Lũ lên như cơm bữa
Cẩm Thành là vùng rốn lũ, nằm ở cửa sông Mã, bên cạnh vùng lòng hồ thủy điện Bá Thước 1 và Thủy điện Cẩm Thủy. Cứ mưa vài ngày, 6/8 thôn trong xã lại bị chia cắt. Cái lệ ấy, gần như năm nào cũng xẩy ra, năm ít nhất 2-3 lần, năm nhiều đến 5-6 lần. Chính vì thế, gần như gia đình nào ở Cẩm Thành cũng có bè mảng, sau này hiện đại hơn là thuyền nan, thuyền bằng tôn…
Tuy đã quen với chuyện ngập lũ hàng năm nhưng với những trận lũ bất ngờ thì không phải ai cũng có thể lường trước. Những cơn lũ lên với tốc độ chớp nhoáng đã khiến nhiều gia đình, dù đã leo lên tận nóc nhà vẫn bị “thủy thần” đe dọa tính mạng.
Ông Cao Vũ Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Cẩm Thành còn nhớ như in trận lũ lịch sử ngày 5/10/2007. Thời điểm đó, hồ Cửa Đạt đang thi công công trình thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt (công trình trọng điểm quốc gia). Mưa lớn ở thượng nguồn đã khiến lượng nước đổ về hồ Cửa Đạt dâng cao, đập chính bị vỡ, dài hơn 100 m. Nước từ thượng nguồn đổ ra sông Mã đến đoạn xã Cẩm Thành thì dâng lên đột ngột. Từ 18-20h đêm, nước dâng lên khắp tứ phía, ánh điện vụt tắt, đứng trên cao nhìn xuống, Cẩm Thành chìm trong bóng đêm, mênh mông biển nước. Đỉnh điểm là đến 2h sáng ngày 6/10, trụ sở UBND xã Cẩm Thành dù nằm ở vị trí gần như cao nhất ở xã cũng ngập gần tận nóc.
Trong đêm tối, người dân đi ứng cứu nhau chỉ dùng bè mảng. Nhưng đến đêm khuya, việc ứng cứu gặp khó khăn, 2 hộ dân bị ngập sát nóc nhưng chưa tiếp cận. Tiếng kêu cứu vang vọng trong đêm mịt mùng rất khó xác định vị trí.
Thấy tình hình nguy cấp, ông Cao Vũ Hải và ông Cao Văn Tình (lúc đó đang là cán bộ chính sách xã) quyết định dùng bè mảng vượt dòng nước lũ để cứu người. Nhà người dân có tường rào, bên trên dây thép gai, bè mảng không thể qua được, ông Hải và ông Tình neo bè mảng rồi thay nhau bơi về phía có tiếng kêu.
Đến nơi mới biết, gia đình ông Phạm Văn Vượng (thôn Thành Long có 3 người già, 2 trẻ nhỏ đang mắc kẹt trên chạn, không thể phá dỡ mái nhà để thoát khỏi dòng lũ đang từng phút từng phút dâng cao. Sau khi tiếp cận được gia đình ông Vượng, ông Tình và ông Hải lần lượt đưa từng người ra bè mảng, về điểm tránh trú an toàn. Thế nhưng, đến chuyến cuối cùng, do trời lạnh, lại đuối sức, ông Tình bị chuột rút không thể bơi đến bè mảng. Lúc này, ông Hải lao nhanh đến và cứu được ông Tình chỉ trong tích tắc, trước khi bị nước lũ cuốn đi.
Khi gia đình ông Vượng được cứu về điểm an toàn, chỉ ít phút sau, nước tiếp tục dâng cao và mái nhà chìm dưới biển nước.
“Nghĩ đến bây giờ còn ớn lạnh. Lúc đó, nếu chúng tôi chần chừ, 5 con người trong gia đình ông Vượng sẽ bị nước nhấn chìm”, ông Tình nhớ lại.
Điều khiến ông Tình và ông Hải vui nhất, dù năm nào cũng chạy lũ nhưng ở đây chưa từng ghi nhận có người chết trong các trận lũ.
Trận lũ lịch sử năm 2016 cũng khiến ông Tình, ông Hải không thể nào quên. Khoảng cuối tháng 7/2018, nước sông Mã dâng cao, ngập hết cánh đồng mía. Mọi người ai cũng nghĩ người dân đã về nơi tránh trú an toàn nhưng tiếng kêu thất thanh từ chòi canh mía của một người dân phát ra từ thôn Chiềng Chanh khiến các thành viên trong UBND xã Cẩm Thành quyết tâm dùng thuyền vượt qua dòng nước xiết tìm đến. Lúc này, ông Cao Vũ Hải bơi hơn 150m, cởi áo phao của mình đưa cho ông Nguyễn Văn Lượng đang ngồi trên chòi canh. Ngay sau khi hai ông vừa ra khỏi vườn mía thì chòi canh mía cũng đổ theo dòng nước lũ.
