Dấu hiệu của một vụ lừa đảo quốc tế tương đối rõ, khi ngân hàng phía Việt Nam (thay mặt bên bán hàng) gửi đi bộ chứng từ gốc, nhưng phía ngân hàng nước ngoài lại chỉ nhận được các bộ chứng từ photocopy hoặc giấy trắng gửi cho những người không có tài khoản tại ngân hàng đó.
Diễn biến mới
Theo thông tin từ một trong số 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều nói trên, một kết quả đáng mừng là hiện 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát Italy ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời từ phía Việt Nam. Hiện cả hệ thống cảng của Italy đã được báo động về vụ việc này.
Để tiếp tục xử lý đối với các container hạt điều xuất khẩu sang Italy còn lại, ngày 10/3 vừa qua, đoàn Thương vụ Việt Nam tại Italy đã đến thành phố Napoli, cách thủ đô Rome hơn 200km để làm việc với lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli và các cơ quan liên quan tại khu vực phía Nam nước này như lãnh đạo cảng Napoli, cảnh sát quân sự, thuế vụ cũng như ngân hàng và DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh), những nơi trung chuyển chính của 36 bộ chứng từ gốc mà các công ty Việt Nam bị mất kiểm soát.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, theo thông tin sơ bộ Hiệp hội nắm được, hiện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy đã kịp đến làm việc với chính quyền sở tại khu vực cảng Genoa và các hãng tàu vận chuyển như: Cosco, Yangming, HMM, One… để can thiệp tạm ngừng giao hàng hóa nếu xuất hiện một bên trình bộ hồ sơ gốc và đã được phía nước bạn đã đồng ý hợp tác. Tuy nhiên, theo Luật hàng hải thương mại quốc tế, khi có người trình bộ hồ sơ gốc thì hãng vận chuyển buộc phải giao hàng, không ai có quyền can thiệp. “Hãng tàu chỉ không giao trong trường hợp họ nhận được trát của tòa. Đây là vấn đề kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau, buộc phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế, hãng tàu chỉ trung gian vận chuyển thôi. Như vậy, nếu có bên thứ ba xuất trình bộ hồ sơ gốc, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đòi lại hàng thì phải chờ một phiên tòa”, ông Hậu nói.
Liên quan đến vụ việc, thông tin từ đại diện doanh nghiệp xuất khẩu và từ Vinacas cho biết, bà Huỳnh Kim Hạnh, giám đốc Công ty Kim Hạnh Việt (đơn vị môi giới), đã gọi điện từ Mỹ về cho Hiệp hội và chia sẻ thông tin về việc “cam kết sẽ cùng với Vinacas và các bên liên quan phối hợp để giải quyết vụ việc những container điều xuất khẩu sang Italy”.
Trao đổi qua điện thoại, bà Hạnh cho biết sẽ bay sang Italy để làm việc với chính quyền sở tại khu vực cảng Genoa (Italy) và các hãng tàu vận chuyển. Sau đó, sẽ bay về Việt Nam để làm việc với các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Vinacas, đây mới chỉ là trao đổi và lời nói từ một phía từ phía bà Hạnh, còn việc bà Hạnh có đi sang Italy hay không và sẽ về Việt Nam để giải quyết vụ việc như cam kết hay không thì chưa biết.
Vai trò của công ty Kim Hạnh Việt ?
Tìm tên Kim Hạnh Việt trên mạng tìm kiếm Google cho thấy, công ty này có đến 3 địa chỉ tại TP.HCM. Địa chỉ đăng ký trong giấy phép kinh doanh là số 18, Đường Số 3, P.Bình An, Q.2, TP.Thủ Đức, TP.HCM với tên đầy đủ là của Công Ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt. Người đại diện: Huỳnh Kim Hạnh; Năm thành lập 2016. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động các ngành nghề như: môi giới và thương mại các mặt hàng điều thô nguyên liệu, điều nhân xuất khẩu ra các thị trường Trung Đông, Ấn Độ và Châu Âu…cung cấp, giao dịch các mặt hàng hương liệu, gia vị như tiêu, mè, hồi, quế…
Ngoài ra, Kim Hạnh Việt còn có dịch vụ môi giới bất động sản tại TP.HCM.
Địa chỉ thứ 2 tại số 622A An Phú, P.An Phú, Quận 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM; Đại diện pháp luật: Huỳnh Kim Hạnh; Năm thành lập 2007. Trên trang mạng thông tin công ty Kim Hạnh Việt, ngoài số điện thoại cố định, còn có 2 số di động, tuy nhiên, cả 2 số này đều không liên lạc được. Khi liên lạc qua số điện thoại bàn đăng ký trên tang web công ty Kim Hạnh Việt, thì 1 nhân viên nam bắt máy, khẳng định là Công ty Kim Hạnh Việt, tuy nhiên, khi PV đề cập về vấn đề những container điều xuất khẩu sang Ý thì nhân viên này cúp máy.
Ngoài ra, Công ty Kim Hạnh Việt còn 1 địa chỉ thứ 3 tại số 561A, Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Trang web của công ty Kim Hạnh Việt (tiếng Việt và tiếng Anh) khá đơn giản, ngoài thông tin địa chỉ và hình ảnh giám đốc Kim Hạnh Việt, chỉ đăng 1 trang đầu tiên của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, công ty đăng ký lần đầu năm 2007. Từ đó đến nay, đã có 6 lần đăng ký thay đổi. Lần gần nhất là năm 2017. Vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Nhận định về vai trò, trách nhiệm của các bên như 5 ngân hàng, hãng vận chuyển, đặc biệt là công ty môi giới (Kim Hạnh Việt), Luật sư Ngô Thế Tiến, nguyên giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, thương vụ thanh toán nói trên được tiến hành theo phương thức D/P (Documents Against Payment).
Theo đó, đây là thanh toán nhờ thu, nghĩa là doanh nghiệp bán điều nhờ 5 ngân hàng Việt Nam thu hộ. Muốn thu hộ thì bộ hồ sơ gốc, gồm nhiều giấy tờ như: giấy tờ kiểm dịch, thống kê kho, kiểm định..., nhưng trong đó, giấy tờ quan trọng nhất là vận đơn chuyển cho hãng tàu vận chuyển (bill of lading) phải được các ngân hàng Việt Nam chuyển cho ngân hàng thu hộ bên mua (Italy) thông qua chuyển phát nhanh DHL. Sau đó, ngân hàng bên mua sẽ chuyển tiền lại cho ngân hàng Việt Nam để trả cho các doanh nghiệp bán điều.
Việc các ngân hàng phía Italy thông báo chỉ nhận được bộ chứng từ photocopy, có nghĩa bộ hồ sơ gốc đã thất lạc, bị đánh cắp, hoặc chính ngân hàng Italy “có vấn đề”. Tất nhiên đây chỉ là nhận định chủ quan. Một điều đáng nói là phía người mua hàng có quyền chỉ định bất cứ ngân hàng nào trên thế giới để thực hiện giao dịch. Đây là yếu tố chứa đựng rủi ro khi người bán không phải lúc nào cũng biết rõ về năng lực của ngân hàng mà đối tác chọn.
Trả lời về vai trò của công ty môi giới Kim Hạnh Việt, luật sư Tiến cho rằng, khi thực hiện giao dịch, cả bên mua và bên bán đều ký hợp đồng với công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Cho nên, khi gặp rủi ro, bên môi giới vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Điều này có quy định rõ trong luật về thương mại, môi giới...