| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ gà giống trắc trở, doanh nghiệp khốn đốn

Thứ Năm 22/07/2021 , 16:39 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Vận chuyển gà giống vào miền Nam tiêu thụ gặp nhiều trắc trở, chi phí tăng cao, hao hụt nhiều, giá gà giống lại hạ ‘sát đáy’ khiến doanh nghiệp khốn đốn…

Khó khăn bủa vây con đường tiêu thụ gà giống

Trên địa bàn Bình Địnhhiện có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất giống gà ta chất lượng cao là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát).

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư mỗi năm sản xuất trên 60 triệu con gà giống thương phẩm, tiêu thụ trong nước 95% và xuất khẩu 5%. Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh mỗi năm cho ra đời gần 30 triệu con gà giống 1 ngày tuổi, cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.

Mỗi tháng, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho ra đời 2 triệu con gà giống 1 ngày tuổi nhưng việc tiêu thụ ở miền Nam đang 'tắc' khiến doanh nghiệp khốn đốn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi tháng, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho ra đời 2 triệu con gà giống 1 ngày tuổi nhưng việc tiêu thụ ở miền Nam đang “tắc” khiến doanh nghiệp khốn đốn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những năm qua, các tỉnh miền Nam, miền Tây là thị trường lớn về tiêu thụ gà giống của các doanh nghiệp ở Bình Định, bởi phong trào chăn nuôi gà ở đây phát triển rất mạnh. Thế nhưng trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc vận chuyển gà giống đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam và miền Tây gặp nhiều trắc trở, khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị xáo trộn.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, nhân viên bán hàng khu vực miền Nam của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết: Việc tiêu thụ gà giống tại khu vực này không còn hanh thông như trước, mà đang phát sinh nhiều khó khăn khiến chi phí vận chuyển tăng cao, gà giống hao hụt nhiều. Thậm chí có nhiều chuyến hàng đã chở đến nơi nhưng phải quay đầu xe chở hàng về, vì không đưa gà giống đến tay khách hàng được.

Theo chị Ngọc, hiện tài xế phải test nhanh Covid-19 với mức phí từ 130.000đ đến gần 400.000đ/lần test, chi phí này công ty phải trả. “Mức phí 1 lần test nhanh Covid-19 theo nhà nước quy định là khoảng hơn 130.000đ/lần, thế nhưng các tỉnh trong khu vực miền Nam hiện đang bùng phát dịch, tài xế vào bệnh viên thì hết mẫu test, vào test ở phòng khám tư nhân thì phải chịu mức phí đội giá, có tài xế báo về chi phí 1 lần test đến 350.000đ.

Trong khi đó, phiếu test nhanh chỉ có hiệu lực 3 ngày, đồng nghĩa mỗi chuyến hàng tài xế phải test 1 lần, nếu việc giao hàng gặp trắc trở phải lưu lại thì chuyến quay về lại phải test lần nữa”, chị Ngọc chia sẻ.

Hàng ngày, đàn gà bố mẹ của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh liên tục đẻ nhưng hiện phải giảm ấp nở vì gà giống không tiêu thụ được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hàng ngày, đàn gà bố mẹ của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh liên tục đẻ nhưng hiện phải giảm ấp nở vì gà giống không tiêu thụ được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Không chỉ thế, xe chở gà giống vào miền Nam tiêu thụ giờ phải qua nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh, xe qua chốt phải xếp hàng chờ, thời gian chờ qua chốt có khi mất 1-2 tiếng đồng hồ. Gà giống chở đi tiêu thụ mới chỉ 1 ngày tuổi, nên dù được chở bằng xe chuyên dụng nhưng gà vẫn bị yếu, chết.

“Trước đây, 1 xe chuyên dụng cỡ lớn chúng tôi chở được 40.000 con gà giống. Bay giờ, nếu có đơn hàng lớn, khách hàng mua 1 lần 35.000 con chúng tôi phải chia thành 2 xe nhỏ để gà giảm ngộp bị chết dọc đường.

Như vậy, công ty tốn thêm chi phí 1 chuyến xe từ 2-3 triệu đồng. Dù đã chia nhỏ để vận chuyển để tránh hao hụt, tránh gà giống bị chết do ngộp thì gà cũng bị mất sức, nếu khách hàng nhận gà về trang trại thả nuôi mà có hao hụt thì khoản này công ty cũng phải chịu, đây cũng là sự chia sẻ khó khăn của công ty đối với khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, chị Ngọc cho hay.

