| Hotline: 0983.970.780

Bức tranh thị trường chè thế giới, Việt Nam có ghi dấu?

Chủ Nhật 03/11/2024 , 16:08 (GMT+7)

Đổi mới và 'cao cấp hóa' là chìa khóa mở rộng thị trường vì người tiêu dùng đang thay đổi nhu cầu theo hướng chè đặc sản và các sản phẩm chất lượng cao.

Trung Quốc dẫn đầu về sản lượng, Việt Nam đứng thứ 5

Theo số liệu của FAO, sản lượng chè thế giới (chè đen, chè xanh, chè hòa tan và các loại khác) đạt 6,7 triệu tấn năm 2022. Sự tăng trưởng về sản lượng này chủ yếu do Trung Quốc mở rộng sản xuất.

Sản lượng chè của Trung Quốc tăng 5,9% hàng năm, từ 1,92 triệu tấn năm 2013 lên 3,34 triệu tấn năm 2022, do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng và ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng nước này ngày càng cao.

Nguồn: FAO IGG/Ban Thư ký chè.

Nguồn: FAO IGG/Ban Thư ký chè.

Trung Quốc là nước sản xuất chè lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% tổng sản lượng, tiếp theo là Ấn Độ với 20,5% thị phần. Sản lượng chè tại Ấn Độ tăng từ 1,35 triệu tấn vào năm 2021 lên 1,37 triệu tấn năm 2022.

Với sản lượng đạt 214.300 tấn năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về sản xuất chè. Việt Nam nhanh chóng nổi lên trong ngành công nghiệp chè, cả về chè đen và chè xanh. Chè xanh Việt Nam nổi tiếng với hương vị nhẹ và cân bằng, đặc biệt phổ biến. Việt Nam cũng nổi tiếng với các loại chè độc đáo như chè sen và chè nhài, lá chè được ướp hương hoa.

Xuất khẩu tăng trưởng, chè xanh góp phần quan trọng

Xuất khẩu chè thế giới tăng 0,5% hằng năm trong thập kỷ qua, đạt 1,84 triệu tấn vào năm 2022 do sự tăng trưởng mạnh mẽ 2% hằng năm của xuất khẩu chè xanh.

Xuất khẩu chè xanh toàn cầu tăng 1,7% vào năm 2022, do lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc tăng, chiếm hơn 75% lượng chè xanh xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu chè đen tăng 0,9%, nhờ lượng chè xuất khẩu từ Kenya và Ấn Độ tăng. Kenya là nước xuất khẩu chè đen hàng đầu thế giới, theo sau là Sri Lanka và Ấn Độ.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, năm 2023, xuất khẩu chè toàn cầu ​​vẫn trì trệ. Căng thẳng và xung đột địa chính trị, cũng như sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm gián đoạn thương mại quốc tế, dẫn đến việc giảm lượng chè xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu chính. 

Nhu cầu chè đặc sản và cao cấp tăng vọt

Một số yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ chè, gồm giá cả, thu nhập và nhân khẩu học như độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp và nền tảng văn hóa. Hơn nữa, khi người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các lựa chọn đồ uống lành mạnh, tự nhiên, nhu cầu về các loại chè đặc sản và cao cấp đã tăng vọt, tạo ra những cơ hội mới cho thị trường chè.

Với sản lượng đạt 214.300 tấn năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về sản xuất chè. Ảnh: HT.

Với sản lượng đạt 214.300 tấn năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về sản xuất chè. Ảnh: HT.

Trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ chè thế giới tăng hàng năm 3,3%, đạt 6,5 triệu tấn năm 2022. Sự tăng trưởng này là do mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, đáng chú ý là ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế châu Á và mới nổi khác.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ chè lớn nhất, đạt 3 triệu tấn năm 2022, chiếm 46% mức tiêu thụ toàn cầu. Ấn Độ là nước tiêu thụ lớn thứ hai, chiếm gần 18%, với 1,16 triệu tấn, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ với 250.021 tấn, Pakistan với 247.498 tấn và Liên bang Nga với 132.544 tấn.

Suy thoái kinh tế gây áp lực lên giá cả

Giá chè quốc tế, được đo lường bằng chỉ số giá tổng hợp của FAO - một chỉ số trung bình có trọng số cho chè đen, bao gồm các loại chè nghiền, chè xé, chè xoăn (CTC) và chè Orthodox, đã giữ mức ổn định trong suốt thập kỷ qua.

