, thành phố, thị xã đã công bố hết dịch.

Trong tuần (từ ngày 07 – 13/9/2019), số lượng lợn ốm, chết phải tiến hành tiêu hủy theo quy định giảm nhiều.

Cụ thể, huyện Tiên Lữ tiến hành tiêu hủy 09 con của 01 hộ; huyện Khoái Châu tiêu hủy 151 con ở 4 hộ của 2 xã. Đặc biệt, cả huyện Phù Cừ trong 1 tuần chỉ phải tiêu hủy 01 con.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu cũng cho biết: ngày 16/3 huyện ghi nhận ổ dịch đầu tiên.

Trong khoảng 3 tháng đầu, dịch bùng phát và lây lan mạnh mẽ. Tuy nhiên vào khoảng tháng 7, 8 thì dịch bắt đầu có chiều huống chậm lại, lượng lợn chết giảm đi đáng kể.

Những trại đảm bảo an toàn sinh học vẫn sống khỏe qua bão dịch

Vào đợt dịch bùng phát cao điểm, chúng tôi có hôm phải tiêu hủy đến 20 tấn. Nhưng tới hiện tại, lượng lợn ốm, chết phải tiêu hủy giảm đi rất nhiều có hôm cả huyện chỉ có 1, 2 con. Để đạt được điều đó, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh. Từ đó, người chăn nuôi có ý thức cao hơn trong công tác, phòng chống dịch. Cùng đó, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo bà con nên tăng cường cho lợn ăn bổ sung các vitamin, khoáng chất và các loại thảo dược để tăng cường sức đề kháng giúp lợn tăng cường khả năng kháng bệnh.

Ông Thái thông tin: Dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm nhưng tỉnh vẫn khuyến cáo các địa phương tiếp tục phòng chống không được chủ quan trước DTLCP. Đặc biệt sau khi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại, người chăn nuôi lợn không nên tái đàn vào thời điểm này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tại trang trại của gia đình anh Nguyễn Châu Thắng ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, từng ô chuồng được đánh số để công tác chăm sóc, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cũng như cách ly khi có bệnh đạt hiệu quả nhất.

Thay vào đó, người chăn nuôi lợn cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và công việc khác phù hợp. Cùng với đó, nhằm kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do DTLCP, tỉnh đã yêu cầu các phương rà soát, tổng hợp niêm yết công khai chính sách, danh sách hỗ trợ thiệt hại để người dân nắm bắt kịp thời. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hoàn thiện thủ tục hồ sơ đảm bảo nhanh, chính xác, minh bạch qua đó sớm giải ngân tiền cho người chăn nuôi.

Ông Đạt cho biết: DTLCP tồn tại trong môi trường rất lâu có thể lên tới 6 tháng. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo những gia đình có lợn đã từng bị nhiễm dịch không nên quay lại tái đàn mà nên chủ động chuyển hướng sang vật nuôi khác, cây trồng khác để hạn chế tình trạng bị tái nhiễm dịch. Sau khi được tuyên truyền, thay vì để chuồng trống, nhiều gia đình chuyển sang nuôi gia cầm thương phẩm, trồng nấm,…

Chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất là một việc làm kịp thời, vừa giảm bớt gánh nặng kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho những hộ nhiễm DTLCP phải tiêu hủy hàng loạt. Cùng với đó, lồng ghép hỗ trợ cho người chăn nuôi sau dịch giúp đỡ người dân ổn định kinh tế, giúp đỡ một phần vốn đầu tư phát triển.

Ông Vũ Văn Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở cơ sở. Tiến hành tiêm phòng theo kế hoạch, công tác triển khai khử trùng tiêu độc được thực hiện đầy đủ, tập trung và liên tục. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra việc giết mổ và vận chuyển tại cơ sở.

Ngoài ra, Chi cục sẽ khẩn trương hoàn thành 4 lớp tập huấn cho các cán bộ thú y cơ sở nhằm nâng cao chuyên môn về công tác phòng, chống DTLCP trong tháng 9 này. Công tác tuyên truyền sẽ vẫn tiếp tục phải được triển khai thường xuyên và sâu rộng tại các loa phát thanh cơ sở để người dân tiếp tục chung tay phòng, chống dịch…

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.