| Hotline: 0983.970.780

Vụ cán bộ lừa dân bán đất: Ai làm sai thì bỏ tiền ra mà đền

Thứ Sáu 01/12/2023 , 09:40 (GMT+7)

Người dân nộp tiền trúng đấu giá để làm giấy chứng nhận quyền sử đụng đất chứ không phải nộp cho xã để trả nợ. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ai sai người đó chịu trách nhiệm

Liên quan tới vụ việc cán bộ lừa dân bán đất tại xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), mới đây chính quyền địa phương đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân, cựu cán bộ xã để tháo gỡ khó khăn đối với các lô đất trúng đấu giá, đã nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Số tiền thu được từ việc đấu giá đã được UBND xã Thọ Vực dùng vào việc trả nợ.  Đến nay các bên vẫn chưa thống nhất về phương án xử lý triệt để vụ việc trên tinh thần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Vị trí khu đất người dân đã nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Vị trí khu đất người dân đã nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Nhận định về pháp lý vụ việc, Luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC cho rằng, trong vụ việc này, nếu người dân phát hiện mình bị chiếm đoạt tài sản (tiền sử dụng đất), thì có quyền trình báo cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ hành vi vi phạm có liên quan.

“Người dân nộp tiền trúng đấu giá với mục đích làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ không phải nộp tiền cho xã để trả nợ. Chính quyền địa phương không thể đẩy "quả bóng" trách nhiệm về phía người dân. Việc người dân mua bán đất trong trường hợp này là ngay tình, hợp pháp. Còn cán bộ thu tiền của dân không nộp kho bạc thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình”, Luật sư Trần Hoàng Vũ cho hay.

Trước đó, lãnh đạo xã Thọ Vực đương nhiệm cho biết, để giải quyết vấn đề này cần sự “chia sẻ” của người dân và cán bộ về hệ lụy đã xảy ra. Theo đó, đối với các lô đất trúng đấu giá đã nộp tiền nhưng không nộp vào kho bạc thì giải quyết theo hướng mỗi bên chịu một nửa tiền để hoàn tất các thủ tục thuế, đất đai, thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Theo UBND xã Thọ Vực, số tiền các hộ dân phải nộp bù để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới hơn 1 tỷ đồng (bao gồm số tiền gốc trúng đấu giá và lãi).

Về việc này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là đòi hỏi vô lý, bởi người dân đã nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, nay lại vận động họ nộp thêm tiền chỉ vì cán bộ xã đã dùng số tiền đó để trả nợ.

“Căn cứ quy định pháp luật nào mà chính quyền vận động người dân nộp thêm tiền (bao gồm cả khoản tiền trúng đấu giá trước đây) để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Việc này là không phù hợp với quy định pháp luật và không đúng thực tế diễn biến vụ việc”, ông Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (bên trái) và Luật sư Trần Hoàng Vũ (bên phải). 

ĐBQH Phạm Văn Hòa (bên trái) và Luật sư Trần Hoàng Vũ (bên phải). 

Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, đây là vụ việc phức tạp, cần làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan để xử lý vi phạm. “Trước mắt, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ nguyên nhân của việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân. Muốn làm rõ vấn đề này, UBND cấp huyện cần thực hiện thanh tra, kiểm tra, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý đối với cán bộ có vi phạm. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân trúng đấu giá đất theo quy định”.

Áp lực trả nợ công?

Ông Lê Công Thân, cựu cán bộ địa chính xã Thọ Vực - người được cho là có liên quan tới vụ việc nêu trên tiết lộ: Các lô đất bán đấu giá, UBND xã Thọ Vực đã thu tiền của người dân sau khi có thông báo nộp tiền trúng đấu giá, nhưng không được nộp kho bạc. Đối với các lô đất san hộ, UBND xã đã thu tiền trước thời điểm UBND huyện Triệu Sơn có quyết định hoặc thông báo nộp tiền sử dụng đất (UBND xã Thọ Vực chỉ căn cứ vào phương án đấu giá hoặc giao đất không qua đấu giá để thu tiền). 

Người dân bức xúc vì 14 năm qua chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân bức xúc vì 14 năm qua chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Thân, việc UBND xã Thọ Vực thời điểm đó không nộp số tiền đấu giá vào kho bạc là do áp lực trả nợ các công trình đầu tư công tại xã.

"Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo xã dùng tiền của dân để trả nợ công trình, tôi đã nhiều lần khuyên lãnh đạo xã: Các anh làm như vậy là không đúng. Tuy nhiên họ không nghe ý kiến góp ý mà đưa ra phương án, sẽ dùng nguồn khác (nếu có) để bù vào số tiền đấu giá đất đã mang đi trả nợ”, ông Thân cho biết.

Ông Thân cho biết thêm, thời điểm đó, với vai trò là cán bộ địa chính, ông đã khuyên các hộ dân có ý kiến với chính quyền để đảm bảo quyền lợi chính đáng, nhưng mọi việc vẫn "dẫm chân tại chỗ" nhiều năm.

Cựu cán bộ địa chính xã Thọ Vực cho rằng, bản thân ông không liên quan tới việc tiền nong và không nắm rõ khoản tiền thu được từ việc bán đất được sử dụng vào mục đích cụ thể ra sao.

Câu hỏi đặt ra ở đây là UBND xã Thọ Vực đã dùng tiền đấu giá đất của dân để "trả nợ" cho dự án đầu tư công thật không? Bởi lẽ đã là dự án đầu tư công thì phải được phân bổ ngân sách và qua đấu thầu, đấu giá. Vậy nguồn ngân sách dành cho dự án trên đã được chi dùng vào việc gì?

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.