Chỉ số giá chè tổng hợp của FAO đã tăng 14,5%, từ 2,44 USD/kg năm 2021 lên 2,8 USD/kg nhờ nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung thắt chặt hơn từ Sri Lanka.

Sau khi tăng trong năm 2022, năm 2023 giá chè đã giảm 9%, chỉ còn ở mức 2,54 USD/kg, do nguồn cung cao hơn và nhu cầu thấp, cũng như tình trạng khan hiếm chè chất lượng cao. Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu đã gây thêm áp lực lên giá cả, làm giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, dẫn đến tình trạng dư thừa trên thị trường chè.

Các yếu tố khác tác động đến giá chè quốc tế, gồm khả năng tiếp cận thị trường, tác động tiềm tàng của sâu bệnh và thời tiết sản xuất, thay đổi chi phí đầu vào, tỷ giá hối đoái và những thay đổi về cơ cấu thị trường.

Dự báo tương lai

Về sản xuất, các dự báo cho thấy, sản lượng chè đen sẽ tăng hàng năm 1,6%, đạt 4,42 triệu tấn vào năm 2032, phản ánh sự gia tăng ở các quốc gia sản xuất chè chính, trong đó có Sri Lanka.

Sản lượng chè xanh dự kiến ​​tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn là 6,3% hàng năm, đạt 4,25 triệu tấn vào năm 2032, phản ánh sự mở rộng ở Trung Quốc, nơi sản lượng chè xanh dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi, từ 2,06 triệu tấn trong giai đoạn 2020 - 2022 lên 3,98 triệu tấn vào năm 2032, nhờ năng suất tăng thông qua việc trồng lại các giống có năng suất cao hơn và các biện pháp canh tác tốt hơn.

Việt Nam cũng dự kiến​ tăng sản lượng chè xanh với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,5%, bất chấp nhiều khó khăn đang gặp phải, như: Hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng thấp, ảnh hưởng đến giá cả và kim ngạch xuất khẩu.

Về tiêu thụ, tiêu thụ chè đen trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 1,8% hàng năm, đạt 4,06 triệu tấn vào năm 2032. Trong thập kỷ tới, dự kiến ​​sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả nước sản xuất chính ở châu Á và châu Phi, với tốc độ tăng trưởng lần lượt từ 1,9 - 2,8% và từ 1,6 - 3,4%.

Đổi mới và 'cao cấp hóa' là chìa khóa để thúc đẩy mở rộng thị trường chè, vì sở thích và hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi. Ảnh: HT.

Đổi mới và “cao cấp hóa” là chìa khóa để thúc đẩy mở rộng thị trường chè, vì sở thích và hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi. Ảnh: HT.

Trong trung hạn, Ấn Độ dự kiến vẫn là nước tiêu thụ chè đen lớn nhất, duy trì thị phần 32%, tiếp theo là Trung Quốc và Pakistan, lần lượt chiếm 14% và 7%.

Các yếu tố góp phần vào sự gia tăng tiêu thụ chè là thu nhập bình quân đầu người ở các nước sản xuất chè lớn tăng và nhận thức lợi ích sức khỏe liên quan đến chè cũng ngày càng gia tăng.

Về xuất khẩu, xuất khẩu chè đen toàn thế giới dự kiến ​​đạt 1,81 triệu tấn vào năm 2032. Sự gia tăng được dự kiến ​​ở tất cả xuất khẩu chính, trong đó Kenya vẫn giữ vị trí dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,4%, tiếp theo là Ấn Độ và Sri Lanka, với mức tăng trung bình lần lượt là 1,1% và 0,7%. Trong thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ trở thành nước xuất khẩu chè đen lớn thứ hai, vượt qua Sri Lanka.

Xuất khẩu chè xanh dự kiến ​sẽ đạt 574.000 tấn vào năm 2032, chủ yếu do doanh số bán hàng tăng của Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc ​​sẽ tiếp tục thống trị thị trường xuất khẩu, với khối lượng xuất khẩu là 429.919 tấn, chiếm 75% lượng xuất khẩu chè xanh toàn cầu, tiếp theo là Việt Nam với 84.409 tấn, Nhật Bản với 14.320 tấn và Indonesia với 6.244 tấn.

Khi sở thích của người tiêu dùng thay đổi, đổi mới và đa dạng hóa vào các phân khúc thị trường khác như: Chè hữu cơ, chè đặc sản và chè cao cấp là yếu tố then chốt để mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất, chế biến chè và đảm bảo hiệu quả bền vững.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.