Ngày 30/5, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu cùng Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức tọa đàm kết nối doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn, địa phương, doanh nghiệp đến từ 2 quốc gia.
Câu hỏi cho thanh long Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm, Công ty Kim Phúc, trồng thanh long ở Quảng Tây cho biết, sản lượng của công ty đạt 179.000 tấn/năm và có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng quốc tế. Kim Phúc cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Quảng Tây tự trồng và xuất khẩu được sang châu Âu và Hà Lan.
Hiện nay, Trung Quốc đã có thể tự trồng được thanh long nhưng về kinh nghiệm thì Việt Nam có nhiều hơn, quả cũng chín muộn hơn ở Quảng Tây. Do đó, đại diện của Kim Phúc muốn đặt 2 ý kiến dành cho các công ty thanh long Việt Nam, thứ nhất là mùa thu hoạch khác nhau nên mong muốn doanh nghiệp 2 nước hợp tác để cùng mở rộng thị trường.
Vấn đề thứ 2 mà lãnh đạo Công ty Kim Phúc đưa ra đó là mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm bảo quản, giữ tươi quả thanh long từ các doanh nghiệp Việt Nam và học hỏi cách xử lý các khó khăn trong khi xuất khẩu mặt hàng này.
Về cây thanh long, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, diện tích thanh long của tỉnh vào khoảng 9.000 ha và sản lượng 250.000 tấn/năm.
Để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Riêng với mặt hàng này, tỉnh Long An đã có 270 mã số vùng trồng và 170 cơ sở đóng gói và kho hàng phục vụ xuất khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc có khoảng 70 mã số vùng trồng.
Khó khăn hiện nay trong việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, theo ông Truyền là ở khâu vận chuyển. Do đó, Giám đốc Sở NN-PTNT sẵn sàng làm cầu nối để liên kết các doanh nghiệp hai bên nhằm giảm bớt chi phí trung gian trong vận chuyển.
Liên quan đến các nông sản được xuất khẩu, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, địa phương có mặt hàng khoai lang tím vừa được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, cao điểm cả tỉnh có hơn 12.000 ha với sản lượng 400.000 tấn/năm .
“Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ bà con, HTX xây dựng các mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Qua buổi làm việc này, chúng tôi mong muốn phía Quảng Tây tiếp tục giúp đỡ để mặt hàng khoai lang tím có thể xuất khẩu thuận lợi hơn vào thị trường Trung Quốc”, ông Lê Văn Dũng nói và cũng sẵn lòng kết nối các doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập khẩu nông sản này với vùng nguyên liệu của địa phương.
Đại diện địa phương cực Nam của Tổ quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Quân giới thiệu về thế mạnh thủy sản của tỉnh với phía Trung Quốc, trong đó tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác hàng năm vượt trên 640.000 tấn với khoảng 230.000 tấn tôm, 30.000 tấn cua.
“Thủy sản Cà Mau hiện đã xuất khẩu đi trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng với Trung Quốc, tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản với kim ngạch khoảng 1,2 triệu USD mỗi năm”, ông Quân thông tin và kiến nghị phía Trung Quốc có thể xem xét mở thêm thị trường với cua Cà Mau vì hiện nay mặt hàng này vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là với thị trường Quảng Tây.
Tăng cường đào tạo, trao đổi công nghệ
Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự phối hợp của phía Trung Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp 2 bên có thể tìm hiểu sâu hơn, kết nối giao thương và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bổ trợ cho nhau.
Theo Thứ trưởng, sau dịch Covid-19, khó khăn nhất hiện nay là chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam - Trung Quốc đã bị đứt gãy, ảnh hưởng đến quá trình giao thương của các doanh nghiệp. Do đó, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đến Trung Quốc lần này với mục tiêu tăng cường kết nối về kỹ thuật, khoa học công nghệ, đào tạo trong sản xuất nông lâm nghiệp cũng như thương mại nông sản.
“Quảng Tây là cửa ngõ để nông sản Việt Nam đi vào Trung Quốc với kim ngạch 2 chiều chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, 2 bên có thể cùng thúc đẩy nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông sản và hợp tác về khoa học, công nghệ trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất phía Sở NN-PTNT Quảng Tây tạo điều kiện cho các trường đào tạo nghề của Bộ được phối hợp, thúc đẩy các chương trình hợp tác theo mục tiêu hợp tác khoa học nông nghiệp xuyên biên giới, phát huy các thành tựu khoa học của nông nghiệp, lâm nghiệp 2 nước.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng kiến nghị về hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Trung cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó giúp việc trao đổi, học hỏi được thuận lợi hơn.
Ông cũng gợi ý về việc 2 bên tạo điều kiện cho các trường thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Phát triển bền vững, là nơi ươm mầm sáng tạo cho các sinh viên ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Liên quan thương mại nông sản, trưởng đoàn công tác Việt Nam nhấn mạnh việc trao đổi thông tin giữa bên nhằm tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa nông sản ở cửa khẩu.
Bên cạnh đó, 2 bên sẽ cùng làm việc để xây dựng những chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu nông sản bền vững, gắn với đầu tư các kho lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm hay các cơ sở giết mổ, chế biến lớn ở khu vực biên giới.
Chia sẻ riêng về buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói có thể thấy được nhu cầu trao đổi, giao thương giữa doanh nghiệp 2 bên là rất lớn và rất tán thành với ý kiến thành lập các nhóm hay hiệp hội, làm không gian kết nối.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Quảng Tây và Việt Nam cũng được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý, có thể tổ chức hàng năm, luân phiên giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo ra sân chơi, không gian giao thương mới cho doanh nghiệp.
Ghi nhận các ý kiến của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bà Hứa Cẩn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Tây khẳng định sẽ làm việc để đẩy mạnh việc trao đổi kỹ thuật, đào tạo và nhất là tăng cường năng lực thông quan nông sản với phía Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến, trình lãnh đạo và sớm có phản hồi với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh”, bà Hứa khẳng định.