| Hotline: 0983.970.780

Đời sống người dân vùng cao khá hơn nhờ khoa học kỹ thuật

Thứ Bảy 20/08/2022 , 08:00 (GMT+7)

Diện mạo vùng cao An Vinh và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có những đổi thay tích cực, nhờ đã biết thay đổi thói quen trong sản xuất.

Đời sống ngày càng được cải thiện

An Vinh là xã vùng cao của huyện miền núi An Lão (Bình Định), thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 (ngày 4/6/2021) của Chính phủ. Toàn xã có 542 hộ dân với 2.045 nhân khẩu, chiếm 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. An Vinh có 7 thôn, 11 làng; trong đó, có thôn 6 là nằm cách xa trung tâm xã nhất, đến 10 cây số. Kế sinh nhai của bà con ở đây chỉ có 98,09ha ruộng lúa nước, 396,11ha đất rẫy trồng hoa màu và 142,87ha đất rừng.

Empty

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Vinh (huyện An Lão, Bình Định) đã biết làm lúa lai cho năng suất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh, trước đây bà con ở không biết làm gì khác ngoài làm lúa nước. Tuy nhiên, đất trồng lúa nước đã ít, phương thức canh tác lại lạc hậu nên năng suất lúa cho chưa tới 40 tạ/ha.

“Giống thì bà con lấy lúa thịt để gieo sạ. Cây lúa lên rồi phó mặc cho trời, không đầu tư chăm sóc gì hết. Mà cây lúa đâu phải như cái cây trên rừng, bỏ mặc như thế nào cũng sống được thì làm sao lúa cho năng suất cao. Do đó, chỉ tự cung tự cấp thôi nhưng lương thực đã không đủ, đời sống bà con vất vả lắm. Thời gian gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ giống lúa lai của UBND tỉnh, thêm vào đó nhờ ngành khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa nước, nên bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Nhờ đó, năng suất lúa hiện đã được nâng cao đến 63-64 tạ/ha, nên hiện bà con không còn lo thiếu lương thực như trước đây. Bà con cũng đã mua máy cày, máy gặt để cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch để giảm công lao động, dành thời gian làm việc khác kiếm thêm thu nhập”, ông Đinh Văn Tý chia sẻ.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, trong giai đoạn vừa qua, nhờ chính sách của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Lão đã có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là biết sử dụng giống lúa lai vào sản xuất. Giống lúa lai là cứu cánh cho vấn đề an ninh lương thực tại địa phương, bà con các vùng sâu, vùng xa không còn lo nạn đói. Giống lúa lai đã nâng năng suất lúa của huyện An Lão từ 47 tạ/ha lên gần 70 tạ/ha, chẳng thua kém năng suất lúa vùng đồng bằng.

Empty

Nhiều tuyến đường giao thông ở xã An Vinh (huyện An Lão, Bình Định) đã được bê tông hóa. Ảnh: L.K.

Ông Đinh Văn Tý, Phó chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết thêm, những năm gần đây, đồng bào dân tộc Hrê ở An Vinh đã biết trồng rừng sản xuất bằng cây keo lai nên có thêm khoản thu nhập khá lớn, đời sống bà con ngày càng được cải thiện. Thời gian gần đây giá gỗ rừng trồng tăng đột biến, cao hơn nhiều so với những năm trước khiến bà con rất phấn khởi. An Vinh có 142,87ha đất rừng nằm trên địa bàn 3 thôn: Thôn 1, thôn 4 và thôn 7 hiện đã được bà con phủ kín cây keo lai.

“Điều đáng tiếc là từ khi trồng rừng sản xuất, đàn bò ở An Vinh giảm sút mạnh. Bởi, bà con ở đây có thói quen nuôi bò thả rông chứ không nuôi nhốt như người miền xuôi, mà bò thả rông vô rừng gặp keo lai mới trồng sẽ không tha, chúng sẽ ăn ráo, không ăn chúng giậm cũng chết, sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa người chăn nuôi và người trồng rừng. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ động viên bà con nuôi bò nhốt chuồng, khi rừng keo lớn lên thì thả bò ra chúng sẽ không phá được, như vậy bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi”, ông Đinh Văn Tý tâm tư.

