| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/07/2022 , 14:57 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 14:57 - 28/07/2022

Điều chỉnh khung giá đất theo hướng nào?

Vì khung giá đất khá bất cập nên nhiều địa phương áp dụng thêm hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, và xuất hiện hàng loạt kiểu giá khác nhau.

Chủ trương bỏ khung giá đất đang trở thành câu chuyện sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Lâu nay, khung giá đất được Chính phủ ban hành 5 năm một lần, để làm cơ sở định giá đất theo mục đích sử dụng và theo khu vực dân cư. Tuy nhiên, dù liên tục điều chỉnh, thì khung giá đất của Chính phủ cũng không thể tương thích với giá thị trường. Ví dụ, khung giá đất tối đa tại đô thị là 162 triệu đồng/m2 thì tại Hà Nội có nơi mỗi mét vuông 1,03 tỷ đồng và tại TP.HCM có nơi mỗi mét vuông 1,1 tỷ đồng.

Vì khung giá đất khá bất cập nên nhiều địa phương áp dụng thêm hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, và xuất hiện hàng loạt kiểu giá khác nhau, thông qua quyết định của Hội đồng thẩm định giá đất. Giá đất để bồi thường giải phóng mặt bằng thì khác, mà giá đất bán chỉ định lại khác. Giá đất để thu thuế của doanh nghiệp thì khác, mà giá đất để cổ phần hóa lại khác. Cho nên, tình trạng lạm dụng quyền lực và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vô cùng phức tạp.

Một nghịch lý thường thấy, người dân luôn đòi giá thị trường khi đền bù giải tỏa, nhưng khi nộp thuế mua bán hoặc chuyển nhượng thì đòi giá quy định theo khung. Tình trạng ấy không chỉ dẫn đến thất thu thuế, mà còn khiến nảy sinh nhiều vụ khiếu nại kéo dài.

Cái quan niệm “miếng đất cắm dùi” đã ăn sâu vào tâm trí người Việt, nên giá đất càng ngày càng nhạy cảm. Quá trình công nghiệp hóa đã dẫn đến nhiều dự án được triển khai vội vàng và nhiều quy hoạch ít tính khả thi. Để phục vụ cho các hoạt động thương mại dịch vụ, diện tích đất canh tác thu hẹp dần, và công tác thu hồi đất cũng không tiến hành đồng bộ với công tác bố trí tái định cư. Rất nhiều quan chức đã ngã ngựa vì đất đai là bài học rất chua xót.

Nếu bỏ khung giá đất, thì quản lý thị trường theo cách nào? Không ai đảm bảo một thị trường đất minh bạch, khi có quá nhiều công ty bất động sản sẵn sàng thực hiện những thương vụ khuất tất và đội ngũ môi giới vừa nghiệp dư vừa bát nháo. Nếu chỉ căn cứ trên các hợp đồng giao dịch, thì những con số bị thao túng sẽ biến thành nợ xấu của ngân hàng.

Thật trớ trêu, khi giá đất tại Việt Nam cứ tăng vùn vụt, mà thu nhập người Việt Nam không hề được cải thiện bao nhiêu. Rất nhiều đại gia nhờ vào các mối quan hệ tinh ranh và mờ ám để nhanh chóng giàu lên từ đất, mà không hề mang lại giá trị gì cho cộng đồng.

Khung giá đất không thể bỏ mà cần được cân nhắc hợp lý hơn, và niêm yết công khai trên từng đơn vị hành chính xã, phường. Tuyệt đối ngăn chặn thông tin nhiễu loạn về giá đất. Quan trọng hơn, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và nghiêm túc, kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án đầu cơ và bỏ hoang đất đai. Đồng thời, mọi giao dịch về đất đai phải hạn chế tiền mặt mà bắt buộc thanh toán qua ngân hàng để tránh chiêu trò gian lận gây thất thu thuế.     

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm