Gần 1.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vừa công bố về tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020. Theo đó, cả nước có 88.651 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong số này, có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019. Kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng thứ 3 với lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm tới 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng lưu ý trong thống kê là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.Trong đó, lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh BĐS với 923 doanh nghiệp, tăng 136,1%.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.
Đặc biệt, nhiều công ty kinh doanh BĐS vừa nhen nhóm hoạt động trở lại sau đại dịch lần thứ nhất, lại tiếp tục đóng cửa ở lần dịch thứ hai, trong đó thành phố Đà Nẵng là điển hình.
Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán quý II/2020 cũng phản ánh bức tranh màu xám với kết quả kém khả quan. Như Địa ốc Đất Xanh (HOSE:DXG) sau soát xét, doanh nghiệp này đã bất ngờ ghi nhận lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Địa ốc Hoàng Quân (HOSE:HQC) có một quý kinh doanh giảm sút nghiêm trọng.
Công ty BĐS và Đầu tư VRC (HOSE:VRC) lợi nhuận từ mức 19,8 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn vỏn vẹn 67,5 triệu đồng ở quý II/2020 (giảm 99,7%). CTCP LDG là đơn vị lợi nhuận giảm đến 98,8%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thị trường BĐS trở nên thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây. Đợt dịch bùng phát đầu năm, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần.
Sẽ phục hồi năm 2021?
Mặc dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS ảm đạm, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan về thị trường này trong trung và dài hạn. Đặc biệt, nhiều nhận định cho rằng thị trường bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2021.
Sở dĩ có những nhận định này, các chuyên gia cho rằng, ngay sau kết thúc dịch lần thứ nhất, từ tháng 5 - 7, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục và đà tăng trưởng khi các dự án mở bán trở lại, giao dịch quý II đã tăng hơn quý I. Tuy nhiên với đợt dịch bùng phát trở lại hồi tháng 7, thị trường BĐS tiếp tục hứng chịu không ít khó khăn.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, trong đại dịch, vẫn có doanh nghiệp kinh doanh tốt, do họ nghiên cứu kỹ thị trường, thị trường cần gì doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đó.
Hơn nữa, dân số hai thành phố đông dân nhất nước là Hà Nội và TP.HCM có nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhất là nhà ở thương mại phân khúc giá rẻ và trung cấp.
Thực tế, nhiều khách hàng mỏi mắt tìm nhà thương mại giá rẻ hợp túi tiền, nhưng hầu như các dự án tại các quận mới đều ở mức giá trên 28 triệu đồng/m2. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà thương mại giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 sẽ đáp ứng được nhu cầu đại bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nắm bắt và ứng dụng công nghệ kịp thời sẽ lường được rủi ro khó khăn, như chuyển đổi hình thức bán hàng online, tiếp thị online, tập trung vào các phân khúc thị trường đang cần thì các doanh nghiệp sẽ chống đỡ được khó khăn trong đợt dịch này và tiếp tục phát triển.
Về phía nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, thị trường chững lại là cơ hội tốt để mua được những sản phẩm giá hợp lý.
Bởi lẽ, nguồn cung bất động sản hiện nay đang khan hiếm. Mặt khác, những quỹ đất đẹp tại khu vực trung tâm thành phố hiện không nhiều, khách hàng mua nhà không có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm. Các dự án có vị trí đắc địa đều được phát triển ở phân khúc bất động sản cao cấp và định giá rất cao.
Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý kinh doanh bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho biết, với những lý do trên, những dự án có vị trí đẹp, đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư uy tín sẽ khó có chuyện giảm giá.
Cũng theo vị chuyên gia này, trái ngược với thị trường sơ cấp, giá bất động sản thứ cấp lại đang có xu hướng giảm do làn sóng cắt lỗ từ các nhà đầu tư. Theo đó, với tác động của dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính do làm ăn thua lỗ hoặc chịu áp lực trả lãi ngân hàng đã buộc phải thanh lý sản phẩm bất động sản.
Ông Thêm cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tham khảo đầu tư tại các khu vực mới phát triển của Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh... Sản phẩm đầu tư nên là đất nền hoặc nhà thấp tầng.
“Các bất động sản này sẽ có khả năng sinh lời tốt hơn trong tương lai so với bất động sản tại khu vực nội đô. Hiện khu vực này đang rất ít dự án, nếu có, đều rất đắt và chỉ bán cho khách hàng mua để ở”, ông Thêm nói.
Thực tế hiện nay, nguồn cung cho thị trường chủ yếu đến từ các huyện ngoại thành.Theo đó, năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 10% nguồn cung. Trong quý II/2020, bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm 2020 nhờ hoạt động tốt của khu vực phía Đông.
Bên cạnh đó, theo ông Thêm, các nhà đầu tư nên quan tâm đến dự án tại khu vực có quy hoạch hạ tầng phát triển thuận lợi. Hạ tầng và vị trí là hai yếu tố liên quan trực tiếp đến thanh khoản, giá bán sản phẩm và khả năng tăng giá trong tương lai.