Người dân An Vinh còn có nguồn thu nhập khác không kém phần quan trọng là từ cây cau. Theo Phó chủ tịch UBND xã An Vinh, hiện trên địa bàn xã này có khoảng 50ha cau được trồng phân tán trong các hộ dân, hộ trồng nhiều đến 1ha, hộ trồng ít hơn được 10 sào. Trong 2 năm gần đây, cau trái tăng giá đột biến khiến bà con vô cùng phấn khởi. “Năm ngoái có lúc giá cao trái được thương lái thu mua đến 65 ngàn đồng/kg, giá đỉnh nhất từ xưa đến nay; năm 2022 này, vào đầu mùa giá cau có giảm, nhưng vẫn còn 50 ngàn đồng/kg. Cau bình quân cho năng suất 4-5kg/cây, những cây được chăm sóc tốt có thể cho năng suất cao hơn nữa. Thu nhập từ keo lai và cây cau đã cải thiện đời sống của bà con ở đây”, ông Tý cho hay.

Diện mạo mới

Từ khi người dân An Vinh có thêm nguồn thu nhập từ rừng trồng và cây cau, đời sống của bà con đã không còn cơ cực như trước. Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà kiên cố, nhà sàn cũng được tôn tạo khang trang hơn.

Empty

Cau trái đang mang lại cho người dân xã An Vinh nguồn thu nhập khá. Ảnh: V.Đ.T.

Trong nhà thì được trang bị đầy đủ những phương tiện phục vụ đời sống. Hơn 99% số hộ dân giờ đã có xe máy, có gia đình có 2-3 chiếc xe máy để đi lại phục vụ công việc. Trên địa bàn còn có nhiều gia đình sắm xe Chiến Thắng để phục vụ vận chuyển gỗ keo cho những hộ trồng rừng. Đặc biệt, có vài hộ sắm được cả xe con để vừa đi lại, vừa để chạy dịch vụ, nếu trong xã có ai đau yếu thì chở xuống Trung tâm Y tế huyện điều trị, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa phục vụ bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.

Xây dựng nông thôn mới cũng đã mang đến cho An Vinh diện mạo mới. Trên địa bàn xã này hiện có 4,5km đường trục xã và liên xã; 11km đường trục thôn, xóm; 5.433km đường ngõ, xóm và 37.24km đường trục chính nội đồng. Trong đó, có 4,5km đường trục xã và liên xã là đã được bê tông hóa đáp ứng tiêu chí, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT cho từng loại đường. Đường trục thôn, xóm có 11km đã được bê tông hoá nhưng chỉ đạt 85% theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. Đường ngõ, xóm có 5,4km, trong đó đã bê tông hóa 2km, chưa đạt theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, còn lại 3,4km đường đất chưa được bê tông hóa; đường ngõ, xóm sạch và không bị lầy lội vào mùa mưa đạt 80%. Hệ thống giao thông nội đồng có 37,24km nhưng mới chỉ được bê tông hóa 0,33km.

Empty

Đường giao thông thông thoáng giúp xã vùng cao An Vinh phát triển kinh tế. Ảnh: L.K.

“Đường sá trên địa bàn xã An Vinh được Nhà nước đầu tư từ lâu lắm rồi, từ năm 2005, nên giờ đã xuống cấp. Thêm vào đó, xe tải thường xuyên chở gỗ keo đi tiêu thụ quá tải khiến những con đường càng thêm xuống cấp, nhất là những con đường lâm nghiệp thường bị sạt lở trong những mùa mưa lũ, xuống cấp rất trầm trọng. Năm 2022 và năm 2023, UBND huyện An Lão sẽ đầu tư nâng cấp những tuyến đường hư hỏng trên địa bàn, đến khi ấy diện mạo của An Vinh sẽ khang trang hơn”, ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh chia sẻ.

“Kiên cố hóa đường giao thông không chỉ tôn tạo diện mạo cho vùng đất khó, mà còn tạo điều kiện cho người dân ở đây phát triển kinh tế. Trước đây, khi giao thông còn khó khăn, nông sản bà con làm ra luôn bị bán giá rẻ, bởi thương lái vịn vào cớ do vận chuyển khó khăn nên ép giá nông dân. Bây giờ, khi giao thông đã thuận tiện, nhà ai cũng có phương tiện xe máy, nên bà con thường tự chở nông sản xuống chợ thị trấn bán để được nhiều tiền hơn. Đến mùa cau, người dân An Vinh còn biết đi mua gom cau trái từ các nhà vườn với giá phải chăng, khi đã đủ số lượng thuê xe Chiến Thắng tại địa phương chở xuống huyện bán. Trước đây, thương lái ở huyện lên mua thường lấy lý do đường vận chuyển xa xôi, phí vận chuyển cao nên mua ép giá sát đáy”, ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.