| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và 'cuộc chiến' chất lượng

Thứ Ba 15/10/2024 , 15:04 (GMT+7)

'Cạnh tranh về chất lượng giữa các doanh nghiệp FDI và nội địa, các doanh nghiệp FDI với nhau, nội địa với nhau sẽ ngày càng khốc liệt', TS Võ Trọng Thành nhận định.

TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành chăn nuôi là một trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành chăn nuôi là một trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Việt Nam đứng top 7 thế giới về sản lượng TĂCN

Tại Hội thảo “Dinh dưỡng và công nghệ thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong bối cảnh mới: Xu hướng và đổi mới” vừa diễn ra trong khuôn khổ Vietstock 2024 tại TP. HCM, TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành chăn nuôi là một trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2023, ngành chăn nuôi đạt tăng trưởng 5,72% và trong vòng 10 năm qua, ngành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 4 - 6%.

Ngành chăn nuôi không chỉ đảm bảo sinh kế cho hàng triệu hộ gia đình, mà còn cung cấp thực phẩm cho 100 triệu người dân, hơn 10 triệu khách du lịch và góp phần xuất khẩu. Doanh thu toàn ngành chăn nuôi năm 2023 đạt hơn 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% vào tổng GDP quốc gia.

TS Võ Trọng Thành nhấn mạnh: “Ngành chăn nuôi là một trong 3 trụ cột chính của sản xuất nông nghiệp, cùng với trồng trọt và thủy sản”.

Giai đoạn 2019 - 2023, tổng đàn lợn, đàn gia cầm, đàn bò đều tăng trưởng, chỉ đàn trâu giảm. Khi đàn vật nuôi tăng, nhu cầu TĂCN cũng tăng theo. Trong giai đoạn này, ngành chăn nuôi có những sản phẩm tăng trưởng tốt. Cụ thể thịt tăng 1,8 lần, trứng tăng hơn 3 lần, sữa tươi tăng 4 lần nhưng TĂCN chỉ tăng 2 lần. Sản xuất TĂCN là một thành tố hết sức quan trọng của ngành chăn nuôi.

“Các sản phẩm tăng nhiều nhưng TĂCN chỉ tăng 2 lần vì TĂCN đang ngày càng tốt hơn, chất lượng cao hơn để tạo ra nhiều sản phẩm hơn chăn nuôi hơn trên mỗi đơn vị thức ăn chăn nuôi, hay nói cách khác, đó chính là FCR ngày càng được cải thiện hơn”, TS Võ Trọng Thành cho hay.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về sản lượng TĂCN, sau Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga và Tây Ban Nha.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, số lượng nhà máy sản xuất TĂCN hỗn hợp hoàn chỉnh của nước ta không thay đổi nhiều, khoảng 260 - 270 nhà máy, sản xuất khoảng 21 triệu tấn TĂCN hỗn hợp hoàn chỉnh. Điều này cho thấy rằng, các nhà máy sản xuất TĂCN đang tối ưu hóa, tăng năng suất và chất lượng.

Đáng chú ý, hiện nay số lượng các doanh nghiệp sản xuất TĂCN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ bằng một nửa số doanh nghiệp nội địa nhưng họ đã sản xuất ra sản lượng gần gấp đôi.

Về xuất nhập khẩu, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu TĂCN, trị giá 5 - 8 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và nguyên liệu như bột cá, cám gạo mới chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD/năm.

Xu hướng nào cho ngành TĂCN trên thế giới và Việt Nam?

Ngành sản xuất TĂCN toàn cầu sẽ hướng đến 10 xu hướng chính, bao gồm: Chuyển dịch theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Thực hành sản xuất thức ăn bền vững. Tiến bộ công nghệ trong phân tích nhu cầu dinh dưỡng. Tăng cường các tiêu chuẩn quản lý TĂCN, an toàn và giảm phát thải.

Tích hợp các giải pháp số, công nghệ số (AI) và Internet vạn vật (IoT) trong tối ưu công thức/sản xuất TĂCN. Quy trình kiểm soát TĂCN thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng phúc lợi động vật và truy xuất nguồn gốc. Hạn chế và không sử dụng kháng sinh phòng bệnh trong sản xuất TĂCN. Giảm chi phí đóng bao gói thông qua hệ thống cho ăn tự động. Thảo dược, enzyme, probiotic, acid hữu cơ được ứng dụng rộng rãi.

