| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo khuyến nông Hà Nội

Thứ Hai 28/12/2009 , 09:54 (GMT+7)

Đây là những mô hình khác biệt của Khuyến nông Thủ đô hứa hẹn cho xu hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái mới…

Đây là những mô hình khác biệt của Khuyến nông Thủ đô hứa hẹn cho xu hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái mới…

Gieo sạ bằng giàn - lan tỏa nhanh

Hà Nội là địa phương đi đầu ở miền Bắc đưa gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn sạ từ vụ xuân 2007, đến nay đã qua 6 vụ sản xuất, diện tích gieo thẳng lúa ngày càng được mở rộng. Năm 2007, từ 1 giàn sạ ở vụ xuân gieo được 5 ha tại 1 điểm đó là HTX Kim sơn – Sơn Tây, đến vụ mùa tăng lên 11 giàn sạ mở rộng ra 60 ha ở 4 HTX của 4 huyện: Sơn Tây, Thạch Thất, Phúc Thọ và Hà Đông. Kết quả so với lúa cấy, áp dụng gieo thẳng lúa theo hàng giảm chi phí sản xuất, giảm công...

Nhờ hàng loạt ưu điểm ấy, năm 2008, tăng thêm 500 giàn sạ. Năm 2009, số giàn sạ tăng thêm 1.000 giàn, diện tích gieo thẳng ở vụ xuân 3.656 ha, tăng gấp 3 lần vụ xuân 2008, thực hiện ở 257 HTX của 19/21 huyện thị có diện tích cấy lúa. Đặc biệt huyện Gia Lâm mới làm vụ đầu nhưng diện tích gieo thẳng theo hàng đạt 379 ha, điển hình là HTX Đa Tốn 170 ha; HTX Trâu Quì 150 ha... Năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, cao hơn lúa cấy 10 – 15%. Vụ mùa tiếp tục mở rộng diện tích được 4.337 ha, thực hiện ở 266 HTX. Tất cả các điểm thực hiện gieo thẳng theo hàng đều có đánh giá lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn so với lúa cấy: cây cao hơn, ít nhiễm bệnh vàng lá hơn, nhiều bông và đều bông hơn, năng suất bình quân trên 60 tạ/ha, cao hơn so với lúa cấy từ 10-15%. Mang lại lợi nhuận cao hơn lúa cấy trên 5.000.0000đ/ha.

Mặt khác lúa gieo thẳng còn rút ngắn được thời gian sinh trưởng, thu hoạch sớm hơn so với lúa cấy 7 – 10 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, nhất là cây đậu tương đông. Gieo sạ bằng giàn là mô hình mang tính xã hội hóa cao, có sức lan tỏa rất lớn, được đông đảo bà con nông dân tiếp thu và mở rộng. Bước đầu nó đã làm thay đổi được tập quán của bà con nông dân, tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất từ giống, phân bón, ngâm ủ, gieo tập trung đến tưới tiêu, bảo vệ thực vật... Mặt khác nó còn tạo ra sức ép cho việc dồn điền đổi thửa bởi có dồn điền đổi thửa mới có đất rộng để làm tốt việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, gieo cấy đồng bộ, sản xuất ra một lượng hàng hoá đủ lớn... Từ kết quả đạt được trong những năm qua, chủ trương của Thành phố trong năm 2010 và những năm tiếp theo tiếp tục quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ để mở rộng diện tích gieo thẳng lúa theo hàng, phấn đấu đến năm 2015 có 50% diện tích lúa được áp dụng gieo thẳng theo hàng bằng giàn sạ.

Thanh long ruột đỏ phát triển tốt

Mô hình trồng trọt đáng chú ý nữa là trồng thanh long ruột đỏ. Cây thanh long ruột đỏ được Viện Nghiên cứu Rau quả - Bộ NN-PTNT đưa về vùng đất đồi gò của xã Kim Quan, huyện Thạch Thất từ năm 2002 với diện tích 1ha, đến năm 2004 bắt đầu cho quả, một năm ra được từ 5 – 7 lứa quả, một trụ bình quân thu được 4-5kg quả/năm, tuy nhiên quả nhỏ, trọng lượng bình quân 0,2-0,3kg/quả, ruột quả có màu đỏ tím, ăn có vị ngọt hơn thanh long ruột trắng rất thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Từ đó đến nay 1ha thanh long đó năm nào cũng cho quả, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên do đây là cây trồng mới ở miền Bắc nên kỹ thuật thâm canh còn hạn chế, nông dân không dám đầu tư thâm canh dẫn đến quả nhỏ, năng suất thấp. Năm 2006 Trung tâm Khuyến nông Hà Tây (cũ) mời chuyên gia ở Bình Thuận ra tư vấn, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long.

