Mới đây, Tỉnh uỷ Bến Tre có buổi làm việc trực tuyến với đơn vị tư vấn về tiến độ công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Sau gần 6 tháng tích cực triển khai thực hiện, ước khối lượng công việc thực hiện đạt được khoảng 65%. Đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thành dự thảo báo cáo đầu kỳ quy hoạch tỉnh với sơ bộ 37 bản đồ (6 bản đồ hiện trạng, 31 bản đồ quy hoạch các ngành lĩnh vực), và 14/41 hợp phần quy hoạch để gửi ý kiến đóng góp.
Trong đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện dự thảo Hợp phần số 1. Hợp phần “Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến theo công điện số 1110/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc tập trung triển khai lập quy hoạch, tỉnh Bến Tre cũng đang tiến hành triển khai lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025, kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
Cũng theo ông Nguyễn Trúc Sơn, quy hoạch theo hướng tích hợp mới triển khai thực hiện lần đầu. Do đó trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện rất mới, chưa có hướng dẫn thống nhất về phương pháp dự báo phát triển trong tương lai đến năm 2030 và năm 2050. Vì vậy, các đơn vị tư vấn, các chuyên gia cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong quá trình thực hiện lập quy hoạch còn nhiều lúng túng.
Quy hoạch theo hướng tích hợp là mới và rất khó, không có đơn vị nào trên cả nước có đủ năng lực để thực hiện độc lập. Vì vậy, phải liên danh từ 4 - 5 đơn vị tham gia mới đủ năng lực. Đồng thời, số lượng đơn vị tư vấn, chuyên gia có hạn nhưng cùng lúc cả nước tập trung triển khai công tác lập quy hoạch nên lực lượng chuyên gia tư vấn bị phân tán, dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Theo quy định của Luật quy hoạch, quy hoạch tỉnh phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp trên: Quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch vùng. Nhưng hiện nay, các quy hoạch cấp trên chưa triển khai lập. Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt. Các địa phương lân cận và trong vùng cũng đang trong quá trình lập quy hoạch,...Vì vậy, tỉnh thiếu các cơ sở đối chiếu, so sánh để xác định định hướng phát triển phù hợp, cũng như đưa ra các hướng đi đột phá trong tương lai. Hiện nay, tỉnh vừa làm vừa chia sẻ, rút kinh nghiệm.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bến Tre sẽ đôn đốc đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành dự thảo Báo cáo giữa kỳ, Báo cáo cuối kỳ, 41 hợp phần quy hoạch và hệ thống bản đồ để tổ chức lấy ý kiến, phản biện... nhằm đảm bảo quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL và các quy hoạch ngành quốc gia.
UBND tỉnh Bến Tre phấn đấu đến cuối tháng 11/2021 hoàn thành 41 hợp phần và khoảng 90% dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch. Đầu tháng 12/2021 hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh (lần 1) và hệ thống bản đồ để tổ chức họp phản biện, hội thảo đóng góp ý kiến, gửi lấy ý kiến các địa phương lân cận để hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh trước khi trình xem xét, thẩm định.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị đơn vị tư vấn: Nghiên cứu kỹ về điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên, văn hóa, con người Bến Tre. Trao đổi với lãnh đạo của tỉnh, các ngành, các cấp, địa phương để có dữ liệu sát thực tiễn, nắm được khát vọng phát triển của tỉnh để chuyển tải vào bản quy hoạch.
Tham khảo các mô hình tiêu biểu, nghiên cứu kỹ tầm nhìn chiến lược của tỉnh, lợi thế của tỉnh để xây dựng quy hoạch mang tính tầm vóc, phù hợp với khát vọng phát triển của Bến Tre. Đề xuất, đồng bộ giải pháp để huy động các nguồn lực cho phát triển và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Theo thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập ĐBSCL chia sẻ về Nghị quyết 120 - Phát triển bền vững ĐBSCL, theo tinh thần mới, cả đồng bằng chỉ có một quy hoạch tổng thể. Tất cả các quy hoạch khác, quy hoạch ngành là cụ thể hoá, diễn dịch của quy hoạch này.
“Chúng ta có bản vẽ tổng thể của bộ máy trước rồi mới làm các thành phần theo đó thì ráp lại mới thành bộ máy vận hành trơn tru. Quy hoạch của địa phương cũng vậy, sẽ là cụ thể hóa của quy hoạch tổng thể. Đây là cách làm mới mang tính lịch sử. Vận hội của ĐBSCL đang tới. Chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết 120 sẽ đưa đồng bằng tới một tương lai thịnh vượng”, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.