| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng giảm nghèo ở Tuyên Quang

Thứ Năm 26/08/2021 , 09:13 (GMT+7)

Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,98%, đời sống của người dân ngày một khấm khá, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) trở thành điểm sáng của công tác giảm nghèo.

Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở xã Cấp Tiến. Ảnh: Đồng Thưởng.

Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở xã Cấp Tiến. Ảnh: Đồng Thưởng.

Hiện toàn xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có 1.679 hộ dân với hơn 7.000 nhân khẩu. Hơn 10 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cấp Tiến chiếm khoảng 20%. Tỷ lệ hộ nghèo tập trung nhiều nhất tại các thôn Thái Bình, Đồng Chiêm là những thôn có tỷ lệ người dân tộc Cao Lan chiếm hơn 90%.

Ồng Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hằng năm xã đều rà soát số lượng hộ nghèo tại các thôn và nguyên nhân nghèo. Sau đó, giao các đồng chí cấp ủy xã và các tổ chức đoàn thể phụ trách thôn triển khai các cuộc họp thôn, bản để nắm bắt nhu cầu về phát triển sản xuất của người dân một cách công khai, minh bạch. Nhờ đó, các nguyên nhân cũng như tâm tư cần được giúp đỡ của bà con dần được tháo gỡ.

Sau khi tìm được nguyên nhân, cấp ủy chính quyền xã đã tạo điều kiện giúp các hộ dân về kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, hỗ trợ vốn vay sản xuất, khuyến khích hỗ trợ người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở Thái Bình có chuyển biến tích cực. Nếu đầu năm 2020, thôn Thái Bình còn 12 hộ nghèo thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 7 hộ nghèo.

Đường bê tông kiên cố là điều kiện thuận lợi để người dân xã Cấp Tiến thông thương hàng hóa phát triển kinh tế. Ảnh: Đồng Thưởng.

Đường bê tông kiên cố là điều kiện thuận lợi để người dân xã Cấp Tiến thông thương hàng hóa phát triển kinh tế. Ảnh: Đồng Thưởng.

Anh Lâm Văn Phú, Trưởng thôn Thái Bình cho biết, so với 5 năm trước thì kinh tế của đồng bào Cao Lan ở Thái Bình giờ khá hơn rất nhiều. Với 300ha rừng keo, phát triển các nghề phụ như nghề thủ công mỹ nghệ, xây… người dân đã xây được nhà, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Hiện thôn chỉ còn 7 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Thôn có nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa như hộ ông Phan Văn Hà, Hoàng Văn Hải, Lâm Văn Tranh, Hoàng Văn Qúy… mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã Cấp Tiến đã xuất hiện nhiều mô hình vươn lên mạnh mẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Nổi bật là mô hình trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 800ha được cấp chứng chỉ; mô hình trồng nhài lấy hoa nhài bán ra thị trường với diện tích 3ha; mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP ở thôn Cây Xi…

Ông Đào Huy Tiến, thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến là người đầu tiên đưa cây hoa nhài về trồng trên vùng đất này. Ý tưởng được ông nhen nhóm khi đi tham quan mô hình trồng nhài tại Hà Nội, Bình Dương, Long An. Thấy được hiệu quả loài cây này mang lại, ông mạnh dạn cải tạo 1ha đất soi bãi trồng ngô sang trồng hoa.  

Ông Tiến cho biết, giờ đây ở xã Cấp Tiến đã có gần 30 hộ trồng hoa nhài. Mỗi một sào trồng nhài, một lứa thu hoạch cũng đạt xấp xỉ 500kg hoa. Mỗi kg hoa nhài được Công ty Tân Kim Bắc, huyện Sơn Dương thu mua với giá dao động từ 60 nghìn đồng đến 85 nghìn đồng/kg. Cây nhài đã và đang trở thành cây xóa nghèo cho các hộ dân ở Cấp Tiến cho thu nhập khá.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã Cấp Tiến chú trọng đến công tác chăm lo đời sống của người dân. Nhất là tình trạng dinh dưỡng của trẻ em. Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã đạt 85%. Xã có hơn 450 trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi, 100% trẻ trên địa bàn được uống Vitamin A. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 14%, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Những ngôi làng với dãy nhà xây kiên cố san sát mọc lên ngày một nhiều hơn ở Cấp Tiến. Ảnh: Đồng Thưởng.

Những ngôi làng với dãy nhà xây kiên cố san sát mọc lên ngày một nhiều hơn ở Cấp Tiến. Ảnh: Đồng Thưởng.

Nâng cao chất lượng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, đội ngũ cán bộ y tế xã tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh để sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cùng với ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cấp Tiến cho biết, một trong những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em là đời sống của người dân chưa cao, nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về dinh dưỡng cũng như sự hiểu biết cũng là rào cản không nhỏ. Vấn đề này dần được cải thiện khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao.

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo đã giúp xã Cấp Tiến trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, xã còn 49 hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ giảm được 5 hộ; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm

    Tags:
Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.