Năm 2007 Trung tâm còn hỗ trợ các địa phương mở rộng thêm diện tích trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 5,5 ha, trong đó huyện Thạch Thất 3ha, Ba Vì 0,5ha, Mỹ Đức 1ha, Chương Mỹ 1ha. Thực hiện chăm sóc theo đúng qui trình kỹ thuật nên thanh long phát triển tốt, năm 2009 bắt đầu cho quả, năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/ha/năm, trọng lượng quả bình quân 0,4-0,5kg/quả, với giá bán bình quân 15.000đ/kg, 1ha thu được trên 120.000.000đ, trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, lợi nhuận thu được trên 50.000.000đ/ha (gấp 2-3 lần so với trồng sắn), tuy nhiên đây mới là năm đầu cho quả, những năm sau sản lượng còn tăng lên nhiều.

Có thể khẳng định cây thanh long ruột đỏ phát triển tốt vùng đồi gò Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung, đây có thể là cây xóa đói giảm nghèo ở vùng đồi gò Hà Nội. Từ kết quả đáng khích lệ ấy, chủ trương của thành phố Hà Nội phấn đấu 2010-2015 mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ ở các vùng đồi gò lên 500 ha, từng bước tạo thành vùng sản xuất thanh long ruột đỏ hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ Hà Nội, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Chăn nuôi, thủy sản phát triển mạnh

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai một số mô hình về chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất cho nông dân. Có thể kể một vài điển hình như mô hình nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững, quy mô 3ha, triển khai tại Tân Ước, Thanh oai, Hà Nội. Mục đích khi xây dựng mô hình này trước tiên để nâng cao năng suất bình quân trong chăn nuôi - thủy sản thông qua việc lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng; cơ cấu đàn và chăm sóc, cho ăn hợp lý; quản lý chặt chẽ môi trường nuôi trước, trong và sau khi nuôi. Tận dụng sự hỗ trợ lẫn nhau giữa chăn nuôi, thủy sản.

Tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo VSATTP. Không gây ô nhiễm môi trường. Tạo tiền đề để xây dựng các vùng sản xuất kết hợp du lịch sinh thái bền vững. Điểm khác biệt của mô hình này ở chỗ nó được quy hoạch thành 3 khu sản xuất chính: khu chăn nuôi, khu trồng cỏ VA06 và khu nuôi thủy sản. Khu nuôi thủy sản được chia làm 4 ao gồm: ao chứa xử lý nước cấp; ao ương nuôi cá giống; ao nuôi cá thịt; ao xử lý nước thải chăn nuôi, thủy sản. Một vành đai xanh gồm các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp được trồng quanh bờ ao và xung quanh trang trại. Để thực hiện mô hình, Trung tâm đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, 40% cá giống, 20% vật tư. Đưa công nghệ sinh học vào khâu sản xuất, cụ thể đã dùng chế phẩm sinh học EMC của Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt nam để xử lý môi trường nuôi từ khâu cấp nước đến khâu nước thải nên trong suốt quá trình nuôi không xuất hiện hiện tượng bệnh, cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (>90%), năng suất đạt trên 15 tấn/ha.

Bên cạnh đó, toàn bộ nguồn nước thải của khu chăn nuôi và thủy sản đều được tập trung vào ao cuối nguồn để xử lý trước khi thải ra hệ thống mương tiêu chung, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở tiền đề, năm 2010 Trung tâm đề xuất Sở Nông nghiệp & PTNT cho mở rộng thành vùng nuôi thủy sản tập trung đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường tại Đông Mỹ - Thanh Trì với quy mô 100ha. Mô hình khôi phục nguồn lợi thủy sản nội đồng cũng là nét độc đáo của khuyến nông Hà Nội. Trên quy mô 5ha, triển khai tại 2 xã Ngọc Mỹ và Cấn Hữu - Quốc Oai được bố trí, cải tạo để nuôi cua, chạch đồng.

Hệ thống bờ bao được gia cố tốt tránh cho cua, chạch thất thoát trong quá trình nuôi, tạo một số bờ giả để làm chỗ trú ẩn cho cua phát triển, sinh trưởng. Kỹ thuật nuôi những con đặc sản này khá đơn giản, chúng tự sinh sản nên chỉ cần đầu tư giống lần đầu, những năm tiếp theo bổ sung một nhỏ nên tiết kiệm về đầu tư giống. Sức đề kháng của cua và chạch tốt nên không xuất hiện bệnh trong quá trình nuôi. Chúng tận dụng thức ăn từ xác động vật, ốc bươu vàng, có thể bổ sung thêm một phần nhỏ về tinh bột như cám gạo, bột ngô...

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.