| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan bệnh khảm lá sắn

Thứ Ba 27/04/2021 , 07:48 (GMT+7)

Hiện cây sắn tại "thủ phủ" sắn Gia Lai đang sinh trưởng, phát triển tốt. Song, Cục BVTV khuyến cáo không chủ quan trước nguy cơ bệnh khảm lá sắn.

Bệnh khảm lá virus hại sắn phức tạp.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Gia Lai, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 78.880 ha sắn, tăng hơn 15.000 ha so với năm 2015. Đây là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu lớn nhất nước, chiếm trên 15% diện tích sắn cả nước, sản lượng sắn nguyên liệu năm 2020 đạt gần 1,6 triệu tấn.

Cơ cấu giống sắn chủ yếu gồm các giống KM 94, KM 419, KM 140, KM 98-5. Đây là các giống đang bị nhiễm bệnh khảm lá do virus, bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng. Việc thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng cánh đồng sắn lớn chưa được quan tâm.

Gia Lai hiện có diện tích sắn lớn nhất nước, nhưng phương thức canh tác chủ yếu chỉ tập trung bóc lột đất. Ảnh: AT.

Gia Lai hiện có diện tích sắn lớn nhất nước, nhưng phương thức canh tác chủ yếu chỉ tập trung bóc lột đất. Ảnh: AT.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Gia Lai, hiện nay phần lớn nông dân đều sử dụng phương thức canh tác quảng canh, không bổ sung dinh dưỡng sau mỗi vụ thu hoạch mà chủ yếu tập trung khai thác và bóc lột dinh dưỡng có trong đất. Trong khi đó, phần lớn diện tích sắn đều trồng trên đất dốc, người dân chưa quan tâm đến biện pháp che phủ khiến đất bị rửa trôi, bạc màu, thoái hóa…

Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn còn thiếu tính bền vững; hiệu quả trồng sắn còn thấp. Theo tính toán, chi phí đầu tư cho 1 ha sắn từ 20 - 25 triệu đồng, với giá mua bình quân năm 2020 khoảng 2.500 đồng/kg, năng suất sắn bình quân khoảng 20,2 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha.

Đối với bệnh khảm lá virus hại sắn, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Gia Lai, loại bệnh này được phát hiện từ tháng 9/2018, với diện tích nhiễm 141,196 ha. Năm 2019, mặc dù từ đầu năm ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Tuy nhiên, bệnh đã lây lan nhanh, tập trung ở các huyện, thị xã phía đông và đông nam của tỉnh, với diện tích nhiễm 4.224 ha.

Năm 2020, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp của tỉnh đã cử cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn, bám địa bàn, tổ chức thường xuyên việc điều tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại, ra thông báo định kỳ hàng tuần, hàng tháng.

Bên cạnh đó, đã ban hành 18 văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người trồng sắn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ. Các địa phương trồng sắn đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập huấn cho nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn.

Sắn là loại cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Ảnh: MP.

Sắn là loại cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Ảnh: MP.

Qua đó, nhiều hộ dân trồng sắn đã ý thức trong việc thường xuyên thăm đồng, phát hiện và kịp thời tiêu hủy số cây sắn bị nhiễm bệnh nặng trên đồng ruộng. Nhờ vậy, diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá toàn tỉnh giảm xuống còn 1.821 ha. Năm 2021, hiện nay sắn đang giai đoạn phát triển thân lá, bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích bị nhiễm bệnh đến thời điểm này là 367 ha.

Nguy cơ lây lan nhanh

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Gia Lai, hiện nay bệnh khảm lá sắn nhiễm nặng ở các giống HL-S11, KM 419; giống KM 98-5, KM 140 nhiễm bệnh ở mức độ trung bình, giống sắn KM 94 nhiễm nhẹ.

Mặc dù tỉnh Gia Lai đã có nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Song, thực tế bệnh khảm lá virus hại sắn đang có nguy cơ lây lan nhanh ra diện rộng nếu không có giải pháp khống chế, ngăn chặn, phòng chống kịp thời ngay từ đầu vụ.

