Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, trong vòng 3 năm gần đây, bệnh khảm lá sắn liên tục gây hại hầu hết vùng trồng sắn ở các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh. Tính đến ngày 23/6, bệnh khảm lá sắn gây hại với diện tích nhiễm trên 1.000ha , tập trung nhiều nhất tại các huyện An Khê, Ia Pa, Krông Pa. Theo đánh giá, bệnh khảm lá sắn rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và rất khó phòng trừ.
Được biết, đây là thời điểm sắn đang tích lũy tinh bột nên bệnh sẽ gây giảm lượng tinh bột trong củ sắn, giảm giá thành, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bà con nông dân.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng hơn 20.000ha trồng sắn, hiện chúng tôi đang chờ báo cáo bệnh khảm lá sắn của các xã gửi về. Tuy nhiên, theo thông tin sơ bộ được biết, diện tích sắn trên tất cả các xã đều bị bệnh khảm lá và có nguy cơ lan rộng. Riêng xã Chư Ngọc có hơn 1.300 ha trồng sắn có đến 50% bị bệnh khảm lá.
Theo ông Duyên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh khảm lá sắn là do người dân vẫn lấy những giống cũ về trồng. Ông Duyên cũng cho biết, để khắc phục bệnh khảm lá người dân nên chuyển đổi cây trồng khác một thời gian rồi mới quay lại trồng sắn. Thay vì chọn những giống cũ, người dân nên chọn giống KM94 kháng bệnh khảm lá rất hiệu quả.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn, không để lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất của người dân.
Cụ thể, nếu có bọ phấn trắng trên cây sắn cần khoanh vùng phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh, hạn chế lây lan nguồn bệnh đối với diện tích sắn trái vụ. Đối với diện sắn chính vụ cần phun thuốc trừ bọ phấn trắng trước khi nhổ bỏ, thu gom, tiêu hủy toàn bộ cây sắn trên ruộng đối với diện tích nhiễm nặng.
Các địa phương cần khuyến cáo người dân không mua giống sắn HL-S11, kiểm tra nguồn gốc giống, đảm bảo không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sắn bị nhiễm bệnh nặng sang trồng các loại cây trồng khác ít nhất là 1 năm để cắt đứt nguồn bệnh mới trồng sắn trở lại.
Tại Kon Tum, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn cũng đang tăng nhanh khiến ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chăn.
Tính đến ngày 7/7, toàn tỉnh đã có 363ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, TP. Kon Tum là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh nhiều nhất với trên 315ha. Số còn lại xảy ra ở các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy. Trong đó, bệnh chủ yếu gây hại trên diện tích sắn trái vụ (trồng vào tháng 9/2020, thu hoạch vào tháng 9/2021).
Ông Đoàn Năng Rường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, những năm trước, bệnh khảm lá sắn chỉ xuất hiện trên diện tích nhỏ, không bùng phát như hiện nay.
Về nguyên nhân, do các hộ dân sử dụng hom giống sắn mua trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc tự để giống nhưng đã nhiễm bệnh khảm lá để trồng. Ngoài ra, do thời tiết năm nay có diễn biến bất thường, trong tháng 6 có những đợt nắng hạn kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọ phấn trắng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho virus gây bệnh khảm lá truyền từ cây bệnh sang cây khỏe mạnh hơn.
Cùng với đó, nhiều hộ dân có diện tích sắn nhiễm bệnh chưa chủ động thực hiện việc phun thuốc trừ bọ phấn trắng, nhổ bỏ, thu gom, tiêu hủy cây bị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Về hướng khắc phục, ông Rường cho biết, đối với diện tích sắn trái vụ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cần khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng, hạn chế lây lan nguồn bệnh. Đồng thời, người dân cần thu hoạch sớm để tận thu củ và tiêu hủy toàn bộ tàn dư cây nhiễm bệnh.
Đối với diện tích sắn chính vụ, cần phun thuốc trừ bọ phấn trắng trước khi nhổ bỏ, tiêu hủy các diện tích nhiễm nặng và các cây thuộc diện tích nhiễm nhẹ - trung bình. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích sắn nhiễm bệnh, không sử dụng lại giống cây đã nhiễm bệnh cho vụ sau.