| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo 4 huyện nông thôn mới kiểu mẫu ra sao sau 2 năm thí điểm?

Thứ Sáu 01/01/2021 , 09:35 (GMT+7)

Sau 2 năm thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu, 4 huyện triển khai thí điểm đạt được nhiều kết quả rõ nét, song cũng còn nhiều vấn đề cần rà soát lại.

Nam Đàn, Nghệ An định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Nguyên Huân.

Nam Đàn, Nghệ An định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Nguyên Huân.

Kết quả nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 cho thấy, công tác nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM từ cấp thôn, xã cho đến cấp huyện tiếp tục được duy trì, trong đó các huyện đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng gắn với lĩnh vực kiểu mẫu.

Cụ thể, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của huyện Nam Đàn, Nghệ An đã được phê duyệt.

Các hạng mục hạ tầng cấp huyện, cấp xã của huyện Nam Đàn cũng được đầu tư, nâng cấp tương đối đồng bộ, đặc biệt là các di tích gắn liền với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực xã Kim Liên và các xã lân cận.

Hạ tầng thiết chế văn hóa gắn với du lịch như, xây dựng mới Nhà truyền thống huyện, Trung tâm văn hóa, thông tin và truyền thông huyện, nâng cấp sửa chữa sân vận động huyện, xây dựng bể bơi thông minh.

Bên cạnh đó, Bến thuyền vua Mai Hắc Đế và dự án đường lên khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế đã được hoàn thành. Nam Đàn cũng xây dựng một số tuyến đường mẫu, triển khai các hạng mục ở khu di tích Kim Liên, như: sân khấu, ao cá Bác Hồ, vườn hoa cây cảnh,... đồng thời trồng thêm 4.500 cây xanh các loại tại các tuyến đường.

Huyện Hải Hậu, Nam Định đã đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn các xóm, xã và huyện, cơ bản đáp ứng tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh. Đặc biệt, đã hình thành 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện có trồng hoa, cây xanh, có hệ thống điện chiếu sáng bằng cột đúc, đèn led, dây diện ngầm, đây là điểm sáng rất nổi bật của Hải Hậu.

Triển khai đầu tư nâng cấp, cải tạo khu xử lý rác thải tập trung theo hướng thân thiện với môi trường, trồng hàng rào cây xanh xung quanh, lắp đặt các thiết bị xử lý chất thải, khói đốt….

Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp để nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường trục xã, liên xã, đường huyện, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa và hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết quả 76,33% số km kênh mương được kiên cố hóa, trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động.

Cùng với đó huyện Đơn Dương xây dựng nhiều vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện, đáp ứng chỉ tiêu về quy mô tối thiểu đối với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Huyện Xuân Lộc, Đồng Nai chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng đường giao thông, đường trục chính nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn.

Cụ thể, huyện Xuân Lộc đã đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đảm bảo diện tích tối thiểu >50 ha đối với cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày (sầu riêng, chôm chôm, lúa, bắp, tiêu, rau…) và các vùng rau, hoa ở xã Lạc Xuân, Ka Đô, Quảng Lập, Thạnh Mỹ, chăn nuôi bò sữa ở xã Đạ Ròn, Tu Tra. Trong đó, rau 50 ha, hoa 100 ha và bò sữa 10.000 con/năm.

Đến nay, Xuân Lộc đã xây dựng được 15 mã vùng trồng, 100% số xã có quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi, có 227 trang trại chăn nuôi đáp ứng được về quy mô theo quy định.

Đơn Dương, Lâm Đồng xây dựng đề án huyện nông thôn mới gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.

Đơn Dương, Lâm Đồng xây dựng đề án huyện nông thôn mới gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.

Kết quả thực hiện các nội dung của lĩnh vực kiểu mẫu

Dựa trên định hướng theo Bộ tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu, các địa phương đã triển khai, xây dựng được các mô hình, từng bước định hình theo các nội dung kiểu mẫu.

