| Hotline: 0983.970.780

Định hướng cách "đi" cho cây chuối ở Hà Nội

Thứ Năm 29/12/2022 , 10:48 (GMT+7)

Theo bà Hoàng Thị Hòa-Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội người dân không chỉ cần hỗ trợ mà quan trọng hơn là định hướng về một cách "đi" cho cây chuối…

Những gì đạt được và hạn chế

Chuối có thể nói là loại cây không bỏ phí đi bất kỳ bộ phận nào, hữu dụng từ thân, lá đến hoa, quả. Tại Hà Nội, chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực (bưởi, chuối, nhãn, cam) và đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ...

Theo số liệu niên giám thống kê năm 2019, diện tích trồng chuối của Thủ đô là 3.294 ha, đứng thứ 2 sau cây bưởi, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, sản lượng đạt 74.195 tấn, tiềm năng hiệu quả kinh tế đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha, trong đó chủ lực có 2 giống gồm chuối tây và chuối tiêu.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, phát triển cây ăn quả nói chung, cây chuối nói riêng hiện nay đã và đang bộc lộ khá rõ những hạn chế của quá trình phát triển mang tính không đồng bộ, số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều, khối lượng quả đạt các tiêu chuẩn còn ít đã ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ hợp đồng xuất khẩu. Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập; liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo; vai trò doanh nghiệp trong chuỗi giá trị còn mờ nhạt; cơ sở chế biến, bảo quản chưa đáp ứng được về quy mô, công nghệ; việc xây dựng thương hiệu nhãn mác, chỉ dẫn địa lý chưa được quan tâm đúng mức.

Empty

Chuối là cây trồng tiềm năng ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Để phát huy tiềm năng lợi thế trong sản xuất và khắc phục những khó khăn vướng mắc trên UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 5472/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội là đơn vị được giao trực tiếp triển khai kế hoạch này. Năm 2022, đơn vị đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức đào tạo chuyên sâu cho 30 cán bộ, nông dân về quản lý, trồng, chăm sóc, ứng dụng công nghệ cao, sơ chế, bảo quản xúc tiến thương mại, nhận diện nhãn hiệu, thương hiệu, cách quản lý, xây dựng chuỗi giá trị. Tập huấn 10 lớp cho 300 lượt cán bộ, nông dân thuộc các xã Phú Phương - huyện Ba Vì; Vân Nam – huyện Phúc Thọ; Nam Sơn – huyện Sóc Sơn; Văn Khê, Hoàng Kim - huyện Mê Linh về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chuối.

Triển khai hỗ trợ trồng mới 42 ha chuối mô hình, hỗ trợ 50% kinh phí mua cây giống, 50% vật tư phân bón, thuốc BVTV, túi bao buồng và mô hình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện tại xã Văn Khê - huyện Mê Linh (20ha); Phú Phương – huyện Ba Vì (29ha); Vân Nam - huyện Phúc Thọ (3ha) với giống chuối tiêu hồng và tiêu Nam Mỹ. Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu các hộ nông dân thực hiện ghi chép nhật ký đầy đủ theo quy định của VietGAP, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Đơn vị đã hỗ trợ 50% kinh phí mua vật tư, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 25 ha tại xã Văn Khê - huyện Mê Linh (18ha); Phú Phương – huyện Ba Vì (7ha); Vân Nam - huyện Phúc Thọ (1ha). Nhờ đó, cây trồng xong được tưới ngay và tưới đều nên không có hiện tượng thiếu nước sau trồng bị chết; phát huy được công năng tối đa, giảm hẳn chi phí về công lao động, tiết kiệm nước và tăng hiệu quả kinh tế.

Empty

Trao đổi kỹ thuật tại vườn. Ảnh: Tư liệu.

Để nâng cao năng suất, chất lượng Trung tâm đã thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật sản xuất chuối với diện tích 10 ha tại Xã Phú Phương - huyện Ba Vì. Theo đó ứng dụng đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao buồng chuối, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học (chích thuốc vào bắp chuối khi mới trổ), lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động, hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn EGAP. Việc ứng dụng đồng bộ tất cả các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất chuối đã giảm chi phí nhân công một cách rõ rệt, năng suất chuối tăng từ 10 – 15% so với sản xuất thông thường, đặc biệt là sản phẩm có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nâng cao đáng kể giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế là công tác kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn chưa đảm bảo với nhu cầu của sản xuất. Sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán của các điểm còn lúng túng chưa kịp thời nhất là phần hồ sơ đối ứng giống, vật tư phân bón, vật tư trang thiết bị tưới…

Bước đầu đơn vị phối hợp với Công ty UNIFARM (Bình Dương) chuyển giao công nghệ bảo quản, ủ và tiêu thụ chuối và đưa vào các siêu thị trên địa bàn mỗi ngày 3 – 4 tấn hàng để tiêu thụ.