Điểm tựa tinh thần của người dân vùng lũ
Tháng 9/2019, khi có chủ trương của Tổng cục Phòng chống thiên tai về thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai, UBND xã Cẩm Thành đã tập hợp các thành viên trong đội dân quân tự vệ của xã, những người biết bơi, có sức khỏe tốt… để tập huấn. 50 thành viên của đội được tập huấn các kỹ năng như bơi lội sinh tồn, ứng cứu trong tình huống lũ lụt khẩn cấp, chằng chống nhà cửa, khắc phục sạt lở, di dời dân và cứu người trong nước lũ.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành ra quyết định thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai gồm 50 người. Đến năm 2019, đội được kiện toàn với 62 thành viên, nam từ 18-55 tuổi, nữ từ 18-50 tuổi, được chia làm 3 tổ: Tuần tra; tìm kiếm cứu nạn và hậu cần, tuyên truyền. Các thành viên của đội, ngoài độ tuổi trẻ trung, sức khỏe tốt còn phải là những người có tinh thần vì cộng đồng. Ông Cao Vũ Hải, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã được giao phó nhiệm vụ làm đội trưởng.
Việc phân công nhiệm vụ được đội quán triệt rõ ràng. Tổ tuần tra được giao nhiệm vụ tuần tra, nắm tình hình nước lũ, cắm biển cảnh báo. Tổ tìm kiếm cứu nạn luôn sẵn sàng lên đường khi nhận được tin báo. Tổ hậu cần chuyên phụ trách tuyên truyền các phương án ứng cứu khi lũ lụt xẩy ra, nhận diện tình hình lũ ống, lũ quét và lốc tố trên địa bàn…
Mỗi tổ có một nhiệm vụ riêng nhưng khi tình huống khẩn cấp xẩy ra, tất cả đều phải sẵn sàng lên đường và liên lạc với đầu mối các thôn, nắm tình hình, tổ chức ứng cứu kịp thời.
Ngay sau khi thành lập, đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cẩm Thành được trang bị 3 xuồng cứu hộ cứu nạn, áo phao, đèn pin, ủng, áo mưa, cưa xăng, cưa tay, máy phát điện, dao, cuốc, xẻng. Vì vậy, các thành viên của đội đều tỏ ra rất tự tin khi mùa mưa lũ về.
Cứ mỗi năm một lần, đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cẩm Thành lại tập huấn, ôn lại những kỹ năng đã được trang bị trước khi gia nhập đội. Phương châm của đội trong phòng chống thiên tai là xử lý 4 tại chỗ. Các thành viên của đội có sự liên hệ mật thiết với nhân dân, mỗi mùa mưa đến đều chủ động vật tư phòng chống lũ.
Từ thời điểm thành lập đến nay, đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cẩm Thành đã trải qua hai mùa mưa lũ. Nhưng trận lũ lớn nhất là vào năm 2020. Khoảng giữa tháng 8, mưa cộng với thủy điện xả lũ, nước sông Mã dâng cao cùng với nước từ các khe suối đổ về khiến cụm dân cư thôn Chiềng Chanh nằm dọc bờ suối đứng trước nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở. Đây đều là những hộ dân chủ yếu người già và trẻ nhỏ nên công tác tự ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thời điểm lũ lên, đội xung kích đã về thôn vận động. Tuy nhiên, các hộ dân di dời rất chậm, đến 18-20h đêm vẫn còn 6-7 hộ chưa thể về nơi an toàn. Do đã được trang bị các kỹ năng phòng chống thiên tai, đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cẩm Thành tức tốc dùng thuyền máy lên đường. Chỉ chưa đến 1h đồng hồ, người già, trẻ nhỏ và toàn bộ tài sản, vật nuôi của thôn Chiềng Chanh đã được đưa về nơi an toàn.
Ông Cao Văn Tình bây giờ đã là Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành. Nhớ lại những trận lũ đã từng trải qua trong đời, ông không khỏi giật mình. Cũng vì Cẩm Thành là vùng rốn lũ nên khi xây dựng trụ sở UBND xã, địa phương đã thiết kế tầng 1 chỉ để phương tiện cán bộ công nhân viên chức, tầng 2,3 mới là nơi làm việc. Theo ông Tình, là dân vùng lũ, hầu hết người dân đều biết bơi, biết cách ứng phó với mưa lũ nhưng với những tình huống khẩn cấp thì vai trò của đội xung kích phòng chống thiên tai là hết sức quan trọng.
Đánh giá về đội xung kích phòng chống thiên tai của xã, ông Tình không khỏi tự hào: “Đây là đội xung kích phòng chống thiên tai đầu tiên của cả nước. Cẩm Thành có đầy đủ các loại hình thiên tai nên phải nói rằng, việc thành lập đội là điều hết sức cần thiết. Từ ngày thành lập đến nay, đội xung kích phòng chống thiên tai xã Cẩm Thành đã nâng hiệu quả phòng chống thiên tai lên rõ rệt. Đội xung kích phòng chống thiên tai trở thành điểm tựa tinh thần của người dân vùng lũ”.