Vai trò thương mại mía đường ngày càng được coi trọng |
Tại hội nghị Thương mại mía đường khu vực phía Bắc do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và TCty Mía đường I tổ chức vừa qua, ông Đỗ Tuấn Anh, Cty CP Thương mại và Dịch vụ cuộc sống Việt (Vilitas), một trong những đầu mối thương mại tiêu thụ đường lớn tại phía Bắc chia sẻ, cho đến tận bây giờ những nhà buôn đường mới được ngành quan tâm chứ trước đây các doanh nghiệp phải đến “ăn chực nằm chờ” ở cổng các nhà máy đường mới mong được phân phối hàng để bán.
Do đó, "tiên trách kỷ hậu trách nhân", giữa doanh nghiệp thương mại và sản xuất đường tại Việt Nam không gắn kết chặt chẽ với nhau như ngày hôm nay ngoài nguyên nhân giá đường thế giới rẻ, đường lậu vào nhiều còn đến từ cơ chế bán đường kiểu phân phối gây ức chế cho lái buôn ngày trước mà ra.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tuấn Anh đó là việc của quá khứ, còn bây giờ khi các doanh nghiệp sản xuất và thương mại có cơ hội ngồi lại được với nhau, nói được hết những gì cần nói, hy vọng từ nay về sau hai bên sẽ cùng bắt tay để hướng đến lợi ích chung để hai bên cùng có lợi. Bởi nói gì thì nói, mặc dù tới đây khi ATIGA có hiệu lực, thuế nhập khẩu mặt hàng đường vẫn duy trì 5%, cộng với các loại thuế phí khác vẫn không thể lợi thế bằng việc có được nguồn hàng ổn định giá cả hợp lý ở trong nước.
“Trước đây có thể tôi biết một số đại lý cấp 2, cấp 3 của mình có kinh doanh tiêu thụ đường nhập lậu song tôi lờ đi. Nhưng nay khi đã có sự thống nhất giữa hiệp hội và các doanh nghiệp rồi tôi đề nghị các doanh nghiệp hãy ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung, quan trọng nhất là thống nhất được về giá. Đặc biệt, từ nay trở đi, nếu đại lý, doanh nghiệp nào mà bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử phạt việc kinh doanh đường lậu hoặc không rõ nguồn gốc thì tốt nhất không nên kêu ca gì nữa”, ông Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tới đây VSSA sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo 389, đặc biệt là lực lượng QLTT sẽ tổng thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đường tại các hệ thống đại lí, cửa hàng phân phối bán lẻ nhằm góp phần hạn chế nguồn cung đường lậu. |
Còn theo bà Nguyễn Thị Nhạc, Giám đốc Cty CP Thương mại và Dịch vụ Song Phương, một đơn vị thương mại đường tại tỉnh Phú Thọ, việc cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại cùng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như ngày hôm nay do chúng ta không đánh giá và lường hết được lượng đường tồn kho quá lớn của Thái Lan cũng như chu kỳ giá đường thế giới.
Bà Nhạc khẳng định, đây là thời điểm mang tính chất sống còn với doanh nghiệp mía đường trong nước. Trong khi đó, các nhà máy đường của ta đa phần đều nằm ở những vùng heo hút đặc biệt khó khăn, các chính sách của Chính phủ có độ trễ nhất định nên việc doanh nghiệp cần hỗ trợ để cùng nhau vượt qua giai đoạn này thì mới nghĩ đến chuyện duy trì và phát triển bền vững...
Chủ tịch HĐQT TCty Mía đường I Nguyễn Văn Hội mong các doanh nghiệp bằng mọi cách tạo điều kiện hết sức cho nhau, bởi tới đây việc thanh, kiểm tra và xử lý đường lậu, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ được các cơ quan chức năng triển khai đồng loạt, thường xuyên trên cả nước nên chắc chắn nếu chỉ trông chờ vào kinh doanh đường lậu sẽ vô cùng khó khăn.
Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh cho biết, theo số liệu thống kê hiện mỗi năm bình quân có khoảng nửa triệu tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, chủ yếu là đường Thái Lan. Không đâu xa, ngay trong đợt ra quân thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng những ngày giữa tháng 6 vừa qua tại TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đã bắt giữ được hàng trăm nghìn tấn đường không rõ nguồn gốc vẫn còn nguyên nhãn mác, bao bì Thái Lan. |