 

Còn tại Việt Nam, dự báo phát triển sản xuất TĂCN trong 5 năm tới sẽ đi theo 5 xu hướng: Sản lượng TĂCN sẽ tương đối ổn định, hoặc chỉ tăng nhẹ 1 - 3%/năm. Cạnh tranh về chất lượng ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Công nghệ sản xuất mới và tự động hóa ngày càng được chú trọng và ứng dụng rộng rãi. Nhu cầu thức ăn cho thú cảnh tiếp tục tăng, ước tính 12,2%/năm trong giai đoạn 2023 - 2029. Sản phẩm thảo dược, probiotic, acid hữu cơ thay thế kháng sinh trong TĂCN.

7 thách thức, 6 cơ hội và 3 giải pháp

TS Võ Trọng Thành cũng nêu rõ 7 thách thức lớn của ngành sản xuất TĂCN tại Việt Nam hiện nay, là phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, trên 65% nguyên liệu thô và trên 90% thức ăn bổ sung. Tỷ giá USD/VND ở mức khá cao làm tăng giá thành sản xuất. Chi phí logistics nhập khẩu TĂCN ở mức cao, đã tăng 15 - 20% so với trước Covid-19, không có dấu hiệu giảm. Chi phí cao trong sản xuất, marketing, phân phối sản phẩm TĂCN. Biến động tổng đàn vật nuôi lớn do chăn nuôi an toàn sinh học chưa tốt, kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn. Liên kết theo chuỗi trong sản xuất chăn nuôi yếu, bị gián đoạn, không bền vững. Nguồn cung biến động và tăng giá nguyên liệu TĂCN do căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành này vẫn có nhiều cơ hội, như: Quy mô chăn nuôi lớn, thị trường lớn. Thủ tục xuất nhập khẩu khá thuận lợi, thông thoáng. Miễn giảm tối đa thuế suất nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu TĂCN. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Thể chế chính sách, thủ tục pháp lý ngày càng được cải thiện và tối ưu, mang tính hội nhập cao, và có tiềm năng về xuất khẩu TĂCN ra khu vực và thế giới.

TS Võ Trọng Thành cho biết, Bộ NN-PTNT đang tổ chức triển khai các giải pháp phát triển ngành sản xuất TĂCN trong giai đoạn tới thuộc Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trong Đề án có 3 nhóm giải pháp chính, gồm: Phát triển và đổi mới trình độ công nghệ sản xuất TĂCN công nghiệp tại vùng có định hướng phát triển chăn nuôi. Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung và chế biến phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm TĂCN. Chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu TĂCN đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.

Tại Việt Nam, nhu cầu thức ăn cho thú cảnh dự báo tiếp tục tăng, ước tính 12,2%/năm trong giai đoạn 2023 - 2029. Ảnh: Hồng Thắm.

Tại Việt Nam, nhu cầu thức ăn cho thú cảnh dự báo tiếp tục tăng, ước tính 12,2%/năm trong giai đoạn 2023 - 2029. Ảnh: Hồng Thắm.

Trong Đề án này đã có 4 dự án ưu tiên. Một là, đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Hai là, phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung. Ba là, phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Và bốn là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm TĂCN.

“Các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp có thể liên kết để tham gia thực hiện các dự án này”, TS Võ Trọng Thành chia sẻ thêm.

Ngoài ra, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường hỗ trợ hiệu quả hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc kiểm soát, cải tiến chất lượng TĂCN.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định thành lập 2 trung tâm là Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương I đặt tại Hà Nội và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương II tại TP HCM với các chức năng phân tích; chứng nhận; khảo, kiểm nghiệm và kiểm định; đào tạo, tư vấn, nhằm tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất TĂCN.

“Đây là một số giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước, còn mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự tìm cho mình những giải pháp phù hợp, tối ưu để phát triển, trong đó, đổi mới sáng tạo là cốt yếu của mỗi giải pháp”, TS Võ Trọng Thành chia sẻ thêm.

“Trong thời gian tới, cạnh tranh về chất lượng sẽ ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp sản xuất TĂCN, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới về công nghệ, cách thức quản lý và nhiều vấn đề liên quan đến để tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, TS Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định. 

Xem thêm
Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Nông dân Bình Định chật vật với vụ đông xuân

Từ ngày 10/12 đến nay Bình Định không ngớt mưa, đúng lúc nông dân gieo sạ vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều người sạ đến lần thứ 3 vẫn còn nơm nớp lo mất giống…

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.