Nhiều chuyến hàng đã chở đến nơi, đặc thù của gà giống là phải đưa tận trang trại của người chăn nuôi, là những nơi cách xa khu dân cư, chủ yếu ở những vùng nông thôn. Thế nhưng khi gà chở đến thì nơi khách hàng đã bị cách ly, xe chở gà không vào được, khách hàng không thể ra khỏi vùng cách ly để nhận gà.

Nếu khách hàng thuê được xe trung chuyển ra “đường biên” giữa vùng chưa bị cách ly và vùng cách ly chở gà vào thì doanh nghiệp phải chịu thêm khoản chi phí phát sinh ấy. Nếu khách hàng tìm không ra xe trung chuyển thì doanh nghiệp đành chở gà về. Chi phí chồng chi phí mà gà vẫn không tiêu thụ được.

Giá hạ 'sát đáy', sức tiêu thụ giảm 80-90%

Cách đây chưa nửa tháng, bà Văn Thị Minh Nguyệt, nhân viên thị trường của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho chúng tôi biết, gà giống 1 ngày tuổi của công ty vẫn có giá niêm yết 12.000 - 13.000 đ/con, thế nhưng sức tiêu thụ đã giảm 50% so với trước. Vậy mà hiện nay, giá bán 1 con gà giống của công ty chỉ nhỉnh hơn giá 1 quả trứng gà thường một chút và sức tiêu thụ đã giảm đến 80-90%.

Hiện Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh hạn chế ấp nở, trứng gà bán đổ bán tháo ra thị trường chịu thiệt hại lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh hạn chế ấp nở, trứng gà bán đổ bán tháo ra thị trường chịu thiệt hại lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện trứng gà ngoài thị trường có giá 3.000 - 4.000 đ/quả, trong khi gà giống của công ty bán chỉ từ 5.000 - 8.000 đ/con, tùy theo từng vùng. Trong khi chi phí ấp ra con gà giống rất cao với các khoản lương công nhân, điện, khấu hao thiết bị… nên không đủ vốn.

Biết vậy nhưng cũng phải bán. Bởi, hiện năng lực sản xuất của công ty đạt 2 triệu con/tháng, ngày nào cũng có gà giống ra lò. Thậm chí hiện nay, công ty phải cắt giảm khâu ấp nở, vì gà giống không tiêu thụ được.

"Trứng do gà bố mẹ đẻ ra hàng ngày phải mang ra thị trường bán đổ bán tháo, bởi nếu giữ lại thì phải tốn thêm chi phí bảo quản trứng. Nếu như cách đây khoảng nửa tháng, sản lượng tiêu thụ đã bị giảm 50% so với trước đây thì hiện nay đã giảm đến 80-90%”, chị Trần Thị Bích Ngọc, nhân viên bán hàng khu vực miền Nam của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh than thở.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sức tiêu thụ gà giống giảm mạnh là nguồn cám cung cấp cho người chăn nuôi ở khu vực miền Nam và miền Tây không còn hanh thông như trước đây. Theo giải thích của chị Ngọc, người nuôi 1.000 - 2.000 con gà cần phải có thức ăn chăn nuôi (TĂCN) thường xuyên cho gà ăn.

Hiện giá mỗi con gà giống chỉ gần tương đương với một quả trứng thường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện giá mỗi con gà giống chỉ gần tương đương với một quả trứng thường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước đây, các đại lý thuê xe tải, đại lý nào có xe thì thuê tài xế chở TĂCN cung cấp cho các trang trại nuôi gà. Bây giờ, do tài xế phải tốn chi phí test nhanh Covid-19, thêm vào đó, sau chuyến chở hàng vào vùng dịch về tài xế phải cách ly theo quy định.

Như vậy, chạy một chuyến hàng tài xế phải nghỉ mất mười mấy ngày, lại tốn phí test nhanh nên không còn tài xế nào mặn mà việc chở TĂCN cho các trang trại nuôi gà. Do đó, nhiều khi doanh nghiệp có đơn hàng bán gà giống số lượng lớn, thế nhưng người chăn nuôi không chủ động được nguồn TĂCN nên hủy đơn hàng, đồng nghĩa doanh nghiệp mất mối.

“Trước đây, miền Nam và miền Tây là những thị trường lớn của công ty chúng tôi, bởi khu vực này là cái nôi nuôi gà ta, nhưng bây giờ thị trường này đứng hẳn. Riêng các tỉnh miền Tây xe chở gà giống xuống chỉ được đi dọc quốc lộ.

Hơn 1 tháng nay, gà giống của công ty chúng tôi không xuống được các tỉnh miền Tây vì khu vực này ổ dịch quá dày”, chị Trần Thị Bích Ngọc cho biết.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.