| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp bán giống nhiễm khảm lá sắn cho người dân

Thứ Bảy 24/07/2021 , 07:24 (GMT+7)

Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy đưa giống KM 94 nhiễm khảm lá sắn bán cho người dân Thừa Thiên - Huế nhưng chưa chốt phương án bồi thường.

Bán giống nhiễm khảm lá sắn cho người dân

Niên vụ 2019-2020, dịch khảm lá sắn tấn công, một số hộ dân tại vùng dịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế  được khuyến cáo đã cho đất nghỉ để tiêu diệt nguồn bệnh. Ảnh: VD.

Niên vụ 2019-2020, dịch khảm lá sắn tấn công, một số hộ dân tại vùng dịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế  được khuyến cáo đã cho đất nghỉ để tiêu diệt nguồn bệnh. Ảnh: VD.

Theo kế hoạch, niên vụ 2020 -2021, tỉnh Thừa Thiên – Huế trồng 3,6 nghìn ha sắn. Do nguồn cung trên địa bàn thiếu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Thừa Thiên - Huế liên hệ với Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy), có địa chỉ tại 103 Hùng Vương, khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh để tìm kiếm nguồn giống sắn.

Bài liên quan

Sau đó, Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn đề nghị các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch mua giống sắn KM 95 để đăng ký mua tại Công ty Hoàng Huy. Chi cục TT&BVTV cũng yêu cầu đơn vị cung ứng phải đảm bảo cung cấp giống đạt tiêu chuẩn sạch bệnh khám lá sắn trước khi đưa về địa phương.

Thế nhưng, khi người dân đăng ký và đến nhận sắn giống thì Công ty Hoàng Huy lại cung cấp giống KM 94. Số sắn giống này ngay sau khi trồng được 10-15 ngày đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn. 

Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho hay, chỉ sau 15 ngày trồng, sắn trên địa bàn đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn và lây lan với tốc độ nhanh. Toàn xã có 217 ha sắn thì hiện đã có trên 170 ha nhiễm khảm lá sắn. Trong đó có 116 ha nhiễm bệnh với tỷ lệ trên 70%; trên 54 ha nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 30-70%...

Sắn KM 94 mua giống từ Công ty Hoàng Huy bị nhiễm khảm lá sắn với tỷ lệ, mức độ cao. Ảnh: VD.

Sắn KM 94 mua giống từ Công ty Hoàng Huy bị nhiễm khảm lá sắn với tỷ lệ, mức độ cao. Ảnh: VD.

Điều đáng nói, 100% diện tích sắn trồng từ nguồn giống do Công ty Hoàng Huy cung ứng trên địa bàn xã Phong Hiền đều nhiễm bệnh với tỷ lệ trên 70%. Số ít còn lại người dân mua nguồn giống trôi nổi hoặc tự để giống từ mùa trước nhưng cũng chỉ nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ.

“Năm trước, khảm lá sắn xuất hiện khi cây đã cao tầm 20 cm nhưng năm nay vừa trồng đã bị bệnh. Đây là thời kỳ bọ phấn (trung gian lây bệnh chưa xuất hiện – PV) nên có thể khẳng định, nguồn giống đã nhiễm bệnh ngay từ đầu. Hiện nay, Chi cục TT & BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế đã về lấy mẫu giám định nhưng chúng tôi chưa được thông báo kết quả” – ông Hợp cho hay.

Cũng theo ông Hợp, khi đoàn kiểm tra của Chi cục TT&BVTV đến kiểm tra thực trạng nhiễm khảm lá sắn thì phát hiện 1 hộ chở sắn giống từ Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên – Huế (thuộc Công ty Hoàng Huy) đi ra. Số sắn này dù mới ra một vài lá cũng đã xuất hiện khảm lá sắn. Chính vì thế, việc người dân cho rằng giống nhiễm khảm lá sắn là có cơ sở.

Mua với giá “cắt cổ” còn rước vạ vào thân

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết, sau khi bệnh khảm lá sắn xuất hiện, ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Thưà Thiên - Huế, chính quyền địa phương các cấp yêu cầu người dân nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ diện tích nhiễm bệnh trên 70% và những cây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người dân vẫn để vậy chăm sóc vì cho rằng, sắn có thể phát triển, năng suất kém hơn nhưng hi vọng không hoàn toàn thất thu.

