| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động ở huyện nghèo nhất Thanh Hóa

Thứ Ba 19/12/2023 , 07:00 (GMT+7)

Lực lượng lao động xuất khẩu đang gián tiếp góp phần giúp xã Quang Chiểu hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Cả đời không dám mơ nhà mới

Ông Vi Hồng Inh nhiều trâu nhất bản Pùng (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Dù là hộ nuôi lớn, cộng thêm vài sào ruộng nhưng vợ chồng ông chỉ đủ ăn. Năm ngoái, ông tiếc mãi vì bán đàn trâu, nhưng chẳng còn cách nào khác vì sức khỏe vợ chồng ông không cho phép. Ông Inh nhẩm tính, sau 5 năm nuôi, số trâu bán đi cho lãi không đáng kể.

Hai đứa con trai ông Inh nhìn thấy cảnh bố mẹ cả đời vất vả nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được, nên có ý định đi xuất khẩu lao động sau khi học xong phổ thông. Ông Inh thương bọn trẻ vì chúng chưa trải đời như người khác. Nhưng nếu để chúng quanh quẩn bên nương rẫy thì suốt đời không khá nổi. Ông Inh tôn trọng quyết định của con cái và đồng ý dùng số tiền dành dụm bấy lâu, đầu tư cho hai đứa “xuất ngoại” sang Hàn Quốc.

Vợ chồng ông Vi Hồng Inh phấn khởi trong ngôi nhà vừa được xây cất. Ảnh: QT.

Vợ chồng ông Vi Hồng Inh phấn khởi trong ngôi nhà vừa được xây cất. Ảnh: QT.

Sau khi ổn định chỗ ở, việc làm, đều đặn hằng tháng, mỗi đứa con ông Inh gửi về cho bố mẹ khoảng 30 triệu đồng. Từ số tiền con cái chuyển về, ông Inh quyết định xây cất căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng để tránh mưa gió và dùng làm việc lớn cho hai đứa con ông sau này.

“Nông dân nếu làm nông nghiệp đơn thuần sẽ không đói nhưng chỉ đủ ăn. May mà con cái đi xuất khẩu lao động nên gia đình mới khá hơn được chút. Gần hết đời người, vợ chồng tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện xây nhà. Nhờ có con cái mà bây giờ mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, ông Inh chia sẻ.

Căn nhà gỗ ọp ẹp trước đây là nơi 3 thế hệ trong gia đình ông Inh sinh sống, nay đã thay bằng căn nhà 2 tầng vào loại khang trang nhất bản. Từ hôm chuyển sang ở nhà mới, ông Inh mất ngủ mấy đêm vì mùi hắc của sơn cứ ám ảnh trong đầu. Xây xong nhà, vợ chồng ông còn để dư ít vốn liếng, dành dụm cho con cái xây dựng gia đình sau này.

Nhiều căn nhà hai tầng được mọc lên tại xã Quang Chiểu.

Nhiều căn nhà hai tầng được mọc lên tại xã Quang Chiểu.

Tại xã Quang Chiểu, người dân đi xuất khẩu lao động chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau vài năm cho con em đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình tại xã đã thoát nghèo. Với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, việc xuất khẩu lao động được xem là cứu cánh đối với cuộc sống của nhiều gia đình...

Gia đình ông Vi Văn Thư tại bản Sáng một vài năm nay đã vươn lên cũng trở nên khá giả hơn so với mặt bằng chung của xã. Đứa con trai của ông Thư hiện nay đang làm việc tại Hàn Quốc với mức thu nhập đều đặn hơn 30 triệu đồng/tháng.

“Cho con đi xuất khẩu lao động có nhiều cái lợi. Thứ nhất, chúng nó vừa có thu nhập, từ đó bố mẹ cũng được nhờ. Thứ hai, sau này về quê, bọn trẻ có cái nghề trong tay, sẵn đồng vốn có thể tự lập tốt hơn thay vì làm nghề nông. Nếu không có xuất khẩu lao động, không biết khi nào người dân mới hết cảnh khó khăn”, ông Thư chia sẻ.

Ông Thư khoe, đứa con ông có tay nghề chắc nên được người sử dụng lao động đánh giá cao. Chàng thanh niên có ý định ở lại Hàn Quốc thêm một vài năm sau khi hết hợp đồng lao động lần đầu, để cải thiện thu nhập và nâng cao tay nghề.

Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Cách đây khoảng 10 năm, xã Quang Chiểu vẫn là vùng thuần nông, đây đó vẫn còn những căn nhà sàn bán kiên cố gối núi, tựa sông. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, nơi đây đã trở thành xã có nhiều nhà giàu và sở hữu nhiều tài sản có giá trị. Chủ nhân của các tài sản này là những người đi xuất khẩu lao động hoặc đã trở về quê. Trong số đó, có người đã tận dụng khoản tiền tiết kiệm được sau những năm tháng lăn lộn bên nước ngoài, trở về quê tự khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Trên con đường dẫn vào xã Quang Chiểu, những ngôi sàn đã được thay thế bởi những căn nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp nằm san sát không khác gì phố thị vùng xuôi. Nhìn vào thực tế trên, càng tin rằng, xuất khẩu lao động đã thực sự giúp người dân bản đổi đời.

Xã Quang Chiểu thay da đổi thịt nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: QT.

Xã Quang Chiểu thay da đổi thịt nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: QT.

Dù mới đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu hơn 1 năm, nhưng ông Vi Văn Hiện nắm khá chắc địa bàn. Ông Hiện cho biết, trước đây, toàn xã có 1.300 hộ gia đình thì hầu hết thuộc diện nghèo, cận nghèo, trong đó có tới 90% dân số sinh sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh. Chỉ sau khoảng chục năm, toàn xã chỉ còn hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo và đang phấn đấu mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2025.

“Hiện nay, toàn xã có hơn 300 lao động xuất khẩu, chủ yếu làm việc tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2023, huyện giao cho xã chỉ tiêu xuất khẩu lao động là 25 người, nhưng hiện nay số lao động đã “xuất ngoại” đã lên tới hơn 50 người. Bên cạnh đó, số lao động đã học xong tiếng và chuẩn bị bay khoảng 70 - 80 người. 

Hướng đi xuất khẩu lao động đã làm thay đổi tích cực đời sống người dân. Nhiều hộ gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài đã xây được nhà cao tầng, mua sắm được xe cộ, con cái được học hành tử tế. Toàn xã có khoảng 200-300 căn nhà khang trang từ có giá 700-800 triệu đồng. Một số hộ dân có tiền gửi ngân hàng từ vài trăm triệu trở lên. Nếu không có nguồn tiền từ lao động nước ngoài gửi về chúng tôi không dám mơ đến chuyện nông thôn mới. Vì có xuất khẩu lao động, mới có Quang Chiểu như bây giờ”, ông Hiện cho biết.

Cũng theo ông Hiện, tính đến tháng 11/2023, tiền ngoại hối chuyển về địa phương từ con em lao động nước ngoài lên tới hơn 80 tỷ đồng. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng làm việc đang khẩn trương làm thủ tục để trở lại Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc.

Bên cạnh thuận lợi, vị Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cũng cho rằng, hiện nay, nhiều hộ gia đình có con em trong độ tuổi lao động muốn xuất khẩu lao động, nhưng do điều kiện gia đình không cho phép nên nên đành tạm gác mục tiêu tăng thu nhập và thoát nghèo.

“Để đi xuất khẩu lao động, mỗi lao động cần khoản chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với bà con dân bản. Do đó, chúng tôi mong muốn Đảng, nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho lao động trong quá trình học tập, chi phí xuất khẩu lao động để bà con đỡ vất vả", ông Hiện chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát đánh giá: “Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhiều lao động sau khi xuất khẩu có công việc ổn định, chỉ sau thời gian không lâu đã trả xong số tiền vay ngân hàng và còn gửi tiền về cho gia đình. Đây cũng là cơ hội để lao động học hỏi, trau dồi và tích lũy kiến thức về nghề đã được đào tạo; nâng cao trình độ, dễ dàng tìm kiếm những việc làm phù hợp sau khi trở về nước với mức thu nhập cao, ổn định đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương".

Cũng theo lãnh đạo huyện Mường Lát, thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động, ngoài việc tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động, huyện sẽ tích cực trong việc chủ động đấu mối, phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, hiện nay, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối với lao động xuất khẩu, tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục khá phức tạp, trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế. 

Năm 2023, huyện Mường Lát có 7 xã và 1 thị trấn, 77 bản, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường, Thái...  Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt khoảng 22%), thấp nhất khu vực miền núi, bình quân đạt 7/19 tiêu chí/xã. Hiện nay, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.