ĐBSCL là vùng sản xuất trọng điểm nông nghiệp cả nước, với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó diện tích có thể trồng trọt được khỏang 2,1 triệu ha và riêng vùng trồng lúa khoảng 1,6 triệu ha. Do đó, ĐBSCL luôn là vùng trọng điểm chủ lực xuất nhập khẩu nông sản của cả nước.
Trong những năm qua, xuất phát từ nhu cầu sản xuất và điều kiện thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng, năm 1994, Chi Cục Kiểm dịch Thực vật vùng IX được thành lập, thực hiện chức năng kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT.
Do đặc thù vùng ĐBSCL với phạm vi khá rộng, vùng biển đảo Đông - Tây, đường biên giới Tây Nam tiếp giáp Vương quốc Campuchia, chạy dài Từ Long An - Đồng Tháp - Kiên Giang, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng IX được phân công quản lý công tác kiểm dịch thực vật trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trong vùng, gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Ông Kha Hữu Vinh, Chị Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng IX cho biết, Chi Cục thực hiện theo lộ trình cải cách hành chính Một cửa Quốc gia theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Chi cục đã phấn đấu để đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động kiểm dịch thực vật, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Cũng theo ông Kha Hữu Vinh, trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện theo thông tư 33/2014/TT-BNN ngày 30/10/2014. Đồng thời, Chi cục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong việc thực hiện rà soát, giảm thời gian thông quan hàng hóa và công khai cho doanh nghiệp biết.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã ban hành công văn về việc công khai thời gian thực hiện kiểm dịch thực vật. Trong đó, thời gian từ khi đi kiểm tra đến khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tối đa đối với đường bộ và đường hàng không là 4 giờ và 10 giờ cho cảng biển. Qua đó, có thể thấy sự đổi mới trong cung cách làm việc, phục vụ tận tâm của cán bộ, công nhân viên Chi cục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục kiểm dịch thực vật.
Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng IX áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM), các tiêu chuẩn việt nam và tiêu chuẩn cơ sở về kiểm dịch thực vật để thực hiện công tác kiểm dịch thực vật.
Qua ghi nhận ý kiến phản hồi, góp ý từ các cá nhân đơn vị khách hàng là các doanh nghiệp, đa số ý kiến hài lòng với những nỗ lực cải cách hành chính của Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng IX.
Đó là tạo điều kiện thuận lợi, giản tiện thủ tục giấy tờ hành chính. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng IX đặt mục tiêu phấn đấu với sự tận tâm phục vụ chuyên nghiệp vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp ở vùng ĐBSCL.