Dự thảo này đã làm dấy lên một làn sóng trong dư luận xã hội về những quy định của nó.
Cụ thể là trong các tiêu chí mà dự thảo đưa ra , phần lớn tiêu chí gắn với mức độ phát triển về kinh tế của đô thị như quy hoạch, quản lý đô thị, dịch vụ đô thị thiết yếu, giao thông đô thị, môi trường đô thị, an toàn thực phẩm đô thị, thông tin đô thị.
Ơ hay, điều cốt lõi của văn minh là văn hóa. Một đô thị được coi là văn minh chỉ khi các cư dân của nó có lối sống, cách ứng xử có văn hóa, đô thị đó tồn tại dựa trên một nền tảng văn hóa vững chắc, được xây dựng, bồi đắp qua nhiều đời.
Các cư dân của đô thị đó có tinh thần thượng tôn pháp luật, đối xử với nhau bằng sự hòa thuận, tương ái tương thân, xa lánh những tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy… chứ sao lại chỉ coi việc có nhiều nhà nhiều tầng, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, nhiều khu vui chơi giải trí, nhiều cửa hàng, nhiều đường to… là đô thị văn minh.
Giả sử một khu phố có đủ những thứ đó nhưng con người đối với nhau hết sức vô cảm, vô tình, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, ra đường hễ va chạm giao thông là cãi nhau đánh nhau, tối đến gái điếm đứng vẫy khách đầy đường, trong phố thường xuyên có nạn cờ bạc, ma túy… thì có thể gọi đó là “Đô thị văn minh” được không?
Lại nữa, một trong những tiêu chí để được coi là “Đô thị văn minh” là phải có từ 90- 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Việc này khiến người ta liên hệ đến danh hiệu “Học sinh tiên tiến” hiện nay.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, việc được nhận danh hiệu đó là vô cùng hiếm hoi. Một trường, thậm chí một huyện chỉ có vài ba em được công nhận là “Học sinh tiên tiến”. Đó là những học sinh chăm ngoan, từ thành tích học tập đến rất nhiều mặt khác đều nổi bật. Việc xét duyệt danh hiệu đó hết sức khắt khe.
Và danh hiệu “Học sinh tiên tiến” mang ý nghĩa tôn vinh thật sự. Nhưng rồi cùng với “bệnh thành tích” càng ngày càng trầm trọng trong ngành giáo dục, danh hiệu “Học sinh tiên tiến” trở thành phổ biến. Học sinh toàn trường được nhận danh hiệu đó, chỉ trừ một vài học sinh cực kỳ cá biệt. Danh hiệu “Gia đình văn hóa” cũng thế, cũng trở thành phổ biến trong xã hội.
Rất nhiều gia đình có con nghiện hút, chồng cờ bạc, vợ điếm đàng, gia đình lục đục, đánh nhau chửi nhau như mổ bò… nhưng cuối năm vẫn được nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Nhận xong, chủ nhà quẳng vào một xó mà chẳng thèm quan tâm. Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tính hình thức của danh hiệu này, và yêu cầu bỏ nó đi…
Nếu không gắn với thực chất, thì danh hiệu “Đô thị văn minh” rồi cũng sẽ trở nên hình thức như danh hiệu “Gia đình văn hóa” vậy.