Cụ thể, huyện Nam Đàn đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn, như: mô hình vườn thực nghiệm sinh thái tại xã Nam Giang; mô hình sinh thái, trải nghiệm Nam Nghĩa; trang trại hoa gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Kim Liên; làng nghề tương Nam Đàn, mô hình trang trại sinh thái đập Cửa Ông tại xã Nam Nghĩa… Ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện Nam Đàn; tổ chức liên hoan tiếng hát làng Sen, các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm..., gắn với mô hình trải nghiệm di sản văn hoá phi vật thể của địa phương...

Huyện Hải Hậu đã xây dựng được 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện có bồn hoa, trồng cây bóng mát đồng chủng loại, có hệ thống điện chiếu sáng bằng cột đúc, đèn led, dây diện ngầm, 27 mô hình tuyến đường kiểu mẫu khu trung tâm cấp xã và 133/546 xóm, tổ dân phố hoàn thành xây dựng tuyến đường kiểu mẫu cấp thôn có cây xanh được trồng đồng chủng loại, hoa được trồng trong bồn.

Xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Xạch, Đẹp” từ hộ gia đình cho đến cấp thôn, xã. Cùng với đó là 11 mô hình vườn hoa mẫu, 51 đơn vị cấp xóm triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn,...

Huyện Xuân Lộc đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, bao gồm các sản phẩm trái cây, rau và chăn nuôi. Triển khai thí điểm 6 dự án liên kết sản xuất, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho một số cây trồng chủ lực của huyện, như: hồ tiêu, xoài, chôm chôm, sầu riêng, rau xanh, nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá các khâu...

Huyện Đơn Dương đã có 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, gần 90% diện tích đất sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được 35 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, 30% sản lượng nông sản trên địa bàn huyện được tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh như: doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh: Công ty cổ phần sữa Đà Lạt; Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt; trang trại bò sữa Nguyễn Hữu Tuấn; trang trại hoa Lan YSA Orchid Farm; Công ty TNHH Trường Hoàng và Công ty TNHH Apolo (sản xuất hoa lan Hồ Điệp)... gồm: trồng xoài (09 vùng), trồng thanh long (02 vùng), trồng chôm chôm (04 vùng) trên địa bàn các xã Bảo Hòa, Xuân Hưng, Xuân Định, Xuân Phú, Suối Cao, Xuân Bắc.

Hải Hậu, Nam Định xây dựng đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững. Ảnh: Mai Chiến.

Hải Hậu, Nam Định xây dựng đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững. Ảnh: Mai Chiến.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, các mô hình còn mang tính đơn lẻ, chưa phổ biến, nhân rộng trên quy mô cấp huyện, chất lượng của các mô hình còn hạn chế, thiếu chiều sâu.

Đặc biệt, nhiệm vụ triển khai các Đề án chủ yếu là ở cấp huyện, đặc biệt là 3 huyện Hải Hậu, Xuân Lộc và Đơn Dương sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và các Sở, ngành cấp tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là định hướng, hướng dẫn về chuyên môn gắn với nội dung về kiểu mẫu của các huyện.

Một số định hướng kiểu mẫu chưa được xác định rõ ràng trong các đề án nhằm phát huy các lợi thế, điều kiện nổi trội của địa phương, dẫn đến việc triển khai thực hiện đề án lúng túng và chưa đồng bộ.

Các hoạt động mới tập trung nhiều về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng NTM, nội dung về NTM kiểu mẫu mới chỉ hình thành ở một số mô hình, chưa thể hiện rõ sự nổi trội gắn với quy mô cấp huyện, kết quả chỉ là phép cộng cơ học ở cấp độ xã. Chất lượng các mô hình chưa đi vào chiều sâu, chưa mang tính phổ quát và nhân rộng trên phạm vi cấp huyện.

Vai trò và sự chủ động tham gia của người dân, cộng đồng vào xây dựng NTM kiểu mẫu còn hạn chế, nhận thức và mức độ sẵn sàng tham gia vào xây dựng NTM kiểu mẫu của người dân chưa được thể hiện rõ nét, ảnh hưởng đến sự lan tỏa và tính bền vững của các mô hình.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.