Empty

Bao buồng để đảm bảo hình thức quả. Ảnh: Tư liệu.

Các việc cần phải làm ngay

Trong năm 2023 mục tiêu của Trung tâm là hỗ trợ trồng mới 45 ha, quy mô 5 ha trở lên/điểm; hỗ trợ hệ thống tưới nước cho 25ha. Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá trị sản phẩm tăng hơn so với sản xuất truyền thống từ 10- 15% trên diện tích 10 ha, quy mô 5 ha trở lên/điểm. Hỗ trợ thí điểm sử dụng 1 hệ thống ròng rọc để vận chuyển nhằm giảm công lao động cho người sản xuất, giảm xây sát, trầy xước chuối, bảo đảm mã quả chuối phù hợp với mục tiêu xuất khẩu. Hỗ trợ khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối, trong đó sử dụng chế phẩm sát khuẩn bằng nước Ozon, dung dịch sát khuẩn Anolyte...; Bảo quản chuối bằng kho lạnh có điều khiển nhiệt độ, ẩm độ tự động.

Theo bà Hoàng Thị Hòa-Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thành phố đang phát triển vùng sản xuất chuối có quy mô lớn như: Ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh có tổng diện tích hơn 200 ha, trong đó có một HTX mới thành lập của hơn 10 thành viên. Ở xã Phú Phương, huyện Ba Vì diện tích hơn 60 ha, bản thân người đứng đầu ở đây vốn là doanh nghiệp tiêu thụ chuối sang Trung Quốc, sau đó đứng lên thành lập HTX với mục đích vừa nội tiêu vừa xuất khẩu. Ở xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, đơn vị hỗ trợ đầu tư kho lạnh dấm chuối, sơ chế, đóng gói, cấp mã QRcode để khi xuất ra truy xuất được vùng trồng, quy trình canh tác. Nếu như trước đây Trung tâm chỉ có hỗ trợ sản xuất đơn thuần thì nay hỗ trợ theo hướng chuỗi giá trị.

Empty

Hướng dẫn cách trồng chuối. Ảnh: Tư liệu.

Hơn cả sự hỗ trợ, xưa nông dân phát triển chuối tự phát, giờ đã có định hướng, cách đi sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, trước tiên tiêu thụ nội tiêu đạt hiệu quả, sau đó hướng tới xuất khẩu một cách bền vững. Việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường kể cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch. Hàng rào kỹ thuật này vốn là bước khó khăn mà trước đây còn là vấn đề hạn chế của hầu hết các vùng trồng chuối trên địa bàn. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối sẽ càng được nâng cao.

Đang phối hợp với Công ty UNIFARM (Bình Dương) để có thể xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, bản thân doanh nghiệp này đang đưa hàng vào chuỗi siêu thị Aeon, Trạm Thực nghiệm Cây trồng có cơ sở dấm chuối đạt tiêu chuẩn. Làm cây ăn quả phải có lộ trình thực hiện.

Để đảm bảo cho khâu tiêu thụ sản phẩm chuối một cách bền vững, thứ nhất là hướng khai thác sản phẩm quả chuối tươi bán nội tiêu, xuất khẩu; thứ hai là khai thác sản phẩm chuối sấy cả quả, chuối cắt lát sấy bán nội tiêu, xuất khẩu; thứ ba là tận dụng thân chuối để kéo sợi dệt túi, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, tàu lá bán cho các cửa hàng đóng gói nông sản đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường; Cuối cùng là thân cây chuối nếu không dùng đến thì đem ủ với chế phẩm vi sinh thành phân bón cho cây trồng. Nếu biết cách phối hợp với các doanh nghiệp để làm ra những sản phẩm phụ từ cây chuối nhưng có thể đạt được hiệu quả ngang sản phẩm chính là quả chuối, tuy nhiên tiềm năng rất lớn này chưa được khai thác ở mức xứng tầm.  

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.