Sắn bị nhiễm bệnh từ lúc mới trồng được 10-15 ngày. Ảnh: VD.

Sắn bị nhiễm bệnh từ lúc mới trồng được 10-15 ngày. Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Phong Hiền cho rằng, khó đánh giá được nguồn giống mà Công ty Hoàng Huy cung cấp cho người dân là đắt hay rẻ. Song ông Hợp đã đưa ra một phép so sánh, sắn KM 94 mua từ Công ty Hoàng Huy, mỗi cây cắt được 4-5 hom với giá 18 nghìn đồng/bó. Nếu dùng nguồn giống này, mỗi sào (500 m2) nông dân cần 8-10 bó giống, tương đương với số tiền giống 144 - 180 nghìn đồng/sào.

Số sắn giống này sau khi trồng gần như 100% đều nhiễm bệnh và nhiễm ở mức độ cao.

Trong khi đó, người dân đi mua giống tại các địa phương khác về trồng, tuy giá mỗi bó là 20 nghìn đồng nhưng mỗi cây giống có thể chia ra 10-12 hom giống. Với nguồn giống dân tự mua, chỉ cần 5 bó đã trồng đủ 1 sào, giảm được rất nhiều chi phí trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh lại thấp hơn hẳn.

Đại diện UBND xã Phong Hiền cũng cho biết, UBND huyện Phong Điền hỗ trợ nông dân 9 nghìn đồng/bó (50% giá giống) nhưng hiện công ty vẫn đang thu đủ 18 nghìn đồng/bó. Trước tình hình này, UBND xã Phong Hiền đã lên làm việc với đại diện Công ty Hoàng Huy, đề nghị trả lại 9 nghìn đồng/bó do UBND huyện Phong Điền hỗ trợ nhưng công ty không chịu.

Nhưng người dân không chịu nhổ bỏ, tiêu hủy theo quy định. Ảnh: VD.

Nhưng người dân không chịu nhổ bỏ, tiêu hủy theo quy định. Ảnh: VD.

“Trước niên vụ sắn 2020-2021, chúng tôi được khuyến cáo là cho đất nghỉ 1 năm để tiêu diệt nguồn lây khảm lá sắn. Tuy nhiên, huyện hỗ trợ, công ty đưa sắn giống về nên người dân vẫn trồng. Hiện nay, người dân không chấp hành quy định nhổ bỏ diện tích sắn nhiễm bệnh. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đền bù thiệt hại rõ ràng cho người dân” – ông Hợp cho biết.

Đại diện Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, niên vụ 2020-2021, Công ty Hoàng Huy cung cấp cho người dân Thừa Thiên – Huế lượng sắn giống đủ trồng 500 ha. Điều đó có nghĩa, sẽ có 50 nghìn bó sắn giống được cung ứng đến tay người dân (tương đương 900 triệu đồng).

Đến thời điểm này, Chi cục TT&BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa thống kê được, trong số 500 ha này có bao nhiêu ha nhiễm khảm lá sắn.

Còn theo báo cáo ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện trên diện tích 1 nghìn ha, trên các giống sắn KM94, KM140, tại các huyện Phong Điền (trên 588 ha), thị xã Hương Trà trên (405 ha), huyện A Lưới 10 ha. Trong đó có 668 ha nhiễm mức độ trên 70%, nhiễm 30-70% là 319 ha...

NNVN sẽ đề cập rõ hơn vấn đề này trong các số báo tiếp theo. Mời bạn đọc quan tâm theo dõi.

Đến thời điểm cuối tháng 7/2021, tức là nửa năm sau khi bệnh khảm lá sắn xuất hiện, các địa phương vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng. Mặc dù Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu các địa phương vận động nhân dân tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh nhưng diện tích tiêu hủy hiện nay vẫn không đáng kể. Chính quyền các địa phương, ngành chức năng và Công ty Hoàng Huy vẫn chưa ngồi lại với nhau để thống nhất phương án xử lý hậu quả gây ra.

    Tags:
Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất