| Hotline: 0983.970.780

Điều bất thường trong một vụ án

Thứ Tư 16/03/2016 , 07:10 (GMT+7)

Trong đơn kháng án ông Cầm “tố ngược” cơ quan điều tra: Dụ cung, mớm cung, sử dụng nguyên lý “bắc cầu” trong việc điều tra để ông Cầm viết tờ trình nhận 3 triệu mà Thoa đưa cho Dương Văn Công rồi Công đưa cho ông Cầm.

Từ ngày 27-29/1, TAND huyện Sa Pa (Lào Cai) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 5 bị cáo: Phạm Tiến Lập - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa; Đinh Ngọc Cầm - nguyên Trưởng phòng NN-PTNT Sa Pa; Trần Tiến Thái - nguyên Phó phòng NN-PTNT Sa Pa; Dương Văn Công và Đặng Thanh Loan - nguyên cán bộ Phòng NN-PTNT Sa Pa với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo bị kết án từ 2 năm 6 tháng tới 5 năm 6 tháng. Khi bản án vừa tuyên, 3 bị cáo Đinh Ngọc Cầm, Trần Tiến Thái và Dương Văn Công đã đồng loạt có đơn gửi các cấp kêu oan. Điều gì bất thường ở đây?

Năm 2010, Báo NNVN có một số bài viết về Trại Thực nghiệm Sa Pa bị lấn chiếm. Phản ánh việc mua bán, chuyển nhượng đất lòng vòng giữa bà Nguyễn Thị Thoa (trú tại Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) với một số hộ dân, dẫn đến việc bà Thoa tổ chức san gạt mặt bằng đổ đất lấn chiếm Trại Thực nghiệm, diện tích lấn chiếm khoảng 3 ha thì nổ ra tranh chấp.

Việc tranh chấp chưa được giải quyết thì ngày 18/2/2013 bà Thoa bị Công an tỉnh Lào Cai khởi tố bắt giam về hành vi lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Mở rộng vụ án Công an Lào Cai tiếp tục khởi tố bắt giam 7 cán bộ huyện Sa Pa trong đó có 5 cán bộ trên liên quan tới việc cấp 36 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), tổng diện tích 18.815m2.

Trong kết luận điều tra số 57/KLĐT(PC46) ngày 14/8/2014 của Công an tỉnh Lào Cai và cáo trạng số 02/KSĐT ngày 27/2/2015 của Viện KSND huyện Sa Pa đã nêu những thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thị Thoa: Lợi dụng lòng tin và mối quan hệ quen biết, Thoa mượn hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân của một số cá nhân để làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng đất đai, làm giấy CNQSDĐ, thế chấp với nhiều ngân hàng để vay vốn, trong đó có một số ngân hàng ở Hà Nội…

Trong đơn kháng án và kêu oan ông Đinh Ngọc Cầm không đồng ý với tội danh theo cáo trạng của VKS và bản án của TAND huyện Sa Pa kết tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Với chức trách của mình, ông Cầm ký xác nhận vào hồ sơ khi đã có chữ ký xác nhận của UBND thị trấn Sa Pa, chữ ký của cán bộ địa chính đã thẩm tra, đo vẽ sơ đồ, khi mà diện tích đó đang được các hộ sử dụng, chưa có quy hoạch chi tiết dự án nào cả và nằm trong khu vực được UBND huyện Sa Pa phê duyệt cấp giấy CNQSDĐ.

Ông Cầm không có chức năng đi kiểm tra từng lô đất của từng hộ gia đình khi UBND thị trấn và cán bộ chuyên môn đã thẩm tra. Việc ông Cầm ký vào 33/36 hồ sơ như đã ký vào hàng trăm hồ sơ đất đai do cán bộ chuyên môn trình lên, ông không hề biết các hồ sơ đất đó liên quan tới Nguyễn Thị Thoa.

Trong đơn kháng án ông Cầm “tố ngược” cơ quan điều tra: Dụ cung, mớm cung, sử dụng nguyên lý “bắc cầu” trong việc điều tra để ông Cầm viết tờ trình nhận 3 triệu mà Thoa đưa cho Dương Văn Công rồi Công đưa cho ông Cầm.

Ông Cầm viết: “Điều tra viên nói là tiền Tết là bình thường, chúng tôi cũng nhận, quan trọng gì, anh cứ nhận thì cũng chẳng sao…”. Tin thế, nên ông Cầm mới nhận và viết tờ trình trong trạng thái bị nhiều áp lực khi đang bị giam. Đến khi đối chất thì Nguyễn Thị Thoa phủ nhận việc đưa tiền cho Dương Văn Công và Dương Văn Công cũng phủ nhận việc đưa tiền cho ông Cầm. Mặc dù vậy, nhưng Cơ quan điều tra, VKS và tòa án vẫn đưa việc ông Cầm nhận 3 triệu từ ông Công để buộc tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đơn kêu oan của ông Trần Tiến Thái gửi Báo NNVN cũng không đồng ý với bản án kết tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là quá oan ức, vì quá trình điều tra, điều tra viên suy đoán theo hướng phải có tội nên đã dụ cung để có những tình tiết liên quan đến lợi ích cá nhân khi thực hiện công vụ nhằm hợp thức hóa tội danh đã khởi tố…”.

Ông Thái Viết tiếp: “Việc tôi ký xác nhận 3 hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ thì tôi chỉ biết là ký cho 3 hộ gia đình có tên trong hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ chứ tôi không hề biết mặt các ông có tên trong 3 hồ sơ này và cũng không biết là các lô đất đó có liên quan gì đến bà Thoa. Các hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ trên đều do cán bộ chuyên môn của bộ phận địa chính trình tôi ký xác nhận. Việc ký xác nhận vào các hồ sơ này là thực hiện trách nhiệm của tôi lúc đó, tôi phải ký không thể khác được (quyền phụ trách phòng) vì trưởng, phó phòng không có chức năng và không thể đi kiểm tra từng lô đất, từng hộ gia đình được mà việc này đã có cấp cơ sở và cán bộ chuyên môn thẩm tra và thực hiện…”.

Trong đơn kêu oan của ông Dương Văn Công cũng “tố ngược” cơ quan điều tra: “Những tình tiết liên quan đến mối quan hệ với bà Thoa là do điều tra viên mớm cung ép tôi phải nhận như vậy, trong phiên tòa huyện Sa Pa các chứng cứ và lời khai nhân chứng khẳng định là không có nhưng chưa được hội đồng xét xử xem xét làm rõ mà tòa chỉ hỏi chứng cứ điều tra viên mớm cung thì tôi không thể đưa ra chứng cứ được vì lúc đó chỉ có tôi và điều tra viên…”.

Mớm cung, dụ cung, ép cung của cơ quan điều tra đã bị 3 bị cáo Đinh Ngọc Cầm, Trần Tiến Thái, Dương Văn Công “tố ngược” trở lại, nhưng không được hội đồng xét xử xem xét.

Việc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” các cơ quan tố tụng trong vụ án này đã dựa vào nhiều chứng cứ không vững chắc để xét xử khiến 3 bị cáo kêu oan, các bị cáo chỉ thừa nhận do thiếu tình thần trách nhiệm khi thi hành công vụ.

Điều bất bình thường thứ hai, các ông nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa đã ký duyệt và ký cấp 36 giấy CNQSDĐ là ông Hoàng Kim Thái ,nguyên chủ tịch ký 13/36 giấy, ông Hầu A Lềnh, nguyên chủ tịch ký 3/36 giấy, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên phó chủ tịch ký 20/36 giấy thì bị bỏ qua. Do “Hết thời hạn điều tra nên ra quyết định tạm đình chỉ điều tra…”. Tòa thì vin cớ: “Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án để tách ra không xử lý trong vụ án này”.

Dư luận đặt câu hỏi: Các ông Hoàng Kim Thái, Hầu A Lềnh, Nguyễn Văn Phúc là những người chịu trách nhiệm cao nhất, có quyền ký duyệt hồ sơ và ký giấy CNQSDĐ thì lại không được đem ra xem xét trong phiên tòa, thì “nửa sự thật có còn là sự thật không”?

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất