| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo lối hát soọng cô

Thứ Tư 12/02/2014 , 10:05 (GMT+7)

Soọng cô, phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên. Soọng cô đã có từ lâu đời, là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam - nữ...

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trải lòng: "Soọng cô, phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên. Soọng cô đã có từ lâu đời, là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam - nữ. Lời bài hát được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt do chính đồng bào sáng tạo nên...".

Gia Cát người dân tộc Kinh nhưng anh được sinh ra, lớn lên trong câu hát soọng cô. Vì thế lòng Gia Cát đằm thắm với câu hát giao duyên của người đồng bào Sán Dìu. Nhiều lần đi nghe hát, Gia Cát thấy mê mẩn nhưng lòng nao nao thấy thiếu vắng điều gì đó bên câu ví. Ngồi trò chuyện với các bậc cao niên bên bàn trà, Gia Cát bảo: "Soong cô sẽ hay hơn khi người hát mang trang phục truyền thống của người dân tộc Sán Dìu…".

Theo gợi ý của anh, nhiều bà con người Sán Dìu ở Nam Hòa đã sang Bắc Giang, về Vĩnh Phúc hoặc nhờ người thân bên Tuyên Quang mua hộ vải bông, nhuộm chàm về may trang phục. Bà Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán tự hào khi lấy cho tôi xem bộ trang phục truyền thống. Bà bảo: "Đây là bộ chính gốc Sán Dìu cổ, tôi đã mặc nó về Hà Nội, về tỉnh dự hội nghị (trước đây bà Nguyệt làm cán bộ xã), nay tôi mặc nó đi hát soọng cô với bạn bè".


Bà Miêu Thị Nguyệt đã tự sưu tầm, chép lại được hơn 4.000 bài hát soọng cô

Bà Nguyệt trẻ hơn tuổi 72 của mình rất nhiều. Hiện bà làm Chủ nhiệm CLB dân ca Sán Dìu của xóm Na Quán. Từ nhiều năm nay, ngôi nhà bà ở trở thành “điểm ca hát” của 31 thành viên CLB và những người dân mê hát soọng cô. Chẳng thế, khi tôi vào nhà, chưa uống xong chén nước đã thấy bà con đến chơi đông vui như một ngày hò hẹn cho cuộc hát giao duyên mừng xuân mới.

Đặc biệt trong CLB có nhiều cặp hát là vợ chồng, như cặp đôi Vượng - Ngọc, Cao - Tám, Thượng - Bẩy, Vinh - Mới. Các “ca sĩ xóm” phần nhiều đã lên chức ông, bà. Người trẻ tuổi nhất là chị Lưu Thị Xuân, 54 tuổi; người cao tuổi nhất là bà Nguyệt, 72 tuổi. Tuy thế, ai nấy đều duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, khiến khu nhà bà Nguyệt rực rỡ như một vườn hoa.

Chợt câu ví đổ dài bên nương núi:

“Khiu nen cộ leo, sin len lói

Thao va vát leo, ly va hoi

Thao va vát leo, hông sui hị

Thao va vát leo, zịn lóng loi”.

Anh Lý Mịnh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, dịch lại lời hát:

“Năm cũ qua đi, năm mới đến

Hoa đào nở hết, hoa mận nở

Hoa đào nở hết, gió thổi đi

Hoa đào nở hết, đợi người đến”.

Theo ông Trịnh Ngọc Thông, Phó Chủ nhiệm CLB thì từ nhiều đời nay, hát soọng cô - hát giao duyên đã trở thành một nét đẹp văn hóa tinh thần trong trong đời sống của đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Lời hát ấy khi trong trẻo như mạch suối đầu nguồn, lúc ấm áp tựa ánh ban mai, câu ca vút lên, ngân dài qua 4 mùa lời chưa cạn...

Câu hát ấy nương vào ngọn gió, cùng năm tháng thêm đậm đà, son sắt, gắn bó với bao thế hệ người Sán Dìu. Và như máu thịt, hơi thở mỗi người, bởi lời hát mộc mạc, thổ lộ cả nghĩ suy, tâm sự của người tham gia cuộc hát.

Giây lát ông Thông dừng lời, rồi bảo: "Câu hát trên là hát về mùa xuân. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới. Ngày trước, vào ngày tết, lễ, trai gái các làng thường rủ nhau ra nương núi hoặc bãi đất trống bên suối hát giao duyên. Cuộc hát có khi kéo dài cả tuần không cạn lời. Còn bây giờ thanh niên người Sán Dìu chưa biết hát, chỉ có người cao tuổi hát giao lưu chứ không phải hát giao duyên".

Từ tấm bé, ông Thông đã được ông bà nội truyền dạy cho lời hát của dân tộc mình. Lúc đầu tập hát thấy hơi ngượng miệng, sau thành quen, thì mê đắm đến giấc ngủ ông cũng hát mê. Hiện trong nhà ông còn lưu giữ 2 cuốn sách chép lại khoảng 500 bài hát soọng cô bằng chữ Hán cổ. Hằng ngày ông cặm cụi ngồi dịch, rồi truyền dạy lại cho những người mê hát.

Ở Na Quán, ông Trịnh Xuân Vượng còn kỳ công sưu tầm, chép lại được hơn 3.000 bài hát soọng cô cổ vào vở học trò. Nhiều hôm, sau bữa cơm tối, vợ chồng ông Vượng cùng nhẩm lại một vài bài hát soọng cô cổ, như bài “Gặp bạn”, “Mời trầu”, “Thăm hỏi”…

Là dân cấy lúa, trồng sắn, chăn lợn, nhưng vợ chồng ông Vượng và các thành viên CLB dân ca Sán Dìu xóm Na Quán đã nhiều lần đóng góp tiền thuê xe sang các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc hát giao lưu với đồng bào dân tộc Sán Dìu.


Một buổi tập hát đối ví của các thành viên CLB dân ca Sán Dìu

Bà Diệp Thị Ngọc nói vui: "Tiền nong chẳng quan trọng, bán gánh thóc, con gà là có chút đóng góp để được cùng nhau đi hát". Còn bà Diệp Thị Ba cho biết thêm: "Mỗi cuộc hát thường bắt đầu từ 13 giờ hôm trước và kéo dài qua đêm tới 8 giờ sáng ngày hôm sau. Gặp nhau, chủ khách hát bài chào hỏi, làm quen, mời ngồi, mời trầu, uống nước; khi ăn thì hát mời cơm, mời rượu; khi về thì hát giã biệt, hẹn ngày gặp lại"…

Bà Diệp Thị Hai tự hào: "CLB có “lưng vốn” hơn 5.000 bài hát cổ và bài hát mới. Người thuộc ít nhất cũng được 300 bài, mỗi bài gồm 4 câu, mỗi câu có 7 từ".

Lại như mạch suối đầu nguồn, lời hát cất lên trong trẻo:

“…Lống ny dịu sếnh diu sọi dọn

Mú ti hố nhít tách lói sim”.

Tạm dịch:

"Đôi ta có tình đã từ lâu

Mỏi mong ngày gặp ở đâu hời chàng".

Lời hò hẹn, yêu đương trẻ trung, hồn nhiên và đầy chất thi ca luôn nở trên môi người Sán Dìu. Vui nhất là ngày đầu mùa xuân mới, lời hát vui tươi được ngân lên từ mỗi ngôi nhà trong xóm, xua đi hơi lạnh ngày tàn đông, đón hơi ấm mùa xuân về, mong cầu mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, mọi nhà no đủ.

Năm 2013, CLB dân ca Sán Dìu xóm Na Quán được đón tiếp gần 10 đoàn khách từ các tỉnh bạn đến giao lưu. Cuộc hát cũng kéo dài từ hôm trước tới ngày hôm sau. Đôi bên chia thành từng nhóm, ông Vượng cho biết: Lệ hát, nam bên này đối với nữ bên kia và ngược lại.

Những buổi hát ví như thế tương tự như cuộc ứng đối thơ ca, lời hát, đòi hỏi người tham gia có vốn kinh nghiệm, bản lĩnh để khi vào cuộc không bị quên lời. Bởi thế, hát soọng cô làm người ta say mê đến quên ăn, quên ngủ và cuộc hát như không có điểm dừng:

“Sọng thú sếnh cô hô hú công

Sú công sút tách chệnh suy chông…”.

Tạm dịch:

"Hát một bài ca dâng lên Đảng

Đảng ta lãnh đạo nước non nhà..."

Câu soọng cô cất lên, gợi lại miền hoài niệm, bà Nguyệt kể lại ngày cách đây hơn 50 năm trước, bà lên duyên với ông Trần Thái, người dân tộc Sán Dìu ở huyện Đại Từ cũng bởi đi hát soọng cô. Bà cùng nhóm sơn nữ bên Đồng Hỷ hát đối ví với nhóm thanh niên Đại Từ 2 năm. Tất nhiên là phải sau nhiều cuộc hát hẹn khác nhau thì ông Thái bảo cha, mẹ mang sính lễ đến nhà hỏi cưới bà làm vợ. 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm