| Hotline: 0983.970.780

Thoát cảnh ngập ngụa trong thuốc trừ sâu

Tiền kiếm nhiều nhưng đánh đổi bằng sức khỏe, mạng sống

Thứ Hai 27/12/2021 , 09:52 (GMT+7)

Đã trồng mai cảnh là chấp nhận "chung sống" với thuốc trừ sâu hóa học, đồng nghĩa các chủ nhà vườn chấp nhận cái chết từ từ vì mưu sinh…

Loại cây cứ nứt mầm là hóa sâu

Người phương xa nếu có dịp về các làng quê Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Thành, Nhơn Hưng, thị trấn Đập Đá, thị trấn Bình Định thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định), ắt sẽ không khỏi ngạc nhiên trước cảnh đưa mắt về hướng nào cũng nhìn thấy những chậu mai nối tiếp những chậu mai. Mai chật vườn. Mai kín ruộng. Những thửa ruộng màu mỡ nhưng cây lúa không có chỗ đứng, lúa phải nhường chỗ cho những cây mai cảnh, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với lúa.

Mai được trồng trong chậu, những chậu mai được đặt thẳng hàng tăm tắp trên nền đất ruộng. Mai được trồng thẳng trên đất ruộng, trên những diện tích đất soi. Mai trồng trong chậu đa số được tạo dáng uốn lượn phục vụ cho người chơi ở miền Nam, mai trồng dưới đất thường có thân thẳng đứng để phục vụ cho những người thích chơi mai lùm phía Bắc. Những chậu mai đặt trong vườn, trong sân nhà thường là những chậu mai có dáng Bonsai độc đáo, giá trị rất cao.

Về thị xã An Nhơn (Bình Định), đưa mắt về hướng nào cũng nhìn thấy những chậu mai nối tiếp những chậu mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về thị xã An Nhơn (Bình Định), đưa mắt về hướng nào cũng nhìn thấy những chậu mai nối tiếp những chậu mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Phong trào trồng mai đã cho thị xã An Nhơn cái danh xưng là “vựa mai cảnh lớn nhất miền Trung”. Hơn 1.500 hộ dân ở “quê lúa” An Nhơn chuyển sang trồng mai cảnh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Đến nay, “vựa mai” An Nhơn đang sở hữu đến hơn 2 triệu chậu mai trên diện tích 145ha. Hàng năm, cứ đến dịp tết, người trồng mai cảnh ở An Nhơn có doanh thu đến 100 tỷ đồng. Cây mai đã gầy dựng cơ nghiệp cho hàng ngàn nông dân, trong đó có không ít người trở thành “tỷ phú mai”.

Cây mai có giá trị kinh tế cao là vậy, nhưng để làm giàu với nó, người trồng phải đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí cả mạng sống. Theo tâm sự của anh Nguyễn Đình Phụng, người đang sở hữu 6.000 cây mai trồng dưới ruộng ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), ai đã lấy việc trồng mai cảnh làm kế sinh nhai thì phải chấp nhận cảnh “chung sống” với thuốc trừ sâu. Bởi, khi cây mai nứt mầm là khoảng 5 - 7 ngày sau ngay mầm cây ấy sẽ xuất hiện sâu. Nếu chủ nhà vườn không kịp phun thuốc phòng trừ thì lũ sâu sẽ mở cuộc “chè chén” những chiếc lá non tơ, ắt nhiên là sau đó mầm cây ấy sẽ bị chết yểu. Khi cây mai đã bị lũ sâu tấn công sẽ xuống sức rồi chết dần.

