| Hotline: 0983.970.780

Điều tiết lượng dưa hấu lên biên giới

Thứ Hai 31/03/2014 , 10:40 (GMT+7)

Hiện mỗi ngày có khoảng 500 - 700 xe dưa đổ về cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trong khi tiêu thụ chỉ được trên 200 xe.

Vì vậy, cần điều tiết số lượng dưa hấu đưa lên biên giới. Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công thương) cảnh báo.

Giá dưa tại biên giới xuống thấp

Theo Vụ Thương mại biên giới và miền núi, đến ngày 28/3, còn khoảng 1.600 xe hàng hóa các loại chờ XK tại cửa khẩu Tân Thanh, trong đó phần lớn là dưa hấu. Dưa ùn ứ lâu ngày tại đây dưới thời tiết nắng nóng khiến chất lượng giảm sút, trong khi giá dưa loại 1 khi đổ buôn sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.

Nếu như ngày 12/3, giá còn dao động ở mức từ 2,8 đến 3 NDT/kg (tương ứng 9.500 đồng đến 10.000 đồng) thì đến ngày 25/3, giá đã xuống dưới 8.000 đồng/kg. Thống kê từ cửa khẩu Tân Thanh cũng cho biết, mỗi ngày có khoảng 500 – 700 xe dưa mới lên cửa khẩu, trong khi tiêu thụ chỉ được trên 200 xe dưa/ngày.

 Năng lực thông quan của cửa khẩu Tân Thanh cũng chỉ đạt khoảng 300 – 350 xe hàng hóa các loại mỗi ngày và phía Trung Quốc chủ yếu nhận dưa qua cửa khẩu Tân Thanh. Do đó, dù phía Trung Quốc đã phối hợp tốt, kéo dài thời gian thông quan từ 17h mỗi ngày lên 21h - 22h thì lượng dưa ùn ứ vẫn rất lớn. Chưa kể việc lượng dưa XK tăng đột xuất khiến các hàng hóa, nông sản khác cũng gặp khó khăn khi thông quan.

Để phối hợp với tỉnh Lạng Sơn trong công tác xử lý ùn tắc, thông quan hàng hóa thuận lợi, Vụ Thương mại biên giới và miền núi đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Công thương tiếp tục liên hệ, đề nghị Trung Quốc phối hợp tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thông quan và giao dịch.

Theo các địa phương tại miền Trung, vụ thu hoạch dưa hấu tại các tỉnh này sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 4. Như vậy, từ nay đến hết vụ còn khoảng hơn 10 ngày, dự báo khả năng dưa hấu đưa lên cửa khẩu Tân Thanh có thể không còn cao điểm như những ngày qua.

Khuyến khích tiêu thụ nội địa

Cuối tuần qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã cử đoàn công tác liên ngành do Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu làm đầu mối sang Trung Quốc để bàn với bạn việc tăng thêm diện tích bãi giao dịch hàng hóa và cho thông quan dưa hấu qua các cửa khẩu khác ngoài cửa khẩu Tân Thanh. Đồng thời, với địa bàn Lạng Sơn, tỉnh giao lực lượng cảnh sát phân luồng xe hàng hóa lên cửa khẩu. Hàng hóa khác được phân luồng đi lên cửa khẩu Cốc Nam còn dưa hấu được phân luồng đi lên cửa khẩu Tân Thanh.

Một trong những biện pháp giảm thiểu việc ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh, theo đề xuất của Bộ Công thương, là khuyến khích tiêu thụ dưa hấu tại thị trường nội địa. Theo đó, Vụ Thương mại biên giới và miền núi đã có văn bản gửi các địa phương có vùng trồng dưa cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền đối với việc tiêu thụ dưa hấu cho nông dân và thương nhân.

“Với hơn 90 triệu dân, thị trường nội địa hoàn toàn được coi là thị trường có tiềm năng trong tiêu thụ nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng nếu chúng ta biết kích cầu trong nước”, ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi, cho hay.

Ngoài ra, Vụ Thương mại biên giới và miền núi đã có công điện khẩn của Ban chỉ đạo thương mại Biên giới gửi UBND tỉnh Lạng Sơn và Sở Công thương các tỉnh có vùng trồng dưa hấu thông báo tình hình và đề nghị có biện pháp điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, nhằm giảm bớt sự ùn tắc.

Trong một động thái khác, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng có công văn gửi các tỉnh có nguồn hàng, đề nghị thông tin cho các DN, thương nhân tình hình ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu, khuyến cáo các DN giảm bớt việc đưa dưa hấu lên cửa khẩu Tân Thanh, tăng cường tiêu thụ nội địa, đa dạng hóa cửa khẩu và thị trường XK. 

Để tránh tình trạng ùn tắc với rớt giá đối với mặt hàng dưa hấu như năm nay, Vụ Thương mại biên giới và miền núi cho rằng, cần nghiên cứu tổng thể về quy hoạch trồng trọt, sản lượng, chất lượng, bảo quản, chính sách phát triển và quản lý, lưu thông phân phối, thương nhân XK, thương nhân NK, thị trường tiêu thụ... để về lâu dài có thể chủ động và hiệu quả trong XK và tiêu thụ, hạn chế việc kinh doanh tự phát, dễ gây ùn tắc tại cửa khẩu và thiệt hại về kinh tế như hiện nay.

Dựng lều bán dưa tại Hà Nội

Thông tin xe chở dưa hấu xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ, dưa bị hỏng, nguy cơ thương lái ép giá được các phương tiện truyền thông đưa tin khiến chủ trồng dưa và thương lái ở các tỉnh phía Nam như ngồi trên đống lửa. Vì vậy, một số chủ xe thay vì vận chuyển dưa hấu sang Trung Quốc đã tìm cách bán ngay tại Hà Nội.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày gần đây trên tuyến đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội) mọc lên hàng chục điểm bán dưa hấu di động bên vỉa hè. Họ dựng lều bạt, chăn mùng, chuẩn bị thức ăn nước uống, ngủ nghỉ tại chỗ để bán dưa cả ngày lẫn đêm.

Anh Phan Văn Trọng (28 tuổi), người bán dưa hấu trên đường Khuất Duy Tiến cho biết: Anh bán dưa hấu ở đây được gần 2 tuần nay, dưa hấu được các chủ hàng chở từ Bình Định, Quảng Ngãi ra, bán mỗi ngày 1 tấn, giá 10.000 đồng/kg.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.