Thương mại điện tử đang trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ một cách hiệu quả hàng hóa cho người dân, doanh nghiệp khắp cả nước. Tại báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công thương ghi nhận nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh ấy, hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, cũng như phát triển giao thương qua nền tảng số.
Giữa tháng 6/2022, Bộ Công thương ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (CeCA), nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống.
Với mong muốn được tích hợp những công nghệ sẵn có như nền tảng ký tài liệu số vào CeCA, công ty chuyên về phần mềm kế toán Misa hy vọng, đây sẽ là giải pháp giúp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong giao dịch và hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Chung quan điểm, công ty chuyên về chứng thực hợp đồng điện tử Davisoft muốn thông qua CeCA, triển khai kế hoạch gắn kết giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với nhau trên phạm vi toàn quốc và tiến tới kết nối khu vực ASEAN với quốc tế. Bằng phương pháp "ký số văn bản", đơn vị này có thể giúp chủ thể ký các giao dịch về hợp đồng kinh tế, văn bản ghi nhớ, văn bản thỏa thuận… mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Ý kiến của hai doanh nghiệp này cũng là mong muốn của hơn 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm khi làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), về việc hướng dẫn thủ tục xin đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của hợp đồng điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu thiết yếu của doanh nghiệp hiện tại, giúp giảm lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp.
"Trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia là xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam sao cho đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực", ông Hải chia sẻ.
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã gửi tài liệu hướng dẫn đến doanh nghiệp và tổ chức nhiều buổi hỗ trợ giải đáp thắc mắc khi kết nối hệ thống. Đến nay các đơn vị đang tiến hành kết nối kỹ thuật, trong đó nhiều bên đã tích hợp hoàn thiện.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cũng chỉ rõ các điều khoản triển khai, biện pháp, quy trình nghiệp vụ lưu trữ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hướng dẫn về các biện pháp hỗ trợ khi gặp sự cố và quy trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa các bên liên quan.