Mai là loại cây cứ nứt mầm ra là hóa sâu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mai là loại cây cứ nứt mầm ra là hóa sâu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Muốn bảo vệ những cây mai trồng trong chậu, theo định kỳ từ 7 đến 10 ngày chủ nhà vườn phải bơm thuốc trừ sâu 1 lần, nếu không thì đừng mong tết đến có mai bán. 6.000 cây mai của tôi trồng trên đất soi mà nửa tháng cũng phải “tra thuốc” 1 lần, mỗi lần bơm cả buổi mới xong. Đang khỏe mạnh là vậy, mà sau mỗi lần bơm thuốc trừ sâu cho mai, dù đã bịt khẩu trang kỹ lưỡng mà sức khỏe của tôi bỗng sa sút hẳn, người mệt mỏi, đổ mũi nước, cổ họng rát bỏng, nhiều hôm bỏ cơm chứ ăn không nổi”, anh Phụng chia sẻ.

Thuốc trừ sâu hóa học thì chẳng khác gì thuốc độc. Cứ thử tưởng tượng, với 2 triệu cây mai được trồng trên diện tích 145ha, hôm nay chủ nhà vườn này bơm thuốc, mai đến nhà vườn khác bơm, cứ thế xoay vần thì bầu không khí ở những làng mai ô nhiễm đến chừng nào. Đặc biệt, muốn cây mai ra hoa đúng hẹn vào dịp Tết Nguyên đán, người trồng phải chăm sóc bộ lá thật tốt. Nếu lá mai bị sâu tấn công hoặc thân cây bị bệnh thán thư hoặc nấm hồng mà không điều trị kịp thời thì chủ nhà vườn sẽ bị mất thu nhập. Do đó, nhu cầu phun thuốc trừ sâu cho cây mai cảnh không bao giờ dừng lại.

Đã trồng mai chủ nhà vườn phải chấp nhận 'chung sống' với thuốc trừ sâu, từ 7 - 10 ngày phải bơm thuốc 1 lần mai mới phát triển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đã trồng mai chủ nhà vườn phải chấp nhận “chung sống” với thuốc trừ sâu, từ 7 - 10 ngày phải bơm thuốc 1 lần mai mới phát triển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đánh đổi bằng mạng sống

Nghe ông Nguyễn Văn Châu (62 tuổi), chủ nhân 4.500 chậu mai cảnh có độ tuổi từ 5 đến 10 năm tuổi ở khu vực Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), kể về lịch trình bơm thuốc trừ sâu cho những cây mai của ông, ai không kinh hoàng mới là chuyện lạ.

“Cứ từ 7 đến 10 ngày tôi phải bơm thuốc trừ sâu cho 4.500 cây mai 1 lần, mỗi lần bơm mất đến 1 triệu đồng tiền thuốc. Nào là thuốc trừ sâu, thuốc trị bọ trĩ, thuốc kích thích. Thuốc trừ sâu thì cứ đến đại lý nói số lượng cây mai mình cần phun là họ bán đủ cơ số thuốc để mình sử dụng, chứ mình đâu biết loại thuốc nào để chọn”, ông Châu bộc bạch.

Còn theo anh Nguyễn Minh Hậu (36 tuổi), người đang sở hữu 2.500 cây mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), khi cây mai nứt mầm thì sâu sẽ phát sinh ngay mầm cây ấy, buộc chủ nhà vườn phải bơm thuốc bảo vệ thực vật. Muốn cây phát triển phải bơm thuốc mỗi tuần 1 lần. “Với 4.500 cây mai, mỗi lần bơm tôi phải mua 8 chai thuốc về pha với nước để phun, mỗi lần phun kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ,  mũi hít thuốc trừ sâu mệt đến thở không nổi”, Hậu chia sẻ.

