| Hotline: 0983.970.780

Doanh thu bán lẻ TP.HCM 9 tháng 2022 đạt 466.000 tỷ đồng

Thứ Tư 12/10/2022 , 17:11 (GMT+7)

Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động bán lẻ, xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM chủ trì buổi họp báo. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM chủ trì buổi họp báo. 

Chiều 12/10, Sở Công thương TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn TP.HCM tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2022.

Theo Sở Công thương TP.HCM, sau 1 năm mở cửa tái khởi động, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố đã trở về trạng thái bình thường so với thời điểm trước dịch; một số ngành, lĩnh vực đang có chiều hướng tăng trưởng tốt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9 ước tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 89,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2022, IIP ước tăng 19,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 12,9%); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina kéo dài, ảnh hưởng đến tổng cầu và lạm phát tại nhiều quốc gia; giá xăng dầu tăng làm phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Dù còn nhiều khó khăn như việc tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, sức mua toàn cầu đang suy giảm,... nhưng ngành công nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. TP.HCM đã khôi phục hoạt động 223 chợ, 3 chợ đầu mối, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 3.012 cửa hàng tiện lợi. 

Tình hình thị trường trên địa bàn Thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp cùng các biện pháp hỗ trợ, các giải pháp phục hồi kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của Chính phủ và Thành phố, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trong Quý III năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021.

Nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, ngành công thương TP tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hoá; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh thành, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình sản xuất cung ứng và thị trường tiêu thụ; hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa có sức chịu đựng, thích ứng, linh hoạt cao trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và tác động khác...

Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 9 ước đạt 53.075 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 97,3% so với tháng cùng kỳ. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 56,3%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ. Doanh thu các nhóm hàng trong 9 tháng năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ như hàng may mặc (ước đạt 33.238 tỷ đồng, tăng 37,4%); Lương thực, thực phẩm (ước đạt 83.109 tỷ đồng, tăng 11,4%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (ước đạt 8.244 tỷ đồng, tăng 54,3%); gỗ và vật liệu xây dựng (ước đạt 11.152 tỷ đồng, tăng 33,4%); ô tô các loại (ước đạt 19.790 tỷ đồng, tăng 26,4%),…

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước tháng 9 ước đạt 4,16 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 22,8% so với tháng 9 năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dự ước đạt 36,96 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,4%).

Kim ngạch nhập khẩu qua cửa khẩu cả nước tháng 9 ước đạt 4,97 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước nhưng tăng 22,9% so với tháng cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng ước đạt 48,8 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 21,3%).

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.