| Hotline: 0983.970.780

Đối phó thiên tai và bài học từ năm 2017

Thứ Hai 12/02/2018 , 07:30 (GMT+7)

2017 là năm đặc biệt về thiên tai, với những kỷ lục về mức độ tàn phá. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT - Bộ NN-PTNT) đã có những chia sẻ...

15-13-31_thutuong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi nhân dân Phú Yên sau cơn bão số 12 năm 2017

2017 là năm đặc biệt về thiên tai, với những kỷ lục về mức độ tàn phá. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT - Bộ NN-PTNT) đã có những chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ thực tiễn từ công tác PCTT năm qua, dự báo những nguy cơ thiên tai trong năm mới Mậu Tuất 2018 cũng như những vấn đề bức thiết nhất cần lưu tâm trong công tác PCTT hiện nay.
 

La Nina trong nửa đầu năm 2018

Là một năm kỷ lục về thiên tai, tuy nhiên, công tác PCTT cũng đã để lại những kinh nghiệm và bài học lớn.

Một là công tác PCTT phải lấy phòng ngừa, dựa vào nhân dân và chính quyền cơ sở là chính. Hai là cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu Chính phủ đối với tình huống thiên tai từ cấp độ 3 trở lên. Ba là công tác dự báo kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin sâu rộng đến các cơ quan chức năng, người dân sẽ chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Tiêu biểu trong năm qua, đó là việc dự báo bão chính xác đã góp phần chủ động trong công tác ứng phó, những hạn chế trong dự báo mưa lớn gây khó khăn trong ứng phó với lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi và điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Đối phó với thiên tai là công việc phức tạp, nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản, có thể dẫn tới thảm họa. Vì vậy, phải tiếp tục cần xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, nhất là lực lượng ứng phó và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn để ngoài việc đáp ứng các nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả mà còn sẽ hạn chế lực lượng cần huy động và giảm kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai.

Cuối cùng, vai trò của thông tin, truyền thông hết sức quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn ứng phó, khi người dân và các cấp chính quyền nắm bắt kịp thời thông tin, kỹ năng để ứng phó thì sẽ hạn chế được thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời định hướng dư luận, không gây hoang mang, bất ổn xã hội.

15-13-31_hoitq
Ông Trần Quang Hoài (đứng) chủ trì một cuộc họp đối phó với bão số 12 năm 2017

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, năm Mậu Tuất 2018, tình hình thiên tai được dự báo sẽ vẫn có những nguy cơ bất thường. Dưới tác động của La Nina trong nửa đầu năm 2018, số lượng bão, ATNĐ trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng tương đương hoặc nhiều hơn so với trung binh nhiều năm, với khoảng 11 - 13 cơn trên Biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Mùa mưa có xu hướng đến sớm ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc, các tháng đầu năm 2018, mưa trái mùa có khả năng xuất hiện ở khu vực phía Nam. Đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Nam bộ từ tháng 2 - 5/2018 dự báo lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, trong đó các tháng mùa khô có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Ở phía Bắc, các đợt mưa lớn sẽ tập trung trong các tháng 6 - 9/2018 do ảnh hưởng của bão, ATNĐ. Trong khi đó, mưa lũ ở miền Trung sẽ tập trung nhiều trong các tháng 9 - 10. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2017 - 2018 có khả năng xuất hiện trong khoảng tháng 3/2018, riêng vùng Bán đảo Cà Mau xuất hiện vào tháng 4/2018.
 

Lo nhất Nam bộ

Năm 2017, bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung bộ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh đó, nhiều cơn bão muộn đã đe dọa tới các tỉnh Nam bộ. Rất may là chúng ta đã thở phào vì bão không trực tiếp đi vào khu vực này, nhất là các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên qua những thiệt hại của cơn bão số 12, cũng như công tác ứng phó với bão ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là ở ĐBSCL cũng cho thấy rất nhiều vấn đề lo ngại, nhất là ý thức, kiến thức và kinh nghiệm phòng chống bão của nhân dân vùng này.