Để hạn chế bệnh khảm lá sắn lây lan, ngành nông nghiệp Gia Lai đã đề nhiều giải pháp phòng chống trong thời gian tới. Theo đó, khẩn trương thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh các cấp để chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo nông dân, người sản xuất khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để.

Đối với những vùng bị bệnh nặng, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất trong 1 vụ. 

Hiện nay cây sắn tại Gia Lai đang sinh trưởng, phát triển tốt, song không được chủ quan với bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Anh Tuấn.

Hiện nay cây sắn tại Gia Lai đang sinh trưởng, phát triển tốt, song không được chủ quan với bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Anh Tuấn.

Song song đó, tổ chức điều tra, rà soát kỹ diện tích sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống; nghiêm cấm việc mua, bán, trồng giống sắn HL-S11 ở các vụ sau...

Về lâu dài, do bệnh khảm lá virus hại sắn hiện nay chưa có thuốc đặc trị, biện pháp phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao, cần áp dụng biện pháp trừ bệnh theo hướng phòng trừ tổng hợp.

Theo đó, ngành nông nghiệp Gia Lai đề ra mỗi vùng sản xuất nguyên liệu sắn của các nhà máy phải có vườn sản xuất nhân giống sạch bệnh 3 cấp, có khả năng cung cấp đủ nhu cầu giống sạch bệnh. Việc sử dụng nguồn giống tại chỗ ở địa phương phải có nguồn gốc rõ ràng, chưa bị nhiễm bệnh; hạn chế việc trao đổi, mua bán giống không rõ nguồn gốc.

Tập trung phát triển sắn tại các vùng có điều kiện đất đai phù hợp, gần nhà máy chế biến tinh bột sắn có khả năng cung cấp nước tưới, thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phòng trừ sâu, bệnh hại sắn.

Tổ chức tập huấn cho nông dân về quy trình kỹ thuật thâm canh sắn bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại bệnh hại nguy hiểm trên cây sắn, nhất là đối với bệnh khảm lá virus hại sắn, bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu giống và kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng tinh bột sắn. Tổ chức vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy nguồn bệnh sau mỗi vụ thu hoạch…

Giống sắn HN3 (phía bên phải) trồng tại Tây Ninh đã chứng minh được khả năng kháng bệnh khảm lá sắn (so với đối chứng ở bên trái). Ảnh: TL. 

Giống sắn HN3 (phía bên phải) trồng tại Tây Ninh đã chứng minh được khả năng kháng bệnh khảm lá sắn (so với đối chứng ở bên trái). Ảnh: TL. 

Tại hội nghị Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021 do Sở NN-PTNT Gia Lai và Cục BVTV tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện bệnh này rất nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng sắn. Do đó từ trung ương đến địa phương đều rất nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh.

“Hiện chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, giống sạch bệnh và kiểm soát quá trình vận chuyển giống là giải pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn”, ông Lê Quý Dương nói.

Cục BVTV đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình áp dụng giống sắn kháng bệnh khảm lá khi Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng; xây dựng phương án, kế hoạch nhân giống kháng nhanh để đưa vào sản xuất (đảm bảo phối hợp, tận dụng hết các nguồn lực sẵn có ở các viện, trung tâm nghiên cứu và địa phương).

Ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Gia Lai cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân và có sự vào cuộc của hệ thống chính trị để công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn đạt hiệu quả cao.

Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ: Để phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn tại Gia Lai, giải pháp trước mắt cần phải nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá sắn thay thế dần các giống đang canh tác.

Trước mắt, có thể nhân 2 giống sắn HN3 và HN5 đang được trồng phổ biến hiện nay để đẩy mạnh mở rộng sản xuất, bởi 2 giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt, năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419.

Thực tế, 2 giống sắn này mặc dù trồng trực tiếp trên đồng ruộng nơi có áp lực bệnh rất cao như Tây Ninh nhưng phát triển tốt, đã khẳng định được khả năng kháng bệnh khảm lá sắn.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.