| Hotline: 0983.970.780

Đơn Dương nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững

Chủ Nhật 20/12/2020 , 14:07 (GMT+7)

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Đơn Dương hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao và trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Nguyên.

Giá trị sản xuất được nâng cao

Huyện Đơn Dương gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 thị trấn và 8 xã với dân số khoảng 107.482 người; tổng diện tích tự nhiên là 61.135ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 20.362 ha, chiếm 33,3% diện tích.

Với lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đơn Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025. Ảnh: Kim Sơ.

Với lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đơn Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025. Ảnh: Kim Sơ.

Là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp chăn nuôi và trồng trọt nên thời gian qua đã hình thành những vùng chuyên canh về rau, hoa và chăn nuôi bò sữa... Với nỗ lực phát triển không ngừng, năm 2015, huyện Đơn Dương chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên ở vùng Tây Nguyên đạt danh hiệu này.

Năm 2018, huyện Đơn Dương tiếp tục được Chính phủ chọn làm mô hình điểm và tiến hành lập Đề án xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, địa phương đã đạt nhiều thành quả và nền kinh tế của huyện có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp được nâng cao.

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Đơn Dương được sản xuất trên quy mô lớn với khối lượng hàng hóa ngày càng cao. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ khi cây trồng kém hiệu quả dần được thay thế bằng rau, hoa, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Theo UBND huyện Đơn Dương, huyện tập trung hỗ trợ, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm chủ lực rau, hoa tại xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô, Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ. Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau, hoa của huyện ở vào khoảng 11,7 nghìn ha, trong đó khoảng 10,5 nghìn ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt trung bình từ 250 đến 300 triệu đồng ha/năm. Điển hình, nhiều mô hình sản xuất đạt lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Hiện nay, các mô hình sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa ở Đơn Dương luôn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện nay, các mô hình sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa ở Đơn Dương luôn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kim Sơ.

Huyện Đơn Dương hiện có 2 vùng sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm rau đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xã Lạc Lâm và xã Lạc Xuân. Trong đó, vùng Lạc Lâm có diện tích sản xuất 117,87 ha, vùng Lạc Xuân là 167 ha.

Cùng với phát triển rau, hoa công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa cùng là thế mạnh ở huyện Đơn Dương. Đây là mô hình giúp người thực hiện có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu. Hiện, đàn bò sữa của địa phương khoảng trên 15 nghìn con, trong đó, bò sữa trong dân chiếm gần 11 nghìn con. Thuận lợi về khí hậu, đồng cỏ nên bò phát triển mạnh, tổng sản lượng sữa bò vì thế cũng đạt trên 160 tấn mỗi ngày với tổng doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/ngày. Huyện Đơn Dương cũng là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa. Con số thống kê của huyện này cho thấy, 100% hộ chăn nuôi tại đây áp dụng công nghệ vào chăm sóc bò sữa.

Phấn đấu về đích năm 2025

Để về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đơn Dương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và đốc thúc thực hiện. Trong đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, năng động sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, nâng cao thu nhập cho người dân. Hướng đến cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân gắn với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đơn Dương đạt giá trị trung bình 250-300 đồng/ha/năm. Ảnh: Kim Sơ.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đơn Dương đạt giá trị trung bình 250-300 đồng/ha/năm. Ảnh: Kim Sơ.

Huyện Đơn Dương cũng hướng đến thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, chủ động khai thác mọi nguồn lực của địa phương. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép và khai thác triệt để lợi thế, tiềm năng của huyện để thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Huyện Đơn Dương phấn đấu cuối năm 2020, giá trị sản xuất đạt trên 220 triệu đồng/ha, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 71,97%. Huyện cũng phấn đấu có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, có từ 2 -3 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh là xã Lạc Lâm, xã Quảng Lập, xã Ka Đô. Và phấn đấu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025.

Ở Đơn Dương, các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao. Trong đó, huyện có 85,2% trường học đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe và vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế được nâng cao, tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm Y tế trên địa bàn huyện đạt 90,77%. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,5% và thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 95%, cơ quan văn hóa đạt 95%. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.