Trong năm 2018 và những năm tới, đây là vấn đề mà Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT) sẽ có những chiến lược và kế hoạch cụ thể để khắc phục. Một là tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành về PCTT các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại nhưng không làm tăng biên chế. Đồng thời nâng cao năng lực cơ quan tham mưu từ Trung ương đến địa phương. Hai là xây dựng và nâng cao năng lực lực lượng xung kích dân sự ứng phó thiên tai tại cở sở để ứng phó giờ đầu khi có tình huống thiên tai xảy ra và ba là xây dựng “xã an toàn trước thiên tai gắn với xây dựng NTM”.

15-13-31_bo1
15-13-31_2
Thiên tai đã gây hậu quả nghiêm trọng trong năm Đinh Dậu 2017

Đối với các tỉnh Nam bộ, đặc biệt là ĐBSCL, phải ứng phó với bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển theo hướng tập trung triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cần tập trung vào giải pháp:

Về giải pháp cấp bách trước mắt: Sẽ tập trung quyết liệt và đổi mới công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với bão, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về mức độ ảnh hưởng của các cấp gió, bão đối với nhà cửa, công trình hạ tầng để người dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó. Thích ứng một cách chủ động với lũ, dành không gian cho lũ, khai thác lợi thế của lũ, phát triển sinh kế dựa vào lũ; hoàn thành chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở chống lũ an toàn... 

Đặc biệt, sẽ có chương trình nhằm nâng cao kỹ năng của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em để thích nghi với lũ, bảo đảm an toàn. Đối với hạ tầng, sẽ quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh rạch, cản trở dòng chảy; xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở gây nguy hiểm cho dân cư, công trình hạ tầng quan trọng...

Về lâu dài, vùng ĐBSCL sẽ có những giải pháp căn cơ hơn về hạ tầng như: Đẩy mạnh chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ kết hợp nhà tránh bão cho người nghèo; đẩy mạnh đầu tư để hoàn thành chương trình “Củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển”; rà soát, bổ sung các khu neo đậu cho tàu, thuyền tránh trú bão; rà soát Quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định và quản lý các khu vực chứa lũ, thoát lũ; nạo vét kênh để bảo đảm tiêu, thoát lũ; xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ...

Hiện nay, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đang xúc tiến lập Dự án tổng thể sắp xếp, bố trí lại dân cư ven sông, theo hướng từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở; tăng cường hợp tác với các nước trong lưu vực để quản lý việc khai thác cát trên sông, đề xuất công trình xả cát khi xây dựng các đập ngăn sông; hỗ trợ, chuyển đổi sinh kế người dân vùng cửa sông, ven biển sang kinh tế nước mặn và lợ, trong đó tập trung vào việc tổ chức lại SX, đầu tư công trình hạ tầng để phục vụ cho sinh kế nước mặn, lợ; nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đối với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

TRẦN QUANG HOÀI

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT)

Cùng với việc triển khai Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc đầu tư cho nông nghiệp trên cả nước đang ngày càng mạnh, kèm theo đó là những rủi ro trong SX nông nghiệp do thiên tai gây ra ngày càng lớn. Nhiều khu vực nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, nhà kính - nhà lưới; trang trại; các vùng nuôi trồng thủy sản bị xóa sổ hoàn toàn chỉ sau một cơn bão... Việc triển khai bảo hiểm cho SX nông nghiệp trước rủi ro thiên tai đang là yêu cầu cấp bách và đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên những năm qua, việc triển khai bảo hiểm rủi ro thiên tai cho SX nông nghiệp vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện nay, chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai cho SX nông nghiệp mới thực hiện thí điểm ở một số vùng miền và chưa có chính sách chính thức (nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ...) cho nội dung này. Việc triển khai bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong nghiệp vụ như kiểm soát, hạn chế rủi ro và giám định tổn thất từ khâu kiểm tra, xác định, đánh giá đối tượng được bảo hiểm, rủi ro bảo hiểm, xác định thiệt hại…

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm rủi ro thiên tai trong nông nghiệp, đã hoàn thành và đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành. Khi chính sách này được triển khai, hi vọng sẽ có được chuyển biến mới trong bảo hiểm rủi ro thiên tai trong nông nghiệp.

 

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.