| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay ở xã đặc biệt khó khăn

Thứ Hai 13/12/2021 , 20:27 (GMT+7)

Phước Thiện được xem là xã khó khăn nhất huyện biên giới Bù Đốp, Bình Phước. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, xã đang trên đường về đích nông thôn mới.

Vùng đồng bào dân tộc khởi sắc

Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện (Bù Đốp) có 200 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu, 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người S’tiêng.

Trước đây, khu vực này được xem là điểm đen về đói nghèo của địa phương bởi trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kém, địa hình bị chia cắt, số hộ có nhà kiên cố và điện sinh hoạt sử dụng đếm trên đầu ngón tay, trẻ em không được đến trường, quanh năm “cái đói cái nghèo” bám lấy bà con.

Đường nhựa, điện lưới quốc gia phủ khắp khiến diện mạo Tiểu khu 67 đổi thay từng ngày. Ảnh: Hồng Thủy.

Đường nhựa, điện lưới quốc gia phủ khắp khiến diện mạo Tiểu khu 67 đổi thay từng ngày. Ảnh: Hồng Thủy.

Trở lại tiểu khu 67 những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo nơi đây. Từ trung tâm xã Phước Thiện kết nối đến Tiểu khu 67 là con đường nhựa phẳng lỳ, cặp hai bên đường là những ngôi nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn mới, từng đàn dê, bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới những tán điều, cao su trồng mới, điện lưới quốc được phủ kín, trên khuôn mặt người dân hiện lên niềm an vui của cuộc sống.

Ghé vào một căn nhà mới ven con đường, đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, chất phác, anh Điểu Phúc cho biết: "Vợ chồng tôi ở đây đã 10 năm, trước vất vả lắm, gia đình có 4 khẩu nhưng cố lắm cũng đủ ăn, ở đây có 10 hộ thì 9 hộ thuộc hộ nghèo, hộ còn lại cũng diện cận nghèo. Thế nhưng, được Đảng, Nhà nước quan tâm, kéo đường kéo điện về, ai không có bò thì được cho bò, không có dê cho dê, không có nhà xây nhà, giờ ai cũng chí thú làm ăn, bà con no cái bụng, rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước".

Anh Điểu Phúc chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Điểu Phúc chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: Hồng Thủy.

Dẫn thăm vườn cây cao su hơn 10 năm tuổi, cùng đàn dê 7 con, bò 2 con, heo 4 con, anh Điểu Phúc cho biết thêm, ngoài được cấp sinh kế, bà con còn đường cán bộ địa phương hướng dẫn trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước đây bà con chỉ biết đến cây lúa thì hiện nay nhà nào cũng có cao su, điều, hồ tiêu. “Ngoài ra, bà con còn biết tận dụng đất trống để trồng cỏ nuôi bò, dê, nhờ có điều kiện kinh tế, con em cũng được đến trường đầy đủ, không ai phải thất học”, anh Phúc phấn khởi nói.

Già Làng Điểu C’re, một trong những người có uy tín tại địa phương tiếp chuyện, được cấp đất sản xuất theo Chương trình 134 từ năm 2005, đến năm 2017 Tiểu khu 67 được nhà nước đầu tư thêm điện, đường, trường, trạm. Những năm gần đây, nhờ vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, bà con nơi đây tiếp tục được nhà nước cấp nhà và công cụ lao động, tư liệu sản xuất. Với ý chí vươn lên, bà con đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất. Đến nay, toàn bộ ấp Mười Mẫu chỉ còn 5 hộ nghèo, giảm hơn 90% so với những ngày Tiểu khu 67 đi vào hoạt động. Đồng bào ở đây mừng và phấn khởi lắm.

100% người dân Tiểu khu 67 đều có trang thiết bị nghe nhìn và phương tiện đi lại. Ảnh: Hồng Thủy.

100% người dân Tiểu khu 67 đều có trang thiết bị nghe nhìn và phương tiện đi lại. Ảnh: Hồng Thủy.

“Từ “4 không” (không: điện, đường, trường, nước sinh hoạt) ở Tiểu khu 67 trước đây, đến nay đã vươn lên thành “6 có” (có: điện, đường, trường, trạm, đất đai và nước sinh hoạt). Có được cuộc sống đang từng ngày “thay da đổi thịt” đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân”, già Làng Điểu C’re chia sẻ.

  Phăng phăng về đích

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Bù Đốp, xã Phước Thiện được chọn về đích NTM trong giai đoạn 2020-2025, bằng nhiều nỗ lực, đến nay, xã Phước Thiện đã đạt 16/19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí khó như điện, giao thông, thu nhập, bảo hiểm...

Người dân xã Phước Thiện chung tay làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hồng Thủy.

Người dân xã Phước Thiện chung tay làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã Phước Thiện cho biết, xuất phát điểm các tiêu chí của xã thấp, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho xây dựng nông thôn mới lớn nhưng nguồn lực ngân sách có hạn. Xác định việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân hết sức quan trọng.

Một góc trung tâm xã biên giới Phước Thiện. Ảnh: Hồng Thủy.

Một góc trung tâm xã biên giới Phước Thiện. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế và điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai địa phương.

Đến nay, xã có 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp về trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò, 1 tổ hợp tác về canh tác lúa nước, 1 CLB trồng và chăm sóc tiêu bền vững ký kết đầu ra với công ty chế biến gia vị Nepspice - Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, việc hình thành các tổ chức sản xuất không chỉ hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ con giống vật nuôi mà còn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tìm đầu ra cho sản phẩm cho người dân.

Đời sống bà con xã biên giới Phước Thiện ngày càng được nâng cao. Ảnh: Hồng Thủy.

Đời sống bà con xã biên giới Phước Thiện ngày càng được nâng cao. Ảnh: Hồng Thủy.

Cùng với tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, thông qua nguồn vốn của các chương trình dự án và sự hiến đất, góp công của người dân, các công trình: đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã được đầu tư xây dựng phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo diện mạo mới bộ mặt nông thôn vùng biên.

“Xác định, mục tiêu chung của chương trình xây dựng nông thôn mới là nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống người dân và là nhiệm vụ không của riêng ai. Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây xây dựng NTM, địa phương đã tập trung cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp rà soát lựa chọn những nội dung tiêu chí dễ thực hiện trước, đối với những tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững tiếp tục theo dõi giám sát. Mục tiêu hàng đầu phải quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân, phát huy vai trò làm chủ của người dân, để dân tự làm, tự giám sát. Hiện xã Phước Thiện đã đạt 16/19 tiêu chí và đang phấn đấu là xã cuối cùng của huyện Bù Đốp cán đích NTM năm 2022”, ông Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.