Sau khi bơm thuốc trừ sâu, chủ nhà vườn chăm sóc mai vẫn còn bị ảnh hưởng do thuốc còn dính trên lá, trên cành cây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau khi bơm thuốc trừ sâu, chủ nhà vườn chăm sóc mai vẫn còn bị ảnh hưởng do thuốc còn dính trên lá, trên cành cây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khi người trồng mai cảnh chấp nhận cảnh “chung sống” với thuốc trừ sâu là đồng nghĩa chấp nhận đánh đổi sức khỏe của mình để lấy tiền. Bởi, ngoài mỗi tuần 1 lần tiếp xúc trực tiếp với những loại thuốc độc qua đường hô hấp, thời gian sau đó chủ nhà vườn còn phải nhổ cỏ, cắt cành cho những chậu mai. Khi ấy, thuốc trừ sâu vẫn còn tồn dư trong cỏ, còn bám dính vào những cành mai, chủ nhà vườn lại phải 1 lần nữa tiếp xúc thuốc độc vào người qua bàn tay. Hàng mấy chục năm “chung sống” với thuốc độc như thế, sức khỏe con người hao hớt, thậm chí có người còn đánh đổi cả mạng sống.

“Ở An Nhơn có cặp vợ chồng mới hơn 50 tuổi, anh chồng làm cán bộ ngân hàng, chị vợ ở nhà chăm mấy chục cây mai cảnh đã được tạo dáng Bonsai. Sợ mai chết, chị ấy theo hướng dẫn những người trồng mai chuyên nghiệp thường xuyên bơm thuốc trừ sâu cho những cây mai của mình. Cách đây khoảng nửa tháng, chị ấy bỗng lâm bệnh ngặt nghèo rồi chết”, 1 người có thâm niên trong nghề trồng mai cảnh ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) kể.

Ngoài bị ảnh hưởng trực tiếp khi bơm thuốc trừ sâu, bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng xong được hủy không đúng cách, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài bị ảnh hưởng trực tiếp khi bơm thuốc trừ sâu, bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng xong được hủy không đúng cách, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Có người thấy những chậu mai của mình cứ tàn lụi dần, không phát triển, thế là bặm gan dùng loại thuốc sâu cực độc bơm cho chúng. Loại thuốc này 1 người bơm cả làng nghe mùi hôi. Sau khi bơm thuốc này lá mai bỗng dày ra, xanh um, cây phát triển. Loại thuốc này hiện đã cấm bán trên thị trường.

Ông Bùi Hữu Cư, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, bộc bạch: “5 năm trước đây, khi người trồng mai cảnh còn sử dụng thuốc trừ sâu hóa học đại trà thì môi trường ở những vùng trồng mai bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới nhiều chủ nhà vườn chết do ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vòm họng. Thậm chí kể cả người lẫn vật nuôi có thai nghén nhưng không sinh nở được vì bị hư thai”.

Tìm hiểu từ Trạm Y tế xã Nhơn An, địa phương có phong trào trồng mai cảnh mạnh nhất thị xã An Nhơn, chúng tôi được biết, trong 5 năm gần đây, số người dân trong xã mắc các bệnh về máu, phổi, gan và ung thư tăng cao. Đó là minh chứng hùng hồn rằng môi trường sống của người dân ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức đáng báo động.

Mai trồng sau một năm phải thay đất, số đất bị nhiễm các hóa chất không thể đem bỏ đi đâu mà đổ xuống tại chỗ, hóa chất tồn dư ngấm xuống đất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mai trồng sau một năm phải thay đất, số đất bị nhiễm các hóa chất không thể đem bỏ đi đâu mà đổ xuống tại chỗ, hóa chất tồn dư ngấm xuống đất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ô nhiễm hóa chất ở những vùng trồng mai không chỉ từ việc phun thuốc trừ sâu mà còn đến từ việc bảo quản, bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng xong được hủy không đúng cách, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Bởi, theo những người trồng mai, mai trồng sau một năm là phải thay đất, số đất bị nhiễm các hóa chất lại không thể đem bỏ đi đâu mà chỉ đổ xuống tại chỗ. Lượng hóa chất còn tồn lưu trong đất trồng mai khi gặp mưa sẽ thấm sâu xuống đất, nhiễm vào mạch nước ngầm. Vì thế, sức khỏe của những hộ dân sống trong vùng trồng mai bị tổn hại không chỉ do hít thở độc tố mà còn uống vào người nguồn nước đã bị nhiễm chất độc.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.