Báo cáo nghiên cứu của các tổ chức hoạt động môi trường ở Đức cho biết, việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc trừ sâu đang là tâm điểm của sự hủy hoại môi trường trên toàn thế giới.
Kỹ sư nông nghiệp Susan Haffmans thuộc mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu Đức, người đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển báo cáo Bản đồ Thuốc trừ sâu cho biết: “Chúng ta đối mặt với mối nguy này ở khắp mọi nơi khi giải quyết các vấn đề nông nghiệp, sức khỏe, giống loài biến mất và ô nhiễm nguồn nước. Đó thực sự là một vấn đề xuyên suốt rất lớn".
Bản báo cáo dài 50 trang đã được xuất bản hôm thứ Tư tại Berlin, phác thảo những tác hại của hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật toàn cầu, trị giá hàng tỷ đô la do Quỹ Heinrich Böll vì môi trường xanh, chi nhánh của tổ chức môi trường Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) ở Đức và tờ chuyên san quốc tế LE MONDE Diplomatique số hàng tháng thực hiện.
Bà Haffmans cho biết: “Chúng tôi bắt gặp thuốc trừ sâu ở khắp mọi nơi, ngay cả khi chúng tôi không sống ở các vùng trồng trọt”.
Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y tế công cộng cho biết, mỗi năm có tới 385 triệu người làm nông nghiệp bị phơi nhiễm các bệnh do ngộ độc thuốc trừ sâu cấp tính. Sau khi “bị dính thuốc”, các công nhân nông trại và nông dân cho biết hay bị các triệu chứng đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, phát ban trên da, rối loạn hệ thần kinh và ngất xỉu. Một số trường hợp nghiêm trọng, tim, phổi hoặc thận bị suy. “Ước tính có khoảng 11.000 người làm nông nghiệp chết vì ngộ độc cấp tính hàng năm, chưa tính đến số ca tử vong do tự tử liên quan đến thuốc trừ sâu”, tạp chí cho biết.
Tại khu vực châu Á, báo cáo cho biết có khoảng 256 triệu ca ngộ độc cấp tính do thuốc trừ sâu và 116 triệu ca ở châu Phi và khoảng 12,3 triệu ca ở châu Mỹ Latinh. Riêng ở châu Âu, con số này nhỏ hơn rất nhiều với 1,6 triệu ca.
"Thống kê của chúng tôi cho thấy, có 44% tổng số người làm trang trại trên thế giới bị ngộ độc thuốc trừ sâu ít nhất một lần mỗi năm, thậm chí ở một số quốc gia tỷ lệ này còn nhiều hơn như Burkina Faso là 83%", bà Haffmans nói.
Bà Haffmans nói rằng đây chỉ là những vụ ngộ độc cấp tính, chưa kể việc phơi nhiễm lâu dài có thể gây ra các bệnh mãn tính khác nhau. “Trong một số trường hợp, thuốc trừ sâu được thương lái chiết vào túi nilon hoặc chai nhựa nhỏ, không nhãn mác, không có hướng dẫn an toàn về cách sử dụng cũng như cảnh báo. Hệ quả là sau đó, luôn có những vụ ngộ độc không lường được đối với trẻ em vì thuốc trừ sâu được sử dụng không đúng cách hoặc ai đó nhặt được nghĩ rằng có thể có soda trong đó", bà Haffmans cảnh báo.
Theo Atlas, có dưới 30% nông dân ở Ghana đeo găng tay, kính bảo hộ và bảo vệ miệng hoặc mũi khi xử lý thuốc trừ sâu, trong khi tại Ethiopia chỉ có 7% nông dân nhận thức được cảnh báo phải rửa tay sau khi sử dụng thuốc trừ sâu.
Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ ung thư
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc trừ sâu có thể phát tán theo gió tới hàng trăm km và nó được tìm thấy trong các con sông và mạch nước ngầm. Chúng có thể giết côn trùng, chim và động vật sống dưới nước, và dư lượng của chúng cũng thường được tìm thấy trong thực phẩm.
Hoạt chất glyphosate diệt cỏ dại, loại thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi nhất, là một trong những “sát thủ” khét tiếng nhất. Vào năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại glyphosate là "có thể gây ung thư". Một nghiên cứu tổng hợp khoa học năm 2019 của Đại học Washington cũng xác định nguy cơ gia tăng khối u hạch bạch huyết ác tính do phơi nhiễm glyphosate.
Ngoài ra thuốc trừ sâu cũng liên quan đến các bệnh hen suyễn, dị ứng, béo phì và rối loạn tuyến nội tiết, sẩy thai và dị tật ở những vùng đặc biệt ô nhiễm. “Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ với bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường typ II hoặc một số loại ung thư”, theo bà Haffmans.
Lợi nhuận quan trọng hơn sức khỏe
Theo Atlas, hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc trừ sâu được coi là mảng cực kỳ sinh lợi. Thống kê từ bốn nhà sản xuất lớn nhất gồm Syngenta, Bayer, BASF và Corteva - đã tạo ra doanh thu 31 tỷ euro (35 tỷ USD) vào năm 2020. Trong những năm gần đây, doanh số bán thuốc trừ sâu toàn cầu đã tăng trung bình 4% mỗi năm.
Tuy nhiên hiện các công ty không phải trả tiền cho những thiệt hại về sức khỏe và môi trường, trừ khi họ bị đưa ra tòa án. Tại Mỹ, 125.000 người đã phun thuốc diệt cỏ Roundup có hoạt chất glyphosate và bị ốm nặng đã đâm đơn kiện tập đoàn Bayer, và buộc công ty này phải thanh toán cho một số nguyên đơn và khoảng 10 tỷ euro để bồi thường thiệt hại.
Bất chấp những trường hợp này, Bayer và các công ty khác vẫn tiếp tục bán thuốc trừ sâu có độc tính cao, bao gồm cả những loại bị cấm ở EU. Hiện tại, các nhà sản xuất thuốc trừ sâu cũng đang tìm kiếm giấy phép mới cho glyphosate ở EU, mặc dù nó sẽ bị cấm trong khối từ năm 2024.
Hiện các nhóm môi trường đang thúc đẩy chuyển đổi không dùng thuốc trừ sâu hóa học. Bà Haffmans cho biết: “Trong hai thập kỷ qua, Sri Lanka đã cứu sống gần 10.000 người bằng cách cấm các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm. Ở Ấn Độ, hiện một số vùng cũng nói không với thuốc trừ sâu."
Theo một cuộc khảo sát cho thấy, 63% số người được hỏi muốn cấm tất cả các loại thuốc trừ sâu vào năm 2035 và nông dân ủng hộ việc chuyển sang sản xuất sang thân thiện với môi trường. 11% người được hỏi từ chối nhu cầu này.